Cuba bảo vệ ngành công nghiệp mía đường

Tiếng còi vang lên tại Nhà máy sản xuất đường Antonio Sanchez, ở tỉnh Cienfuegos, miền Trung Cuba, báo hiệu sự trở lại của hoạt động xay xát sau khi phải tạm dừng hàng giờ do hết mía nguyên liệu. Hiện đang là thời điểm thu hoạch mía ở Cuba, quốc gia vốn từng là nhà xuất khẩu đường hàng đầu thế giới, nhưng giờ phải dựa vào nhập khẩu.
Thu hoạch mía tại Cuba
Thu hoạch mía tại Cuba

Thống kê cho thấy sản lượng mía đường của Cuba trong vụ thu hoạch năm 2020-2021 đạt 800.000 tấn, chỉ bằng 10% so với mức thu hoạch cách đây khoảng 30 năm và là mức thấp nhất trong vòng 130 năm qua. Sản xuất đường từng là ngành công nghiệp đầu tàu của nền kinh tế Cuba, nhưng hiện đảo quốc Caribbean này phải dựa vào việc nhập khẩu đường mới có thể đáp ứng nhu cầu trong nước.

Lý do là ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, việc sửa chữa các nhà máy sản xuất chậm tiến độ, thiếu ắc quy và nhiên liệu để thu hoạch cũng như vận chuyển mía. Ngoài ra, các biện pháp trừng phạt cứng rắn của Mỹ đã làm giảm thu nhập từ đồng nội tệ trong hơn hai năm qua, nền kinh tế bị thu hẹp hơn 10% dẫn đến giảm nguồn lực sẵn có cho các nhà máy và đồn điền.

Phó Giám đốc Nhà máy sản xuất đường Azcuba, ông Noel Casanas, cho biết, hoạt động của ngành sản xuất mía đường đã suy giảm từ năm 2017. Tuy nhiên, đường vẫn là nguồn thu quan trọng của khoảng 1,2 triệu trong tổng số 11,2 triệu dân nước này. Cuba tiêu thụ 600.000-700.000 tấn đường mỗi năm, và có thỏa thuận bán 400.000 tấn sang Trung Quốc hàng năm; phần còn lại được bán trên thị trường mở.

Đường vốn là ngành công nghiệp và xuất khẩu chính của Cuba, với sản lượng đạt 8 triệu tấn vào năm 1991. Thời điểm đó, tỷ trọng của kim ngạch đường trong tổng giá trị xuất khẩu đạt mức 73%, tuy nhiên đến 

năm 2015 chỉ còn 13% và hiện chỉ còn tương đương 0,7% tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Tuy đứng sau các ngành như dịch vụ, kiều hối, du lịch và dược phẩm, nhưng đường vẫn mang lại cho Cuba hàng trăm triệu USD mỗi năm từ kim ngạch xuất khẩu, bao gồm cả các sản phẩm phái sinh. Đường cũng được sử dụng để sản xuất năng lượng, rượu và thức ăn gia súc tại gia.

Giống như các ngành công nghiệp khác, ngành mía đường phải đối mặt với các vấn đề cơ cấu trong nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu. Để cứu ngành sản xuất đường, từ cuối năm ngoái, Chính phủ Cuba đã thông qua nhiều biện pháp; trong đó có tăng giá thu mua sản phẩm gấp đôi cho những người sản xuất mía, cũng như trao thêm quyền tự chủ cho các nhà máy sản xuất đường.

Chính phủ Cuba xác định, dù không còn là ngành mũi nhọn của nền kinh tế, nhưng sản xuất đường vẫn là ngành chiến lược cần được thúc đẩy. Chính phủ thành lập 56 nhà máy đường nhỏ thuộc Nhà máy sản xuất đường Azcuba trực thuộc Nhà nước và kết hợp các đồn điền địa phương vào các đơn vị mới. Động thái này cho phép tận dụng các cải cách gần đây, bao gồm thiết lập tiền lương và giá mía, cũng như giữ quyền kiểm soát 80% thu nhập xuất khẩu.

Theo giới chuyên gia kinh tế Cuba, các biện pháp này đã thiết lập cơ sở tối thiểu để hồi phục ngành mía đường, nhưng vẫn cần một số biện pháp cụ thể hơn, trong đó có đánh giá việc gieo hạt theo mức độ nảy mầm của cây trồng chứ không phải chỉ để hoàn thành yêu cầu kế hoạch trồng trọt hàng năm, đồng thời phải đa dạng hóa sản xuất nông nghiệp dưới mọi hình thức.

Theo Bộ trưởng Kinh tế và Kế hoạch Cuba, GDP của Cuba được dự báo tăng 4% trong năm nay. Tính đến đầu tháng 2-2022, có gần 2.000 công ty siêu nhỏ, nhỏ và vừa được cấp phép hoạt động, và những yếu tố này hứa hẹn sẽ đem lại tác động lớn hơn tới nền kinh tế của Cuba trong năm nay.

Tin cùng chuyên mục