Củng cố sợi dây liên kết Á - Âu

Ngày 27-9, Ủy ban châu Âu (EC) khai trương Diễn đàn kết nối châu Âu nhằm thúc đẩy đối thoại và tăng cường mối quan hệ giữa các chính phủ, tổ chức tài chính và những chủ thể thuộc khu vực tư nhân cả trong và ngoài châu Âu.
Mạng lưới đường sắt kết nối EU và châu Á còn nhiều tiềm năng tăng trưởng. Ảnh: Railly News
Mạng lưới đường sắt kết nối EU và châu Á còn nhiều tiềm năng tăng trưởng. Ảnh: Railly News

Thúc đẩy hợp tác cùng có lợi

Dựa trên quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa Liên minh châu Âu (EU) và các đối tác châu Á - Thái Bình Dương, lần họp đầu tiên của diễn đàn được tổ chức với chủ đề “Kết nối EU - Châu Á: Xây dựng cầu nối cho tương lai bền vững”. 

Trong bối cảnh châu Á nổi lên như một tâm điểm cạnh tranh địa chính trị, các nước lớn như Nga và Ấn Độ đều có chiến lược hướng tới châu Á. Nga đã hoạch định chiến lược đối tác Á - Âu nhằm kết nối nền tảng của Liên minh kinh tế Á - Âu với Tổ chức hợp tác Thượng Hải, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và nâng cấp quan hệ Nga - ASEAN từ “đối tác” thành “đối tác chiến lược”. Ấn Độ cũng điều chỉnh Chiến lược “Hướng Đông” thành “Hành động phía Đông” nhằm đẩy mạnh hợp tác kinh tế, chính trị và an ninh với các nước Đông Á. Cùng với đó, lãnh đạo EU cũng chủ động điều chỉnh chiến lược trong quan hệ với các nước châu Á trên cơ sở Chiến lược toàn cầu trong thế kỷ 21 và bước đầu đạt nhiều kết quả quan trọng trong quan hệ giữa hai khu vực…

Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker cho biết về chính trị, những gì các bên thực hiện cần đáp ứng được sự kỳ vọng và mối quan tâm nơi các công dân của EU. Tăng cường kết nối là một phần của chủ trương này, bởi vì nó mang lại lợi ích cho người dân và nền kinh tế của các bên liên quan. Mối quan hệ này cũng giúp tạo ra sự ổn định và thịnh vượng cho tất cả các bên. EU xác định một thông điệp rõ ràng là muốn tham gia nhiều hơn và củng cố sợi dây liên kết giữa châu Âu và châu Á theo cách có lợi cho cả hai bên.

Cơ hội và thách thức

Chiến lược kết nối EU - Á hoạt động theo nguyên tắc cơ bản: Kết nối bền vững, toàn diện và dựa trên các luật lệ quốc tế, nhằm hướng tới việc hình thành mạng lưới giao thông rộng lớn trên cả ba tuyến chính là đường bộ, đường biển và đường hàng không (Hiện nay, 70% thương mại là qua đường biển, hơn 25% qua đường hàng không, trong khi đường sắt không đáng kể, do đó vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng); Hình thành mạng lưới liên kết về năng lượng để bảo đảm an ninh năng lượng với những nguồn năng lượng mới, năng lượng sạch và năng lượng tái tạo; Phát huy vai trò và ảnh hưởng nổi trội về kinh tế của EU ở châu Á trong bối cảnh khu vực này đang phát triển nhanh, năng động nhất thế giới và đang hình thành xu hướng biến thế kỷ 21 thành thế kỷ châu Á…

Về cơ hội, chiến lược tạo môi trường, hiệu ứng tích cực cho các nước trong khu vực vươn lên bắt kịp tiêu chuẩn khoa học - công nghệ và tài chính - kinh tế, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 mà nhiều nước dẫn đầu châu Âu đã và đang phát triển nhanh, bền vững. Về thách thức, buộc các nước trong khu vực cần có đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ trong bối cảnh châu Á là tâm điểm cạnh tranh chiến lược giữa các cường quốc, trước hết là Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản và Ấn Độ. 

Trong điều kiện đó, một số nước trong khu vực có vị trí nhạy cảm về địa chính trị có thể bị lôi kéo vào sự cạnh tranh giữa các cường quốc. Đặc biệt, khi EU cùng với các nước châu Á hình thành không gian kinh tế số hóa và kết nối cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, các nước trong khu vực sẽ đứng trước nguy cơ các cuộc tấn công trên không gian mạng. Do đó, các nước này phải xây dựng và thực thi Luật An ninh mạng - yếu tố hết sức quan trọng và cấp thiết trong kỷ nguyên kinh tế số của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Cùng ngày, EU và Nhật Bản đã ký kết một hiệp định về cơ sở hạ tầng nhằm thúc đẩy hợp tác trong các dự án giao thông, năng lượng và kỹ thuật số kết nối châu Âu với châu Á.

Hiệp định do Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch EC Jean-Claude Juncker ký kết đã chính thức hóa sự tham gia của Tokyo trong một dự án kết nối Âu-Á mới. Tài trợ cho dự án này là quỹ đảm bảo trị giá 60 tỷ euro (khoảng 65,48 tỷ USD) của EU, các ngân hàng phát triển và các nhà đầu tư tư nhân. Ngoài ra, EU và Nhật Bản còn mong muốn thiết lập các tiêu chuẩn môi trường nghiêm ngặt hơn.

Tin cùng chuyên mục