Công viên Phần mềm Quang Trung: Chuyển giai đoạn chất hơn và rộng hơn

Gần 20 năm thành lập, Công viên Phần mềm Quang Trung (QTSC) đã trở thành cái nôi hình thành các ý tưởng sáng tạo, thu hút nhân tài trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT), góp phần xây dựng chuỗi công viên phần mềm mẫu về đô thị xanh, thông minh của quốc gia. QTSC đang chuyển giai đoạn, với mục tiêu phát triển chất hơn và rộng hơn.

Từ Software City đến Science City

Hiện QTSC đã thu hút được 165 doanh nghiệp (DN) CNTT, trong đó có 5 DN quy mô trên 1.000 người với 250 sản phẩm, giải pháp; doanh thu các DN nội khu năm 2019 đạt 510 triệu USD. 

Đạt được kết quả hôm nay, QTSC khẳng định sự phát triển, đầu tư đúng hướng của TPHCM vào lĩnh vực công nghiệp phần mềm nói riêng và CNTT nói chung; từ đó khẳng định mô hình công viên phần mềm đã hoạt động ổn định, định hình thương hiệu phát triển vững bước với cộng đồng DN công nghệ. Tuy nhiên, để phát triển mạnh hướng đến tương lai, QTSC cần chuyển đổi sang mô hình hoạt động rộng hơn, từ công viên phần mềm (Software City) định hướng xây dựng, trở thành công viên khoa học - thành phố khoa học (Science City) như mô hình đã có tại một số quốc gia phát triển. 

Công viên Phần mềm Quang Trung: Chuyển giai đoạn chất hơn và rộng hơn ảnh 1 Trung tâm giám sát điều hành thông minh tại Công viên Phần mềm Quang Trung với những nhân viên trẻ năng động. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Ông Lâm Nguyễn Hải Long, Giám đốc QTSC, cho biết: “Trước đây do bối cảnh đất nước, người Việt Nam phù hợp với gia công, phát triển phần mềm; nhưng nay đã khác, cần phải có sự thay đổi. Sắp tới, QTSC sẽ có nhiều DN phát triển sản phẩm công nghệ, nghĩa là không đơn thuần chỉ làm phần mềm mà từng bước chuyển từ Software City sang Science City trong dài hạn. Science City được đo lường bằng hàm lượng sáng chế, sở hữu trí tuệ; các công trình nghiên cứu, sản phẩm mang đậm “made in Vietnam”, chứ không đơn thuần là phần mềm như trước đây”. 

Trước mắt, QTSC có thể làm ngay là chuyển đổi số cho các DN nội khu, DN trong các khu công nghiệp - khu chế xuất. QTSC đã có trải nghiệm về chuyển đổi số và đó đang là xu thế, các DN không thể đứng ngoài cuộc. Bên cạnh đó, hướng dài hơi mà QTSC hướng đến là tập trung kết hợp hoạt động R&D giữa CNTT và khoa học sự sống (Life Science). 

Những năm qua, QTSC cũng đã nghiên cứu và phát triển thành công nhiều sản phẩm, giải pháp công nghệ, trong đó có nhiều thành công, nhưng cũng không ít sản phẩm không hiệu quả. Đó là chuyện rất bình thường trong lĩnh vực R&D.

“Từ những trải nghiệm thời gian qua, chúng tôi rút ra được bài học là làm R&D cần xác định sản phẩm, giải pháp công nghệ nào để cung cấp cho thị trường cần, có nhu cầu rộng lớn. Xây dựng QTSC thành Science City trước hết phải tự nâng tầm mình lên, trở thành một trung tâm cung cấp các giải pháp công nghệ (TechHub), nơi tìm kiếm một cách chủ động của các đối tác, vì QTSC chính là trung tâm tập hợp và kết nối được các nguồn lực, sản phẩm, giải pháp công nghệ tại Việt Nam”, ông Lâm Nguyễn Hải Long nói thêm. 

Chuỗi QTSC ngày càng rộng 

Vào giữa tháng 5-2020, đoàn công tác của QTSC đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Định về kế hoạch của tỉnh tham gia chuỗi QTSC. Hiện tỉnh Bình Định đang xây dựng Khu đô thị Khoa học và Giáo dục Quy Hòa (quy mô 242ha) và Khu Trí tuệ nhân tạo (AI) Long Vân (khoảng 150ha) tại TP Quy Nhơn, là cơ sở để tỉnh thu hút nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, CNTT, để thực hiện chiến lược phát triển bền vững và lâu dài cho địa phương.  

Mới hơn, vào ngày 8-6-2020, trong dịp đoàn lãnh đạo UBND tỉnh Bạc Liêu do đồng chí Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh, dẫn đầu, đến trao đổi về kinh nghiệm xây dựng mô hình quản lý đô thị thông minh tại TPHCM, đại diện tỉnh Bạc Liêu có đặt vấn đề và hỏi các điều kiện để được tham gia chuỗi QTSC. 

