Cung cấp kịch bản phim: Ủy ban nói không, bộ bảo có!

Ngày 29-3, hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách đã bế mạc sau khi cho ý kiến về dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). 
 Hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách đã bế mạc sau khi cho ý kiến về dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)
Hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách đã bế mạc sau khi cho ý kiến về dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi), Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi)

Phát biểu bế mạc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sẽ phối hợp với Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan có liên quan nghiêm túc tiếp thu ý kiến các ĐBQH để tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo 4 luật đã được thảo luận.

Đại diện cơ quan thẩm tra trình bày báo cáo tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) tại hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục (VH-GD) Nguyễn Đắc Vinh cho biết, bên cạnh một số nội dung đã thống nhất, hiện còn 2 vấn đề có ý kiến khác nhau.

Thứ nhất, về cung cấp dịch vụ sản xuất phim cho tổ chức, cá nhân nước ngoài. Có ý kiến đề nghị không yêu cầu các tổ chức, cá nhân nước ngoài cung cấp kịch bản phim hoặc chỉ cung cấp kịch bản phim khi sử dụng bối cảnh quay phim tại Việt Nam hoặc sử dụng diễn viên Việt Nam. Ủy ban VH-GD tán thành phương án này. ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) thẳng thắn nêu câu hỏi: “Sẽ ra sao nếu bộ phim chưa hoàn thành mà kịch bản đã bị đánh cắp và sao chép?”. Hồi đáp ý kiến các ĐBQH, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Văn Hùng kiên trì bảo vệ quy định phải có kịch bản đầy đủ. “Không nắm đuợc tổng thể thì sau này có vấn đề về an ninh chính trị, quốc phòng an ninh, ai chịu trách nhiệm?”, ông nói và cho biết thêm, điện ảnh Thái Lan và Trung Quốc đều bắt buộc có kịch bản đầy đủ.

Vấn đề thứ hai cũng đang được thiết kế 2 phương án để xin ý kiến ĐBQH là quy định Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh. Luật Điện ảnh năm 2006 đã quy định về quỹ này, nhưng đến nay vẫn chưa thành lập được. Về nội dung này, theo ĐB Nguyễn Thị Việt Nga, đã 16 năm mà vẫn chưa được thành lập thì không nên tiếp tục quy định về quỹ một cách mơ hồ như dự thảo. Cùng quan điểm, ĐB Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) nhấn mạnh, quy định về quỹ này không phù hợp với Luật Ngân sách nhà nước.

Về dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), việc nên hay không nên tiếp tục trích nộp Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm quy định tại Điều 111 của dự thảo luật, vẫn còn nhiều ý kiến thảo luận. Phát biểu giải trình, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc lập luận, việc duy trì Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm sẽ tạo sự chủ động hơn cho Nhà nước can thiệp khi doanh nghiệp bảo hiểm phá sản. Quỹ dự trữ bắt buộc và Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm cùng mục tiêu là bảo vệ cho người được bảo hiểm nhưng hình thành khác nhau. Quỹ dự trữ bắt buộc được trích từ 5% lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp bảo hiểm và do cơ quan bảo hiểm quản lý. Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm hiện nay quy định trích 0,3% và nộp vào tài khoản do Bộ Tài chính quản lý. “Từ khi hình thành đến giờ là hơn 1.000 tỷ đồng. Bây giờ nếu Quốc hội quyết định bỏ thì phải bỏ, nhưng chúng tôi muốn bảo tồn quỹ này, muốn giữ quỹ này để có công cụ chủ động, linh hoạt can thiệp khi doanh nghiệp bảo hiểm bị phá sản, để bảo vệ quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm”, người đứng đầu ngành tài chính nêu rõ.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhắc lại yêu cầu, trước ngày 1-4, Chính phủ phải có báo cáo chính thức về các nội dung có liên quan đến dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm, bao gồm cả việc xử lý số dư quỹ như thế nào.    

Tin cùng chuyên mục