Cùng doanh nghiệp vượt qua thách thức

Dịch Covid-19 đã và đang tác động tiêu cực đến nền kinh tế cả nước, gây thiệt hại về nhiều mặt, chuỗi cung ứng về vật tư, nguyên liệu cũng bị đứt gãy. Cùng với các giải pháp chống dịch, chúng ta cũng sớm chuẩn bị các giải pháp thiết thực hỗ trợ DN để nuôi dưỡng nguồn thu, thúc đẩy kinh tế phát triển…
Khách hàng mua dung dịch sát khuẩn tại Aeon Bình Tân. Ảnh: CAO THĂNG
Khách hàng mua dung dịch sát khuẩn tại Aeon Bình Tân. Ảnh: CAO THĂNG

Đây là ý kiến của đại diện các hiệp hội, các DN tại hội thảo “Dịch Covid-19: Cùng doanh nghiệp vượt qua thách thức” do Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM tổ chức ngày 17-3. 

Doanh nghiệp khó chồng khó

Theo PGS-TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, dịch Covid-19 đang là yếu tố chính ảnh hưởng đến tình hình kinh tế thế giới, trong đó có Việt Nam. Trong một nghiên cứu toàn diện đầu tiên về tác động của dịch đối với các nền kinh tế lớn trên thế giới, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã xây dựng 2 kịch bản: Giả định dịch sẽ đạt đỉnh tại Trung Quốc trong quý 1 và hạ nhiệt tại các nước khác, tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ giảm 0,5, chỉ còn 2,4% so với mức dự báo trước đó là 2,9%. Giả định dịch bệnh diễn biến trầm trọng và kéo dài hơn, lan rộng ra khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương, châu Âu và Nam Mỹ thì tăng trưởng toàn cầu có thể giảm xuống còn 1,5%, tức chỉ bằng một nửa mức dự báo trước khi dịch bùng phát. Đồng thời, theo dự báo của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), với tác động của dịch Covid-19, tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể suy giảm 0,1%-0,2% so với mức 3,3% trước đó. Tuy nhiên, IMF đang đánh giá lại tác động của dịch bệnh và sẽ công bố trong các cuộc họp vào giữa tháng 4 tới. 

Mua rau củ tại co.opMart Lý Thường Kiệt, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

PGS-TS Trần Hoàng Ngân cho rằng, đánh giá tác động của dịch bệnh đến kinh tế - xã hội là một công việc rất cần thiết để kịp thời xây dựng kế hoạch, chương trình hành động nhằm duy trì và đảm bảo tình trạng ổn định của nền kinh tế. Tại TPHCM, hiện các DN đang chống chọi rất vất vả với tác động đa dạng của dịch từ khâu đầu vào đến đầu ra. Tất cả đều rơi vào tình trạng chững lại, làm ảnh hưởng xấu đến hiệu quả sản xuất kinh doanh cũng như tổng thể nền kinh tế TP. 

Đi vào cụ thể, ông Trần Thiên Long, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội các DN khu công nghiệp TPHCM (HBA) cho biết, để đánh giá tác động từ dịch Covid-19, HBA đã yêu cầu các DN gửi báo cáo nhanh để tổng hợp tình hình. Hiện có 131 DN (trong tổng số 600 DN) đã phản hồi, trong đó doanh thu quý 1-2020 của các DN đều giảm từ 25%-50% so với cùng kỳ. Nguyên nhân giảm là do đơn hàng giảm, khách hàng chậm thanh toán, không có đơn hàng mới; hàng tồn kho nhiều do không xuất được sang Trung Quốc; giá nguyên liệu tăng cao; chuyên gia nước ngoài chưa trở lại làm việc nên ảnh hưởng đến tiến độ công việc, thiếu sản phẩm bán cho khách hàng, mất cơ hội kinh doanh, trong khi chi phí nhân công vẫn phát sinh, tăng chi phí mua vật dụng bảo hộ…

Đối với các DN có nguồn nguyên liệu đầu vào xuất xứ từ Trung Quốc, hiện đang gặp khó khăn vì thiếu hụt, đặc biệt là các ngành cơ khí, chế biến, chế tạo, may mặc chưa tìm được các nhà cung cấp thay thế trong thời gian ngắn. 

Ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Da giày TPHCM cũng lo ngại, đặc thù của ngành này là làm gia công đến 80%, trong khi đó nguyên liệu dự trữ đã cạn kiệt, nhiều DN chỉ cầm cự được đến hết tháng 3-2020, qua tháng 4 phải dừng hoạt động. Trong khi đó, thị trường đầu ra cho sản phẩm da giày là châu Âu thì nay nhiều nước đã đóng cửa nên DN trong ngành này đang lâm vào tình trạng khó chồng khó. 

Cần minh bạch các gói hỗ trợ

Tại hội thảo, DN trong các lĩnh vực khác như du lịch, cơ khí cho rằng, với diễn biến khó lường từ dịch, DN cần đến 2 năm mới có thể phục hồi. Theo bà Trần Anh Đào, Phó Tổng Giám đốc Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM, chỉ số VN Index đã giảm mạnh nhất kể từ trước đến nay. Dù các công ty lớn trên sàn chưa có báo cáo tài chính quý 1-2020, nhưng dự kiến doanh thu, lợi nhuận đều bị giảm. Khối DN bất động sản bị đóng băng, giao dịch đình trệ trên địa bàn cả nước. 