Các tiêu chuẩn để tham gia thành viên chuỗi QTSC gồm: Được thành lập hoặc công nhận bởi cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; bộ máy quản lý chuyên nghiệp để xử lý công việc hàng ngày; có khả năng thu hút đầu tư, thiết lập môi trường khởi nghiệp cho các DN nhỏ và vừa; có khả năng thu hút lao động chất lượng cao; có vị trí địa lý thuận lợi, khả năng liên kết với các trung tâm đào tạo nhân lực CNTT hoặc trung tâm nghiên cứu - phát triển về CNTT; có cơ sở hạ tầng viễn thông, Internet sẵn sàng, dịch vụ tiên tiến, hiện đại, đảm bảo dịch vụ logistics thuận lợi; phát huy lợi thế về công nghệ, giá trị dịch vụ cung cấp, góp phần tăng trưởng kinh tế địa phương. 

Cuối năm 2019, chuỗi QTSC đã kết nạp thành viên mới là Trung tâm CNTT Thừa Thiên - Huế, dự kiến trong năm nay sẽ có thêm Công viên Phần mềm Mekong tại tỉnh Tiền Giang và Khu Công nghệ InnoTech tại tỉnh Bến Tre. Như vậy, từ khi Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 333 về việc thí điểm thành lập chuỗi QTSC tạo bước đột phá trong phát triển công nghiệp phần mềm và khởi nghiệp sáng tạo, với chuỗi QTSC ban đầu gồm 2 thành viên là QTSC và Khu Công viên phần mềm Đại học Quốc gia TPHCM (VNU-ITP), thì đến nay các thành viên đã ngày càng nhiều hơn và nhu cầu tìm hiểu, gia nhập vào chuỗi QTSC cũng tăng lên đáng kể, thể hiện hướng đi phù hợp trong bối cảnh phát triển mới. 

Việc xây dựng chuỗi QTSC đã được Bộ TT-TT giao cho QTSC tại TPHCM làm ngọn cờ đầu để tiếp tục triển khai mở rộng. Như vậy, những thành viên trong chuỗi QTSC cũng không còn đơn thuần làm phần mềm mà sẽ mở rộng ra nhiều lĩnh vực KH-CN. Các đơn vị trong chuỗi ở địa phương có điều kiện nhân lực công nghệ hạn chế hơn, có thể nhận các hợp đồng, đơn hàng có giá trị gia tăng thấp hơn từ QTSC “mẹ” đưa về, còn những hợp đồng có giá trị gia tăng cao sẽ do QTSC tại TPHCM đủ năng lực đáp ứng thì tiếp tục triển khai.

Công viên Phần mềm Quang Trung: Chuyển giai đoạn chất hơn và rộng hơn ảnh 2 Lực lượng lao động trẻ, trình độ cao tại Công viên Phần mềm Quang Trung. Ảnh: VIỆT DŨNG

Các đơn hàng dù nhỏ hay lớn, có giá trị gia tăng thấp hay cao, sẽ đều nằm trong chuỗi. Hơn nữa, chuỗi QTSC có nhiều thành viên thì cũng có nhiều chọn lựa hơn cho các đối tác và mỗi thành viên trong chuỗi cũng phát huy được bản sắc, thế mạnh riêng của từng địa phương. Sự đa dạng này một khi cộng hưởng được sức mạnh với nhau sẽ tạo nên vị thế lớn hơn.

TPHCM có nhiều công trình quy mô cả nước, nhiều thương hiệu nổi tiếng và cũng cần có thương hiệu liên kết vùng, nên chuỗi QTSC kỳ vọng sẽ là thương hiệu liên kết trong ngành CNTT nói chung. Lớn hơn, chủ trương của TPHCM chọn CNTT làm lĩnh vực tạo đột phá cho kinh tế thành phố, cụ thể là xây dựng QTSC ở thời điểm năm 2000, thể hiện một tầm nhìn đúng đắn và có tính chiến lược của lãnh đạo TPHCM.

Bước sang giai đoạn mới, giai đoạn cách mạng công nghệ 4.0, của chuyển đổi số, của thương hiệu toàn cầu, QTSC tiếp tục nhận được sự ủng hộ, đầu tư để từ Software City bước đến Science City và phủ rộng sang nhiều tỉnh thành khác trong mối liên kết chặt chẽ cùng phát triển.

Để có được những kết quả ngày hôm nay, TPHCM đã thể hiện tiềm lực, khát khao của một địa phương luôn đi đầu trong tìm kiếm mô hình sáng tạo nhằm thúc đẩy kinh tế phát triển. Trong những năm cuối thập niên 1990, các lãnh đạo thành phố đã đưa ra chủ trương chuyển dịch cơ cấu kinh tế thành phố theo hướng phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ có hàm lượng giá trị gia tăng cao; trong đó xác định 4 ngành kinh tế mũi nhọn là CNTT, công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học và cơ khí tự động.

Tháng 12-1999, TPHCM đã chuyển đổi Khu Hội chợ triển lãm Quang Trung (tọa lạc tại phường Tân Chánh Hiệp, quận 12) đang xuống cấp thành một công viên phần mềm. Chỉ nửa hơn năm sau, ngày 7-7-2000, UBND TPHCM ra quyết định về việc xây dựng QTSC trên hạ tầng của Khu Hội chợ triển lãm Quang Trung. Ngày 15-10-2000, lễ khởi công xây dựng QTSC diễn ra và 5 tháng sau, ngày 16-3-2001, QTSC chính thức đi vào hoạt động. Toàn bộ khu QTSC với diện tích 43ha, được quy hoạch và đầu tư thành nhiều khu với các chức năng khác nhau, nhằm đáp ứng nhu cầu của các DN hoạt động trong lĩnh vực CNTT. 

Tin cùng chuyên mục