Cùng đón tết văn minh

Mùng 10 tháng Giêng năm nay đúng vào ngày kỷ niệm một sự kiện trọng đại: Tròn 90 năm Ngày thành lập Đảng (3-2-1930 - 3-2-2020). 

Dịp này, chúng ta nhớ lời khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh 60 năm trước tại lễ kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Đảng (3-2-1930 - 3-2-1960): “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”. Đó là ý chí chính trị của Đảng và nguyện vọng của nhân dân Việt Nam, là yêu cầu tất yếu của sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo. Do vậy, cách chúng ta thiết thực mừng xuân, mừng Đảng năm nay là cùng đón tết văn minh.

Trong 2 tháng qua, các cấp, các ngành, địa phương trong cả nước đã cùng quan tâm việc tổ chức Tết Nguyên đán Canh Tý vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, đặc biệt chăm lo các hộ gia đình chính sách, người nghèo, người neo đơn, không nơi nương tựa, người dân vùng cao, vùng sâu, và thực hiện chu đáo chính sách hậu phương quân đội. Đó là việc thực hiện mệnh lệnh của trái tim, vì người cán bộ, đảng viên không thể cho phép mình an vui đón tết khi còn có những hộ dân không có tết.

Tại TPHCM, không chỉ chính quyền, mặt trận, đoàn thể và các cơ quan chức năng liên quan chăm lo cho dân đón tết, có rất nhiều người hảo tâm và các nhóm thiện nguyện cũng đã tham gia bằng tấm lòng nhân ái, ý thức trách nhiệm với cộng đồng, thể hiện rất đẹp cách cư xử văn minh, hào hiệp của một thành phố nghĩa tình

Đến hôm nay, khi xuân đã đến bên thềm, vẫn còn nhiều việc chúng ta phải cùng lo toan để có tết văn minh, an lành. Chính quyền từng địa phương nên rà soát để không bỏ sót những người già yếu neo đơn và những hộ dân nhập cư không có nơi cư trú, phải sống bấp bênh trên xuồng ghe hay lây lất ở vỉa hè trên địa bàn, nằm ngoài danh sách hộ nghèo của địa phương nên không được chăm lo tết. Và cũng đừng quên rất nhiều người là bệnh nhân từ các tỉnh về các bệnh viện lớn ở TPHCM điều trị bệnh dài hạn, cạn kiệt tiền bạc, ngày tết vẫn nằm hiu hắt trên giường bệnh đau đớn, tuyệt vọng. Để có tết văn minh, cùng với thực hiện an sinh xã hội, cũng cần dồn sức quản lý điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường, hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản, giữ vệ sinh môi trường, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, tăng cường phương tiện đáp ứng tối đa nhu cầu đi lại của người dân, phòng ngừa cháy nổ, giữ vững an ninh trật tự và an toàn giao thông.

Có một điều rất mới: tết năm nay là tết đầu tiên thực thi Luật Phòng chống tác hại của rượu bia và Nghị định 100/2019/NĐ-CP, phạt rất nặng đối với hành vi lái xe khi đã uống rượu bia. 3 tuần qua, lượng rượu bia tiêu thụ và số người đến quán nhậu giảm hẳn, đa số người dân đã không dám liều uống rượu bia rồi tham gia giao thông. Tết này sẽ là đợt cao điểm để chấn chỉnh ý thức và hành vi của mọi người trong việc phòng chống tác hại của rượu bia. Có luồng dư luận cho rằng sẽ không dễ xóa ngay được thói quen lạm dụng rượu bia của cộng đồng, nhất là trong những ngày tết vẫn cần có sự du di, tiết giảm dần, chứ không thể lập tức phạt nghiêm đối với hành vi lái xe khi đã uống rượu bia. Nhưng thực ra một xu thế đang dần định hình: Tết văn minh, không cần phải có rượu bia vẫn có tết. 

Tại TPHCM, ý thức tuân thủ pháp luật của đa số người dân đã được nâng lên, thể hiện qua việc nghiêm chỉnh chấp hành đội nón bảo hiểm khi đi xe máy, không đốt pháo nổ, không xả rác nơi công cộng. Ban đầu khi mới gò vào khuôn khổ pháp luật, nhiều người bàn ra, nghi ngờ tính khả thi, nhưng rồi người dân đã nhận ra việc tuân thủ pháp luật chính là cách ứng xử văn hóa, vì chính mình, vì nền nếp văn minh của cộng đồng.

Đón tết văn minh, từng công dân ý thức nói không với những hành vi vi phạm pháp luật và vi phạm nếp sống văn minh, không tham gia các tệ nạn ma túy, cờ bạc, rượu chè, mê tín, không hành xử kém văn hóa. Toàn xã hội cùng tạo môi trường và điều kiện để phát triển về nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân.

Tin cùng chuyên mục