Cục diện quan hệ quốc tế: Thay đổi theo năng lượng, lương thực

Theo giới quan sát, cuộc khủng hoảng năng lượng và lương thực toàn cầu chỉ mới bắt đầu, cục diện khó khăn hơn vẫn chưa xuất hiện. Nếu tiếp tục kéo dài, cuộc khủng hoảng này không những gây khó khăn cho cuộc sống hàng ngày của người dân mà còn gây ra những thay đổi về chính trị ở nhiều quốc gia, ảnh hưởng lớn đến tình hình quan hệ quốc tế.
Đã có nhiều ý kiến kêu gọi khởi động Nord Stream 2. Ảnh: Bộ Ngoại giao Nga
Đã có nhiều ý kiến kêu gọi khởi động Nord Stream 2. Ảnh: Bộ Ngoại giao Nga

Năng lượng gây chia rẽ

Các biện pháp trừng phạt quy mô rất lớn chưa từng có của Mỹ và châu Âu đối với Nga liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine đã gây ra khủng hoảng lương thực và năng lượng toàn cầu. Kéo theo đó là tình trạng siêu lạm phát, khiến thế giới lao đao. Mỹ và các nước châu Âu, vốn được hưởng lợi nhờ nhập khẩu nguyên liệu thô giá rẻ và các sản phẩm sơ cấp thời gian dài, đang phải đối mặt với tình huống bị cắt giảm nguồn cung năng lượng và tình trạng thiếu nguyên liệu lần đầu tiên kể từ sau Thế chiến II.

Thế nên, “tiết kiệm” đang trở thành một từ thông dụng. Hội nghị các Bộ trưởng Năng lượng của Liên minh châu Âu (EU) hồi tháng 5 đã thông qua nghị quyết không bắt buộc: Trên cơ sở mức tiêu thụ khí đốt trung bình 5 năm qua, các nước tự nguyện cắt giảm 15% từ tháng 8-2022 đến tháng 3-2023; tình huống khẩn cấp sẽ thực hiện bắt buộc.

Nhưng việc EU có “quyền bắt buộc” hay không đã làm dấy lên cuộc tranh luận. Phần lớn phản đối áp dụng cho tất cả. Hungary phản đối công khai, cho rằng nghị quyết tiết kiệm năng lượng của EU không chuẩn mực, vô ích, gây thiệt hại lợi ích của các nước và không thể thực hiện được. Nghị quyết dường như không tồn tại.

Thời điểm khắc nghiệt nhất, mùa đông năm 2022 sắp đến gần. Một số thị trưởng Đức yêu cầu khởi động đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 nhằm tránh rối ren xã hội. Giới doanh nhân nhận định việc vội vàng ngừng nhập khẩu năng lượng của Nga là “hành động tự sát kinh tế”.

Liên minh cầm quyền của Italy cũng bất đồng nghiêm trọng với những biện pháp trừng phạt, và đây có thể xem là một trong những nguyên nhân khiến chính phủ của Thủ tướng Mario Draghi tan rã. Trong khi đó, 2 chính đảng lớn của Pháp là Nước Pháp bất khuất và Mặt trận quốc gia đều chủ trương cải thiện quan hệ với Nga và đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu. 

Giữa tháng 7 vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có chuyến công du đầu tiên tới Trung Đông, lần lượt thăm Israel và Saudi Arabia. Trong đó, chuyến đi tới Saudi Arabia được đánh giá là không đạt được kết quả như kỳ vọng. Sau khi ông Biden trở về nước, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lập tức điện đàm với Thái tử Salman và thăm Iran, tổ chức hội nghị thượng đỉnh 3 nguyên thủ Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, đồng thời ký thỏa thuận đầu tư trị giá 40 tỷ USD với Iran.

Nga và Iran đều là những quốc gia bị Mỹ trừng phạt, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên quan trọng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) với sức mạnh quân sự trong khối chỉ đứng sau Mỹ. Thổ Nhĩ Kỳ chưa tham gia vào các lệnh trừng phạt mà Mỹ và châu Âu áp đặt lên Nga, nhưng đã tích cực hơn trong việc hòa giải xung đột Nga - Ukraine. 

