Cover hay hồn nhiên phạm luật?

Trong âm nhạc đại chúng, một phiên bản hát lại, hay bài hát hát lại, hoặc đơn giản là hát lại (cover), là một màn biểu diễn mới hoặc bản thu âm mới của một bản thu âm trước đó đã có sẵn. Hiện nay, trào lưu cover ngày càng phổ biến và trở nên quen thuộc. Từ trào lưu này, không hiếm nhân tố bỗng nhiên trở thành hiện tượng. Các tranh cãi và hệ lụy cũng bắt đầu từ đây.  
Hương Ly từ “hiện tượng cover” bước ra sân khấu thật
Hương Ly từ “hiện tượng cover” bước ra sân khấu thật

Nhà nhà cover

Mới đây, cộng đồng mạng một phen “dậy sóng” khi đại diện của Khắc Việt tố cô ca sĩ chuyên cover Hương Ly đem ca khúc "Bước qua đời nhau" do anh sáng tác, biểu diễn tại các quán bar mà chưa xin phép. Theo đại diện của Khắc Việt, "Bước qua đời nhau" là ca khúc anh dành riêng cho ca sĩ trẻ Lê Bảo Bình và chỉ có nam ca sĩ này mới được quyền sử dụng quay MV, cũng như biểu diễn. Hương Ly chẳng những cover không xin phép mà còn ngang nhiên đem bài hát này chạy show. 

Trước đó, làng nhạc Việt cũng ồn ào xung quanh trào lưu cover ca khúc "Độ ta không độ nàng". Đây là bài hát do tác giả Cô Độc Thi Nhân phát hành vào tháng 1-2019. Bài hát gây sốt tại Trung Quốc và Anh Duy là giọng ca đầu tiên thể hiện bằng tiếng Việt. Đầu tháng 6, ca khúc bắt đầu hot tại Việt Nam. Rất nhiều ca sĩ như: Phương Thanh, Khánh Phương, Ưng Hoàng Phúc, hay những gương mặt mới như: Hương Ly, Thiên An, Thái Quỳnh… cover. Tuy nhiên đến cuối tháng 6-2019, một đơn vị yêu cầu các ca sĩ gỡ bài hát hoặc trả phí bản quyền là 5 triệu đồng và 33% doanh thu thu được từ sản phẩm. Đơn vị này cho biết, họ nắm quyền sở hữu "Độ ta không độ nàng" ở Việt Nam. Đó là lý do nhiều video của Trấn Thành, Phương Thanh, Anh Duy… biến mất dù đạt hàng triệu lượt xem. 

Bản quyền âm nhạc vẫn là vấn đề gây nhức nhối trong showbiz, nhất là khi trào lưu cover nở rộ, ngay cả những ca sĩ nổi tiếng cũng cover hit của đồng nghiệp và không phải ai cũng xin phép. Cách đây không lâu, công ty quản lý của Chi Pu cũng đã đăng thông báo “dằn mặt” một số ca sĩ mang "Anh ơi ở lại" của cô đi biểu diễn mà không xin phép. Ca sĩ Thu Phương cũng bị khán giả lên tiếng khi thường xuyên mang ca khúc gắn với tên tuổi đàn em là "Hongkong1" biểu diễn trong nhiều chương trình có yếu tố thương mại. Trước đó, Thu Phương cũng bị Tuấn Hưng “nhắc nhẹ” việc hát lại bài của mình không xin phép, hay như Hoa Vinh suýt bị Châu Khải Phong kiện vì cover "Ngắm hoa lệ rơi" của anh...

Không nên trông chờ ý thức

Cover lại các bài hát đang nổi là chuyện rất quen thuộc ở thị trường âm nhạc Việt Nam. Một bài hát trở thành “hit” giờ đây không chỉ được đo đếm bởi lượt xem mà còn bằng cách xem ca khúc ấy có mức độ cover lại như thế nào. Việc cover lại các bài hát cũng đã đem tới những cơ hội bằng vàng cho nhiều bạn trẻ yêu ca hát. Có thể kể tên không ít hiện tượng mạng nổi tiếng nhờ các ca khúc cover như Jang Mi với bài "Duyên phận", sau đó chính thức đi hát như một ca sĩ; Tài Smile chuyên cover các ca khúc theo hướng bolero; hay những hiện tượng như Hoa Vinh, Hương Ly...

Tuy nhiên, khi trào lưu này nở rộ cũng bộc lộ một thực tế là có quá nhiều người, trong đó có cả những nghệ sĩ hoạt động trong nghề lâu năm, vẫn còn “hồn nhiên” với những kiến thức về luật, nhất là luật về bản quyền. 

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung khẳng định, việc cover bất cứ ca khúc nào đều sai nếu không xin phép. Kể cả không kinh doanh thì cũng phải được sự đồng ý của tác giả. Còn trong trường hợp kinh doanh thì phải trả tác quyền cho tác giả. Nhạc sĩ Huỳnh Quốc Huy cho rằng, trước đây khi phong trào cover chưa bùng nổ, cả nghệ sĩ và khán giả đều không quá quan tâm về vấn đề bản quyền, về lợi ích thương mại phía sau một bản cover. “Trước khi nói tới vấn đề tác quyền, chúng ta nên bàn một chút về sự tôn trọng. Sẽ thật văn minh biết bao khi sự yêu thích được thể hiện qua những bản cover bắt đầu bằng một lời ngỏ, lời xin phép hoặc được thông qua bởi nghệ sĩ sở hữu bài hát. Dù bạn là một ca sĩ chuyên nghiệp hay chưa chuyên nghiệp thì cũng nên có một động thái tôn trọng nhất định trước khi hát lại bài hát của nghệ sĩ khác”, anh chia sẻ.

Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) là nơi được các nhạc sĩ, ca sĩ ủy thác để quản lý và thu hộ bản quyền tác phẩm âm nhạc. Tuy nhiên, nhiều nghệ sĩ cho rằng, VCPMC khó có thể quản lý một cách chặt chẽ, đầy đủ và chi tiết vấn đề bản quyền liên quan đến hình thức cover ca khúc vì sẽ có những bản cover không nhằm mục đích thương mại và ngược lại.

Không thể cứ mãi trông chờ vào ý thức của người cover, mà chính những nghệ sĩ bị xâm phạm quyền sở hữu nên mạnh dạn và kiên quyết nhờ đến sự can thiệp của các cơ quan bảo vệ pháp luật, từ đó giúp thị trường nhạc Việt ngày càng chuyên nghiệp và lành mạnh.

Tin cùng chuyên mục