Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền tự tin nhìn về tương lai

Nhờ uy tín thương hiệu “Phân bón Đầu Trâu” cùng với tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, quyết đoán, công ty đã từng bước vượt qua khó khăn, thách thức. 
Ông Lê Quốc Phong - TGĐ (bìa trái) cùng các chuyên gia nghiên cứu tại ruộng lúa
Ông Lê Quốc Phong - TGĐ (bìa trái) cùng các chuyên gia nghiên cứu tại ruộng lúa
Nhận định về năm 2017, Ban lãnh đạo Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền thừa nhận sẽ gặp không ít khó khăn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn. Thêm vào đó, mức độ cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón trong và ngoài nước ngày càng khốc liệt…
Tất cả vì thương hiệu “Phân bón Đầu Trâu”
Báo cáo trước Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2017 vừa rồi, ông Lê Quốc Phong - Tổng Giám đốc công ty nhấn mạnh: “Năm 2016, do ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, làm tăng tình trạng xâm nhập mặn tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, hạn hán khốc liệt ở Tây Nguyên, lũ lụt kéo dài ở miền Trung, làm cho sản xuất nông nghiệp rơi vào hoàn cảnh khó khăn nhất trong nhiều năm qua. Sản xuất bị thu hẹp do hạn, mặn, lũ lụt, năng suất cây trồng giảm dẫn đến việc giảm đầu tư của nhà nông, nhất là đầu tư phân bón. Cùng với nguồn cung phân đơn dồi dào, giá giảm; chính sách thuế sửa đổi có lợi cho việc nhập khẩu phân bón; các quy định pháp luật về quản lý, kinh doanh phân bón chưa kiểm soát chặt chẽ được hoạt động của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, làm cho phân bón giả, nhái, kém chất lượng vẫn xuất hiện tràn lan trên thị trường. Các thị trường nước ngoài như Campuchia, Lào, Myanmar… sản xuất nông nghiệp cũng gặp nhiều khó khăn do thời tiết khắc nghiệt và sự cạnh tranh của phân bón Trung Quốc, Thái Lan. Tất cả đã gây ra rất nhiều khó khăn cho các đơn vị sản xuất chân chính, trong đó có Công ty Bình Điền”.
Tuy nhiên, nhờ uy tín thương hiệu “Phân bón Đầu Trâu” ngày càng tăng cùng với tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, quyết đoán của lãnh đạo, TGĐ và tập thể người lao động, công ty đã từng bước vượt qua khó khăn, thách thức. Công ty cũng đã nhanh, nhạy, kịp thời phối hợp với Trung tâm khuyến nông quốc gia, đưa đến nông dân đồng bằng sông Cửu Long chương trình canh tác lúa thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu vụ hè thu năm 2016. Đó là một gói kỹ thuật canh tác lúa được các nhà khoa học có uy tín và kinh nghiệm trong Hội đồng cố vấn khoa học của công ty xây dựng; đồng thời với bộ sản phẩm phân bón Đầu Trâu, đặc biệt là phân bón lót Đầu Trâu mặn phèn, giúp giải mặn, hạ phèn rất hiệu quả, được nông dân đánh giá cao.
Bên cạnh đó, công ty đưa ra các sản phẩm phân bón tan nhanh cho cây tiêu, cà phê và các cây công nghiệp khác trong điều kiện thiếu nước tưới do hạn hán; tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm và giải đáp cho nông dân những vấn đề liên quan đến kỹ thuật canh tác, sử dụng các loại phân bón mới có hiệu quả trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, giúp bà con trở thành như chuyên gia trên đồng đất của mình.
Bình Điền hết sức coi trọng công tác thị trường đối với các thị trường xuất khẩu, như Campuchia, Myanmar, Lào… cùng với các chính sách tích cực, chăm lo đời sống người lao động; hài hòa lợi ích nông dân và nhà phân phối; quan tâm đến các hoạt động xã hội, cộng đồng… đã giúp công ty duy trì hoạt động sản xuất-kinh doanh đạt hiệu quả tốt.
Sản lượng sản xuất đạt 645.912 tấn, tăng 16% so với năm 2015; sản lượng tiêu thụ 630.682 tấn, tăng 3,9% so với năm 2015; tổng doanh thu 6.016 tỷ đồng, đạt 99,4% so với năm 2015; lợi nhuận trước thuế hợp nhất 420.549 tỷ đồng, tăng 19,8% so với năm 2015; lợi nhuận trước thuế công ty mẹ 282.367 tỷ đồng, tăng 11,9% so với năm 2015; tỷ lệ chia cổ tức năm 2016 là 30%.
