CPTPP: Cơ hội và thách thức

Rạng sáng 9-3 (giờ Việt Nam), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), tiền thân là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), sẽ được ký kết tại TP Santiago (Chile). 
CPTPP sẽ có hiệu lực sau 60 ngày khi có ít nhất 6 quốc gia tham gia hoàn tất các thủ tục phê chuẩn. Hiệp định này sẽ tạo ra một khu vực tự do thương mại thuộc hàng lớn nhất thế giới, với thị trường 463 triệu dân. 
CPTPP: Cơ hội và thách thức ảnh 1 Thảo luận về TPP (tiền thân của CPTPP) tại Tuần lễ cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng. Ảnh: Reuters
Yêu cầu cao về minh bạch hóa Sau khi Mỹ chính thức rút khỏi TPP, các nước còn lại đã tiếp tục thúc đẩy và đạt được thỏa thuận về tên gọi mới của TPP là CPTPP. Hiệp định mới có 11 nền kinh tế tham gia là Canada, Mexico, Peru, Chile, New Zealand, Australia, Nhật Bản, Singapore, Brunei, Malaysia và Việt Nam, chiếm khoảng 13% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu. Hiệp định này về cơ bản giữ nguyên nội dung của TPP nhưng cho phép các nước thành viên tạm hoãn một số các nghĩa vụ để bảo đảm sự cân bằng trong bối cảnh mới.  CPTPP được coi là một hiệp định thương mại tự do (FTA) tiêu chuẩn cao, không chỉ đề cập tới các lĩnh vực truyền thống như cắt giảm thuế quan đối với hàng hóa, mở cửa thị trường dịch vụ, sở hữu trí tuệ, hàng rào kỹ thuật liên quan đến thương mại … mà còn xử lý những vấn đề mới, phi truyền thống như lao động, môi trường, mua sắm của Chính phủ, doanh nghiệp Nhà nước... Ngoài ra, hiệp định này đặt ra các yêu cầu cao về minh bạch hóa cũng như đưa ra cơ chế giải quyết tranh chấp có tính ràng buộc và chặt chẽ. Riêng về mở cửa thị trường, các nước tham gia hiệp định đồng ý xóa bỏ cho nhau gần như toàn bộ thuế nhập khẩu theo lộ trình; tự do hóa dịch vụ và đầu tư trên cơ sở tuân thủ pháp luật của nước sở tại, bảo đảm sự quản lý của nhà nước, từ đó tạo ra cơ hội kinh doanh mới cho doanh nghiệp và lợi ích mới cho người tiêu dùng của các nước thành viên.   Theo giới chuyên gia, CPTPP là cơ hội mới để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam, nhưng cũng nhiều thách thức. Việt Nam sẽ phải mở cửa cho hàng hóa, dịch vụ từ các nước thành viên tại thị trường trong nước. Khi đó, các doanh nghiệp Việt sẽ bị cạnh tranh gay gắt hơn nữa ngay từ “sân nhà”. Việt Nam cần cải cách mạnh mẽ hơn nữa các cơ chế từ bên trong để có thể dung hòa với các hiệp định thương mại tự do khác.Mỹ cân nhắc quay lại  Song song với quá trình 11 nước đàm phán để điều chỉnh CPTPP thành một thỏa thuận mang tính toàn diện hơn, Mỹ đã nhiều lần thể hiện lập trường sẵn sàng cân nhắc khả năng tham gia trở lại. Tháng 1-2018, tại Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos (Thụy Sĩ), Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Washington có thể quay trở lại hiệp định này nếu có một thỏa thuận tốt hơn. Sự ủng hộ đối với CPTPP cũng đến từ ngay trong nước Mỹ. Các thượng nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa cho rằng việc gia tăng tiếp cận thị trường và khu vực có dân số lên tới gần 500 triệu người có thể tạo ra các lợi ích lan tỏa cho kinh tế Mỹ.  Giới phân tích đánh giá CPTPP đang tác động tới giao thương của Mỹ với các nền kinh tế tăng trưởng nhanh ở vòng cung Thái Bình Dương. Việc Mỹ “vắng mặt” trong một thỏa thuận thương mại như vậy, dù ít hay nhiều, vô hình trung cũng đã đẩy các đối tác ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương ra xa Mỹ. Trong khi đó, CPTPP dù không có Mỹ, đã tạo được sức hút và ảnh hưởng nhất định khi nhiều nền kinh tế lớn, như Anh, nhanh chóng bày tỏ sự quan tâm đối với thỏa thuận này. Chưa kể việc rút khỏi TPP phần nào khiến vị thế và vai trò của Mỹ trong khu vực châu Á bị ảnh hưởng, khi mà khái niệm “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra cho thấy Washington vẫn coi trọng châu Á, khu vực ngày càng chứng tỏ được sức mạnh của mình trên thế giới. Theo Giáo sư Kenichi Kawasaki, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu chính sách sau đại học ở Tokyo, CPTPP là thỏa thuận tiến bộ. Đó là lý do hiệp định này có thể kết nạp thành viên mới và thay đổi trong thỏa thuận là điều có thể xảy ra.

Tin cùng chuyên mục