Ngoại trưởng Hungary sau đó đã đến thăm Nga, đạt được thỏa thuận về việc tăng nhập khẩu năng lượng từ Nga và quyết định mua thêm 700 triệu m3 khí đốt. Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary cùng phản đối các lệnh trừng phạt Nga của NATO. Mỹ, châu Âu và cả NATO đã tạo ra một lỗ hổng lớn trong các lệnh trừng phạt chống lại Nga. Thông qua phát triển quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary, Nga đã khiến sự trừng phạt của Mỹ và châu Âu khó hình thành sức mạnh tổng hợp…

Lương thực đảo chiều ủng hộ

Các biện pháp trừng phạt toàn diện đối với Nga cản trở hoạt động xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của Nga. Ukraine cũng là một trong những nước xuất khẩu ngũ cốc lớn trên thế giới, nhưng không thể xuất khẩu lương thực. Giá lương thực thế giới tăng vọt. Các nước đang phát triển ở khu vực châu Phi và Trung Đông… đang thiếu lương thực.

Nhiều nước rơi vào tình trạng hỗn loạn, thậm chí thay đổi chính quyền và đảo chính. Liên minh châu Phi (AU) đã nhiều lần kêu gọi Nga và Ukraine ngừng bắn ngay lập tức và tổ chức các cuộc đàm phán chính trị dưới sự chủ trì của Liên hiệp quốc, cho rằng châu Phi không nên chịu cảnh chết đói do việc nhập khẩu lương thực bị gián đoạn.

Mỹ và EU nhấn mạnh tình trạng thiếu lương thực của châu Phi không liên quan đến những biện pháp trừng phạt đối với Nga. Nga đáp trả rằng trừng phạt dẫn đến vận tải không lưu thông được và không thể trao đổi buôn bán. 

Cuộc chiến giành ảnh hưởng giữa EU và Nga ở châu Phi đang leo thang. Người biểu tình ở Chad vẫy cờ Nga và phản đối Pháp. Chính quyền quân sự của Mali đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Pháp. Danh tiếng của châu Âu ở châu Phi không còn tốt như trước, mạng xã hội châu Phi có nhiều tiếng nói chỉ trích Mỹ và EU.

Truyền thông Pháp đưa tin Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đi thăm Ai Cập, Ethiopia, Congo và Uganda ở châu Phi; đến thăm trụ sở Liên đoàn Arab ở Ai Cập và trụ sở Liên minh châu Phi ở Ethiopia; nhấn mạnh cuộc khủng hoảng năng lượng và lương thực toàn cầu là do những biện pháp trừng phạt từ Mỹ và EU, kêu gọi cảnh giác trước “chiến dịch ồn ào” chống lại Nga.

Ông Lavrov nói: “Các nguyên tắc do phương Tây thiết lập đều bị bỏ qua khi trừng phạt Nga, như kinh tế thị trường, cạnh tranh bình đẳng, tài sản tư nhân không bị xâm phạm, nguyên tắc suy đoán vô tội (người bị cáo buộc phạm tội sẽ vẫn vô tội nếu chỉ là suy đoán, cho đến khi cơ quan công tố thuyết phục được tòa án rằng bị cáo đã phạm tội)”.

Khi trả lời phỏng vấn Đài phát thanh SER của Tây Ban Nha về chuyến thăm châu Phi của Ngoại trưởng Nga, đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của EU J. Borrell đã không nhận được sự coi trọng của phương tiện truyền thông phương Tây như ông Lavrov.

Ông Borrell thừa nhận: “So với lập trường của Brussels, báo chí phương Tây quan tâm đến lập trường của Nga hơn. Các phương tiện truyền thông phương Tây đang có xu hướng lắng nghe đối thủ và EU nên tăng gấp đôi nỗ lực để giải thích lập trường của mình với công chúng”.

Tin cùng chuyên mục