Cử tri TPHCM kiến nghị nhiều chế độ, chính sách cho giáo viên

Sáng 29-4, Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM đã tổ chức Hội nghị trực tuyến tiếp xúc cử tri là cán bộ quản lý, giáo viên, người lao động trong các trường phổ thông, mầm non công lập và ngoài công lập xung quanh một số nội dung như dạy và học trong tình hình mới, thích ứng an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và thực hiện các chế độ, chính sách hỗ trợ giáo viên ở các bậc học.
Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM tổ chức Hội nghị trực tuyến tiếp xúc cử tri ngành giáo dục. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM tổ chức Hội nghị trực tuyến tiếp xúc cử tri ngành giáo dục. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Mở đầu hội nghị, đồng chí Văn Thị Bạch Tuyết, Thành ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM cho biết, trong năm 2021, tình hình dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp, gây ảnh hương nặng nề đến nhiều mặt của đời sống kinh tế xã hội, trong đó có ngành giáo dục.

Trong điều kiện khó khăn chung đó, ngành giáo dục thành phố đã có nhiều giải pháp khắc phục khó khăn, quyết tâm hoàn thành kế hoạch, nhiệm vụ năm học đã đề ra. Theo đó, các cán bộ quản lý, giáo viên, người lao động đã nỗ lực gấp nhiều lần để hoàn thành nhiệm vụ, nhất là trong điều kiện toàn ngành triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Cử tri TPHCM kiến nghị nhiều chế độ, chính sách cho giáo viên ảnh 1 Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM Văn Thị Bạch Tuyết phát biểu mở đầu hội nghị. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Theo Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Dương Trí Dũng, năm học 2021-2022 bắt đầu trong lúc dịch Covid-19 tại TPHCM chưa được kiểm soát, công tác tổ chức dạy và học gặp rất nhiều khó khăn như cơ sở giáo dục được trưng dụng để phòng, chống dịch; việc dạy và học được tổ chức 100% trực tuyến nên khó khăn về đường truyền, phần mềm, thiết bị....

Trước thực tế đó, ngành giáo dục đã tập trung mọi nguồn lực để đảm bảo công tác dạy và học qua internet, xây dựng kho học liệu trực tuyến, vận động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực nhằm hỗ trợ trang thiết bị học tập và đường truyền cho học sinh...

Cử tri TPHCM kiến nghị nhiều chế độ, chính sách cho giáo viên ảnh 2 Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Dương Trí Dũng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Với tinh thần “an toàn đến đâu mở cửa trường học đến đó”, toàn ngành đã chủ động triển khai các kế hoạch, hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện song song vừa đảm bảo chất lượng dạy – học vừa đảm bảo an toàn sức khỏe cho học sinh.

Phát biểu tại hội nghị, Trưởng Phòng GD-ĐT quận 3 Phạm Đăng Khoa cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, một bộ phận học sinh đang gặp khó khăn về điều kiện kinh tế, ảnh hưởng sức khỏe tâm lý, tinh thần. Trong khi đó, trường học hiện nay chưa có quy định biên chế nhân viên y tế và giáo viên tâm lý tại trường học gây khó khăn trong công tác tổ chức tại đơn vị. 

Từ thực tế đó, đại diện Phòng GD-ĐT quận 3 đề xuất cần tính toán quy định biên chế  nhân viên y tế và giáo viên tâm lý trong trường học, song song với các quy định về đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ cho người lao động.

Cử tri TPHCM kiến nghị nhiều chế độ, chính sách cho giáo viên ảnh 3 Trưởng Phòng GD-ĐT quận 3 Phạm Đăng Khoa phát biểu tại hội nghị. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
"Vừa qua, đã có 5 nhân viên y tế ở các trường học xin nghỉ việc do điều kiện công tác khó khăn, các quy định về phụ cấp cho nhân viên y tế không quá 20% mức lương của ngạch, bậc đang hưởng, hỗ trợ thêm 450.000 đồng/tháng đối với người có trình độ trung cấp và 900.000 đồng/tháng đối với trình độ đại học chưa đủ sức giữ chân người lao động", ông Phạm Đăng Khoa nêu ý kiến.

Ở góc độ khác, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu (quận 12) Nguyễn Văn Dũng  cho biết, hiện nay chỉ có giáo viên khối 3, 4, 5 nhận tiền hỗ trợ dạy học 2 buổi/ngày, trong khi đó giáo viên khối 1, 2 không được nhận hỗ trợ này do triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 với yêu cầu dạy học 2 buổi/ngày.

Bên cạnh đó, Hiệu trưởng Nguyễn Văn Dũng nêu thực tế, công tác tuyển dụng giáo viên hiện nay ở các trường gặp nhiều khó khăn, ít ứng viên dự tuyển do tâm lý giáo viên thích dạy 1 buổi hơn 2 buổi/ngày, do buổi còn lại đi làm thêm để đảm bảo nhu cầu kinh tế. Song song đó, chế độ chính sách cho giáo viên mới ra trường hiện nay quá thấp nên không đủ sức giữ chân giáo viên trẻ.

Trưởng Phòng GD-ĐT quận 12 Khưu Mạnh Hùng bày tỏ, với đặc thù dân nhập cư tăng nhanh trên địa bàn, công tác tuyển sinh đầu cấp luôn gặp khó, hệ thống trường công lập chịu áp lực lớn về giải quyết chỗ học dẫn đến nhiều nơi sĩ số trên 50 học sinh/lớp, tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày chưa đến 30%.

Đại diện Phòng GD-ĐT quận 12 đề nghị UBND TPHCM sớm có chính sách hỗ trợ học phí học sinh ngoài công lập để tạo điều kiện cho hệ thống này phát triển, qua đó giảm áp lực cho hệ thống trường công.

Cử tri TPHCM kiến nghị nhiều chế độ, chính sách cho giáo viên ảnh 4 Cử tri Phạm Thị Kiều Oanh nêu ý kiến. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Riêng tại quận Phú Nhuận, các ý kiến cử tri đề xuất có quy định về kinh phí chi bồi dưỡng giáo viên để có chứng chỉ theo yêu cầu của các vị trí việc làm ở ngành học, bậc học do hiện nay nhiều trường hợp người lao động phải bỏ tiền túi đi học, gây ảnh hưởng tâm lý đội ngũ.

Nhiều ý kiến cũng đề xuất quy định biên chế đối với các vị trí nhân viên phục vụ, bảo mẫu, giám thị, bảo vệ, cấp dưỡng... nhằm đáp ứng nhu cầu hoạt động thực tế tại các đơn vị. 

Cử tri TPHCM kiến nghị nhiều chế độ, chính sách cho giáo viên ảnh 5 Quang cảnh hội nghị. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Đáp lại những kiến nghị này, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Dương Trí Dũng thừa nhận, đại dịch Covid-19 làm nổi lên nhu cầu cấp thiết trong tuyển dụng một số vị trí việc làm tại các đơn vị trường học. Trong khi đó, việc chuyển đổi hình thức dạy học từ trực tiếp qua trực tuyến gây ảnh hưởng nguồn thu của các đơn vị, dẫn đến khó khăn trong việc đảm bảo chế độ, chính sách cho người lao động.

Lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM cho biết, Sở này đang hoàn chỉnh cơ sở pháp lý để có văn bản đề xuất UBND và HĐND TPHCM quy định một số chính sách về định biên nhân sự, chế độ hỗ trợ, thu hút giáo viên nhằm giải quyết khó khăn cho các đơn vị.

Tin cùng chuyên mục