Trả lời câu hỏi, DN cần nhà nước hỗ trợ những chính sách nào? Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN Hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết, vừa qua, hội đã tiến hành phát phiếu thăm dò tới 100 DN. Đối với các DN lớn, họ có rất nhiều cách để vượt qua khó khăn, nhưng với các DN nhỏ và vừa (số nhiều) thì họ cần sự hỗ trợ rất nhiều, từ lãi suất, giãn, giảm thuế, đến kết nối DN và ngân hàng… Trong tình hình khó khăn hiện nay, hội muốn giúp DN tổ chức các đợt xúc tiến trong nước và nước ngoài cũng không được. Điều mà hầu hết các DN mong mỏi là cần minh bạch các chương trình hỗ trợ cho DN.

Theo bà Hạnh, hiện Chính phủ đã đưa ra các gói hỗ trợ tín dụng rất lớn nhưng khi DN cần thì không biết nó ở đâu, hoặc hỏi chỗ này, chỉ chỗ kia. Do vậy, cần phân bổ minh bạch các gói hỗ trợ, đưa vốn vào cuộc sống, đúng nơi, đúng DN để phát huy hiệu quả một cách tốt nhất. Kinh nghiệm từ Singapore cho thấy, nhà nước hỗ trợ từ giờ nào đến giờ nào cho các nhóm đối tượng nào, khi DN mở tài khoản thì tiền đã chạy vào rồi. Họ vừa để dành tiền cho việc chống dịch, vừa hỗ trợ cho người khó khăn, đặc biệt là cho DN để giữ chân người lao động. Vì đây chính là nơi tạo ra công ăn việc làm cho nền kinh tế.

Cùng quan điểm này, ông Bùi Anh Sơn, Phó chủ tịch Hội Cơ khí - điện TPHCM kiến nghị, các cơ quan chức năng của TP nên có những tham mưu mang tính vĩ mô để tránh tình trạng lẻ mẻ. Theo ông Sơn, việc giảm lãi suất trần từ 5% xuống còn 4,75%, tức là giảm 0,25%, sẽ không có nhiều tác dụng. Do vậy, trong quý 1 và 2, Ngân hàng Nhà nước nên tính toán giảm ít nhất là 1% thì mới có ý nghĩa. 

Ở góc độ người lao động và tiêu dùng, nhiều kiến nghị cho rằng, Chính phủ nên xem xét có những giải pháp nhằm đảm bảo các nhu cầu thiết yếu cho người dân. Hiện giá tiêu dùng đã vượt quá mức chịu đựng của nhiều người…

Ông Đào Xuân Đức - Phó Trưởng ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TPHCM:
                    Cần chính sách giảm lãi vay, miễn giảm thuế cho DN

Để hỗ trợ các DN sớm phục hồi ổn định sản xuất kinh doanh, ngân hàng cần có chính sách giảm lãi vay hoặc giãn nợ đối với những khoản nợ đến hạn mà DN chưa thể thanh toán được; miễn giảm thuế thu nhập DN, thuế VAT, giãn nộp thuế, chậm nộp BHXH, tiền thuê đất, không tính lãi suất trả chậm của DN đi thuê. Đồng thời, nhà nước hỗ trợ xúc tiến thương mại ra các thị trường nước ngoài nhằm đa dạng hóa thị trường, tìm nguồn nguyên liệu thay thế. 

Đại diện Sở Công thương TPHCM: Saigon Co.op bán khẩu trang kháng khuẩn 

Nhiều DN cho biết có nhu cầu mua khẩu trang để trang bị cho công nhân. Theo đại diện Sở Công thương TP, trong thời gian qua, sở đã liên tục làm việc với Hội Dệt may TP và các DN để tăng nguồn cung khẩu trang cho thị trường TP. Hiện có một số DN may mặc đã dành một số dây chuyền để chuyên may khẩu trang kháng khuẩn và giao cho Saigon Co.op là đơn vị phân phối. Nguồn cung mặt hàng này rất dồi dào, phong phú, giá ổn định. Do vậy, các DN có nhu cầu mua với số lượng lớn có thể liên hệ với Saigon Co.op.

Mới đây, hệ thống siêu thị MM Mega Market đã phối hợp Công ty cổ phần May Thắng Lợi cho ra đời bộ sản phẩm khẩu trang kháng khuẩn hoạt chất tự nhiên, với cấu tạo gồm khẩu trang và miếng lót có thể thay thế từ vải không dệt tẩm dung dịch nano thảo mộc, có tác dụng diệt khuẩn lên đến 99% (được chứng nhận bởi Viện Kỹ thuật Công nghệ cao Nguyễn Tất Thành). Mỗi bộ khẩu trang sẽ trang bị thêm 4 miếng lót, mỗi miếng lót có thể sử dụng trong vòng 4 ngày. Như vậy, 1 bộ khẩu trang sẽ dùng trong 16 ngày. 

Tin cùng chuyên mục