Củng cố trụ cột y tế

Ngay trong ngày 14-12, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức đã ký ban hành Kế hoạch xây dựng thế trận ứng phó với biến thể Omicron nhằm chuẩn bị sẵn sàng các phương án can thiệp kịp thời nếu biến thể mới này xuất hiện.

Trước đó, UBND TPHCM cũng đã phê duyệt Chiến lược y tế trong giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe người dân; chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ; huy động hệ thống y tế tư nhân tham gia vào việc chăm sóc, điều trị F0 tại cộng đồng… Đây là những cơ sở quan trọng để từng ngành, địa phương, đơn vị chủ động hơn trong tổ chức phòng chống dịch ứng với đặc thù cụ thể. 

Sau 2 tháng thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, tình hình kinh tế - xã hội tại TPHCM đã trở lại với nhiều điểm sáng, cuộc sống “bình thường mới” đang dần trở lại. Tuy nhiên, cùng với cả nước, TPHCM cũng đang gồng mình chống dịch khi số ca mắc có dấu hiệu tăng nhanh trong những ngày gần đây.

Từ thực tiễn phòng chống dịch thời gian qua, người dân và các nhà quản lý đều tìm thấy những bài học quý giá trong suốt quá trình đối mặt với dịch bệnh, nhất là giai đoạn dịch bùng phát và hoành hành dữ dội trong những tháng vừa qua. Đến nay, năng lực đáp ứng của hệ thống y tế từng bước được nâng lên, tỷ lệ bao phủ vaccine tăng nhanh giúp thành phố chủ động hơn trong công tác ứng phó. Nhiều mô hình, cách làm hiệu quả trong phòng chống dịch được củng cố và lan rộng như: mô hình “tháp 3 tầng” trong phân tầng điều trị Covid-19; chăm sóc F0 tại nhà; trạm y tế lưu động; tư vấn F0 từ xa qua tổng đài 1022; tổ y tế từ xa; chăm sóc F0 dựa vào cộng đồng; bệnh viện “chị-em”; bệnh viện dã chiến 3 tầng; chăm sóc trẻ sơ sinh có mẹ bị nhiễm SARS-CoV-2… 

Cùng với việc cả hệ thống chính trị tham gia quyết liệt phòng chống Covid-19, hệ thống y tế tư nhân cũng không nằm ngoài cuộc. Nhiều cơ sở y tế tư nhân thời gian qua đã không màng lợi nhuận tham gia chăm sóc, điều trị F0 và gần đây nhất, hơn 6.500 nhà thuốc tư nhân đã tham gia phòng chống dịch, trở thành “cánh tay nối dài” của ngành y tế trong công tác hỗ trợ chăm sóc, điều trị F0 tại cộng đồng. Người dân được tiếp cận phương thức điều trị ngay lập tức thông qua các nhà thuốc, khi hệ thống y tế trên địa bàn quá tải.

Điều đó cho thấy, linh hoạt trong cách phòng chống dịch là sự cân nhắc kỹ càng của ngành y tế và UBND TPHCM trên cơ sở dịch bệnh đã được kiểm soát với mục tiêu đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết và trước hết. Các giải pháp phòng chống dịch đều dựa trên cơ sở khoa học, phù hợp với thực tiễn và phù hợp với điều kiện của TPHCM, đảm bảo bảo vệ người dân tốt nhất trước dịch bệnh và người dân sẽ được tiếp cận dịch vụ y tế sớm nhất, nhanh nhất ngay từ cơ sở.

Đặc biệt, việc đưa thuốc điều trị đến gần hơn với người mắc Covid-19 qua hệ thống nhà thuốc tư nhân sẽ góp phần tích cực xóa dần hoạt động “chợ đen” của thị trường thuốc điều trị. Việc “xã hội hóa” công tác phòng chống dịch phải là một trong những mục tiêu hướng tới của ngành y tế, giúp giảm gánh nặng cho chính quyền cũng như giúp người bệnh được thuận lợi trong việc chữa trị. 

Virus SARS-CoV-2 được xác định sẽ tồn tại lâu dài với nhân loại và khó có thể loại trừ hẳn ra khỏi cộng đồng, buộc chúng ta phải thích ứng an toàn với nó. Khi Covid-19 không còn là nỗi khiếp sợ, người dân trở nên tự tin, linh hoạt hơn trong việc giải quyết các vấn đề của mình. Cùng với nỗ lực của từng người dân, doanh nghiệp trên địa bàn, việc củng cố trụ cột y tế cơ sở với mục tiêu kéo giảm, không để F0 tăng lên cao, chăm sóc tốt hơn cho người dân, không để thành phố rơi vào tình huống bị động trong mọi trường hợp đã và đang được cả hệ thống chính trị thành phố nỗ lực triển khai, thực hiện.

Tin cùng chuyên mục