“Cục máu đông” từ chính sách

Lá thư cầu cứu của Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Novaland gửi Bộ trưởng Bộ Xây dựng vào đúng ngày mùng 1 tết, đã làm xôn xao dư luận những ngày qua. Không mấy ai nghĩ Novaland, doanh nghiệp địa ốc hàng đầu ở TPHCM đã thực hiện gần 40 dự án nhà ở cao tầng và thấp tầng, sở hữu quỹ đất ở rất nhiều nơi, lại đang phải đối mặt với tình trạng như vậy. Novaland đang gánh 50.000 tỷ đồng nợ nần, “kiệt sức”!

Bức thư trên có thể được xem là những lời cảnh báo cho thị trường bất động sản (BĐS), khi mà tại hàng loạt cuộc họp của lãnh đạo với doanh nghiệp, tiếng kêu cứu như điệp khúc, nhiều doanh nghiệp BĐS đổ lệ, nhưng mọi thứ vẫn cứ... đứng yên.

Báo cáo mới nhất của Hiệp hội BĐS TPHCM nêu: Năm 2019, toàn thành phố chỉ có 1 “dự án nhà ở thương mại có quyền sử dụng đất ở” được UBND TP “chấp thuận chủ trương đầu tư”, có 4 dự án nhà ở thương mại được “chấp thuận chủ trương đầu tư và công nhận chủ đầu tư”, giảm 85% so với năm 2018; 16 dự án nhà ở thương mại được “chấp thuận đầu tư”, giảm 80% so với năm 2018. Tức là, nhìn vào bức tranh này có thể thấy rõ thị trường BĐS ngưng trệ nghiêm trọng. Đương nhiên, cụm từ “đứng hình” cũng xuất hiện tại nhiều cuộc họp, tại nhiều văn bản của các doanh nghiệp BĐS gửi cơ quan chức năng. 

Nguyên nhân làm cản đường dự án BĐS hiện nay là chính sách liên quan đến đất công. Đất công không chỉ là một khu đất thuộc quản lý của nhà nước mà ngay cả đất kênh rạch, lối mòn, đường đi trong các dự án cũng thuộc diện đất công.

Theo thống kê, từ tháng 10-2015 đến hết năm 2018 có 126 dự án nhà ở thương mại có quỹ đất hỗn hợp bị ách tắc thủ tục đầu tư xây dựng; trong đó có 158 dự án BĐS có nguồn gốc đất công phải rà soát thủ tục pháp lý, một số trường hợp phải thanh tra, điều tra. Ở đây, chỉ tập trung vào các dự án có quỹ đất hỗn hợp. Hầu hết các dự án BĐS của chủ đầu tư có một phần hoặc một ít là kênh rạch, đường đi, lối mòn… theo quy định hiện nay đều là “đất công”. Mà đã gọi là đất công thì phải đem ra đấu giá. Nhưng khổ nỗi, thật khó để tổ chức đấu giá những rẻo đất loằng ngoằng, chả ra hình thù gì, nằm rải rác trong dự án như vậy? 

Không chỉ doanh nghiệp kinh doanh BĐS, ngay cả doanh nghiệp lĩnh vực khác có sử dụng đất cũng mệt mỏi, như trường hợp của Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ. Doanh nghiệp này làm nhà máy giết mổ gia súc tại xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi, diện tích đất gần 3ha, đã giải phóng mặt bằng, tuy nhiên do có 387,1m² đất công nằm giữa khuôn viên khu đất làm dự án, nên các cơ quan chức năng không giao đất cho An Hạ, vì “đất công” phải đấu giá. Dự án “đứng hình” gần 3 năm qua, mỗi tháng Công ty An Hạ trả lãi hơn 1 tỷ đồng, gửi đơn cầu cứu khắp nơi.

Còn doanh nghiệp BĐS lớn có quy mô sử dụng vốn từ trăm tỷ đồng hoặc lên đến hàng ngàn tỷ đồng, thì toi theo kiểu khác. Thống kê các khoản nợ của các doanh nghiệp BĐS đã niêm yết trên sàn chứng khoán to như núi, cá biệt có doanh nghiệp nợ gần trăm ngàn tỷ đồng. Dự án BĐS hình thành từ vốn vay, bị dừng lại vì thủ tục nhưng lãi vay phải trả đều đặn, lãi mẹ đẻ lãi con, cục nợ càng ngày phình càng to, gặm nát doanh nghiệp.

Tất cả khó khăn đó đã được UBND TPHCM trình bày với Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên - Môi trường, với Thủ tướng Chính phủ, nhưng cho đến nay vẫn chưa có văn bản chính thức tháo gỡ.

Cơn khủng hoảng của thị trường BĐS hơn 10 năm trước do thị trường đóng băng, lúc đó BĐS được xem là nguyên nhân, là “cục máu đông” của nền kinh tế. Còn nay, thật trớ trêu khi chính sách đã trở thành “cục máu đông” cản trở thị trường BĐS, chặn dòng chảy của nền kinh tế. Lúc này, cần có một cái nhìn toàn diện về sự đóng góp của thị trường BĐS cho nền kinh tế, cũng như tính toán ngược lại về những tiêu cực khi BĐS đóng băng gây ra, từ đó có những quyết sách phù hợp.

Thiết nghĩ, lá thư của lãnh đạo Novaland là hồi chuông đối với các nhà hoạch định cũng như thực thi chính sách. Tránh tình trạng để sự việc quá muộn, trở tay không kịp, như cuộc khủng hoảng thị trường BĐS năm 2008 kéo dài, dẫn đến nền kinh tế ngưng trệ, buộc Chính phủ phải tung gói 30.000 tỷ đồng để giải cứu, nhưng cho tới nay vẫn còn không ít doanh nghiệp chưa gượng qua nổi khó khăn, dự án vẫn bị trùm mền!

Tin cùng chuyên mục