Cổ đông đặt trọn niềm tin
Trả lời các câu hỏi của cổ đông, ông Lê Quốc Phong khẳng định Ban lãnh đạo công ty luôn chủ động, có chiến lược đi trước để đưa ra thị trường những sản phẩm độc, lạ vừa có chất lượng cao, vừa có tính độc quyền, như các sản phẩm tiết kiệm đạm, tăng hiệu quả sử dụng lân hay sắp tới là vi lượng thông minh. Luôn có cái mới để cạnh tranh lành mạnh trên thị trường, làm lợi nhiều nhất cho nông dân, không bao giờ ngủ quên khi chiến thắng”. Việc dừng xây dựng Nhà máy Bình Điền Đồng Nai, mở rộng Nhà máy Bình Điền Ninh Bình, xây dựng Nhà máy Bình Điền Long An theo công nghệ mới tiên tiến… là nằm trong tầm nhìn 5, 7 năm sau” - ông Phong nhấn mạnh.
Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền tự tin nhìn về tương lai ảnh 1 Ông Lê Quốc Phong - TGĐ (bìa trái) và nhân sự vừa bổ sung vào Ban lãnh đạo công ty
Ảnh: Quốc Thanh
Đây chính là niềm tin của cổ đông khi quyết định đặt tiền đầu tư vào Công ty. Bà Trần Thị Hạnh ở phường 3, quận 11, nói: “Tôi đầu tư vào công ty 2 năm nay, được dự đại hội cổ đông 2 lần, thấy công ty làm rất nghiêm túc, lợi nhuận hơn 30% là quá cao hiện nay; cái lớn hơn là người đầu tư không phải thấp thỏm vì tương lai phát triển của công ty rất rõ”.
Anh Huỳnh Duy Thái, sinh viên ngành tài chính - ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế - Luật TP Hồ Chí Minh, cho biết: “Tôi đã nghiên cứu rất kỹ các cổ phiếu trên sàn chứng khoán và quyết  định đầu tư vào BFC. Chỉ cần được dự buổi đại hội cổ đông hôm nay là tôi yên tâm rồi. Mình đã chọn trúng nơi để đầu tư rồi”.
Hi vọng, năm 2017, công ty sẽ hoàn thành vượt mức kế hoạch mà đại hội đồng cổ đông đã thông qua, trong đó, sản lượng sản xuất đạt 650.000 tấn, sản lượng tiêu thụ 673.500 tấn, tổng doanh thu 6.850 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 420 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế công ty mẹ 282 tỷ đồng, tỷ lệ chia cổ tức 25%.
* Trả lời cổ đông về việc Nhà nước thoái vốn tại Bình Điền, Ban lãnh đạo cho biết Nhà nước sẽ giảm nhưng tùy theo đề nghị của tập đoàn, hi vọng giảm càng nhiều càng tốt. Còn việc Bình Điền có 5 công ty con nhưng chưa có kế hoạch niêm yết, về lâu dài sẽ niêm yết khi vượt qua ngưỡng sở hữu cũng như cổ đông theo quy định.
* Nhà máy Ninh Bình mới hoạt động tháng 11/2016, đã bán vượt công suất của nhà máy, hơn 100.000 tấn, do đó phải đặt gia công thêm từ Long An và Quảng Trị. Trong năm nay sẽ triển khai giai đoạn 2 cho nhà máy này. Hiện vốn của Bình Điền ít nhưng doanh thu nhiều, vì thế đã trích cao hơn quỹ phát triển để đầu tư giai đoạn 2. Tổng cả 2 giai đoạn của dự án này là 400 tỷ đồng.
* Tại thị trường Campuchia, Công ty CP Phân bón Bình Điền đã phối hợp với cơ quan quản lý nông nghiệp tại 25 tỉnh thành tổ chức chương trình chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhằm làm tăng giá trị sử dụng sản phẩm phân bón Đầu Trâu. Còn tại Myanmar, công ty đã thực hiện các hoạt động trình diễn, nghiên cứu thị trường, giới thiệu sản phẩm… nhằm tạo điều kiện thuận lợi để công ty đầu tư trực tiếp vào nước này trong tương lai. BFG cũng xúc tiến thương mại, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu và một số chương trình khác để chuẩn bị xuất khẩu sản phẩm vào thị trường Thái Lan.

Tin cùng chuyên mục