Công tác khuyến công tại 20 tỉnh, thành phía Nam chưa đi vào chiều sâu

Khuyến khích, hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp (DN) phát triển công nghiệp nông thôn tiêu biểu, nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần chuyển dịch kinh tế - xã hội, lao động địa phương phát triển bền vững là mục tiêu quan trọng của công tác khuyến công. Trên thực tế, hoạt động này vẫn chưa hiệu quả vì nhiều nguyên nhân. 
Tăng cường khuyến công để giúp các doanh nghiệp nhỏ phát triển sản xuất (trong ảnh: Sản xuất bánh tráng tại một cơ sở ở huyện Củ Chi, TPHCM) . Ảnh: THÀNH TRÍ
Tăng cường khuyến công để giúp các doanh nghiệp nhỏ phát triển sản xuất (trong ảnh: Sản xuất bánh tráng tại một cơ sở ở huyện Củ Chi, TPHCM) . Ảnh: THÀNH TRÍ
Giải ngân mới đạt 18,81% 
Theo bà Đỗ Thị Minh Trâm, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp địa phương, năm 2017, tổng kinh phí khuyến công của 20 tỉnh, thành phía Nam là hơn 60,7 tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2016. Theo kế hoạch, năm 2017, hoạt động khuyến công tập trung chủ yếu là đào tạo tay nghề, truyền nghề và nâng cao tay nghề cho 1.115 lao động nông thôn; trong đó tập trung vào các ngành nghề như may công nghiệp, chế biến thủy sản và một số ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, sản xuất các mặt hàng xuất khẩu gắn với vùng nguyên liệu, làng nghề truyền thống hoặc những địa bàn đặc biệt khó khăn. Trong lĩnh vực tư vấn phát triển công nghiệp, cả vùng đã có 16/20 trung tâm thực hiện tư vấn cho 306 dự án ở các nội dung xây lắp điện, tư vấn tiết kiệm năng lượng, tư vấn lập quy hoạch chi tiết cụm điểm công nghiệp, tư vấn giám sát các công trình xây dựng… 
Bên cạnh những kết quả đạt được, cũng còn nhiều hạn chế, tồn tại trong công tác khuyến công. Nổi bật là công tác khảo sát xây dựng kế hoạch, đề xuất các đề án khuyến công và chất lượng đề án ở một số địa phương còn hạn chế, chưa đa dạng, ít đề án mang tính liên kết vùng, chuỗi liên kết và tính lan tỏa không cao. Nội dung hoạt động chưa đa dạng, mở rộng. Việc đăng ký và triển khai thực hiện các đề án chưa thực sự bám sát tình hình thực tế tại các cơ sở nên tính khả thi không cao, cá biệt một số đề án xin ngừng vì không triển khai được. 
Điều này có thể lý giải kết quả thực hiện, mức độ hoàn thành kế hoạch khuyến công năm 2016 toàn vùng mới chỉ đạt 93,71% kế hoạch; tiến độ thực hiện giải ngân trong 6 tháng đầu năm 2017 còn chậm, toàn vùng mới đạt 18,81%, thậm chí một số địa phương chưa tiến hành giải ngân như Bà Rịa - Vũng Tàu, Sóc Trăng; hoặc một số tỉnh như Tây Ninh, Tiền Giang, Hậu Giang… có tỷ lệ giải ngân rất thấp so với kế hoạch, chỉ đạt từ 1% - 6% so với kế hoạch. 
Bên cạnh đó, cơ sở vật chất và phương tiện làm việc của một số trung tâm khuyến công còn thiếu, đội ngũ viên chức làm công tác khuyến công chưa thật sự mạnh và chuyên nghiệp, năng lực còn hạn chế, nhất là cán bộ làm công tác khuyến công ở cấp huyện, xã. Công tác khuyến công đã được thực hiện hơn 10 năm nhưng hệ thống văn bản pháp quy pháp luật, hướng dẫn còn đang được hoàn thiện dần, chưa tạo lập khung pháp lý hoàn chỉnh đồng bộ từ trung ương đến địa phương nên công tác triển khai thực hiện còn lúng túng.
Phải đổi mới cách làm
Để công tác khuyến công đạt hiệu quả, có ý kiến cho rằng cần thay đổi mạnh mẽ công tác khuyến công và có cơ chế về kinh phí hỗ trợ nhiều hơn, đặc biệt ở các vùng miền có thế mạnh. Cụ thể, ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Trà Vinh, kiến nghị Bộ Công thương và các địa phương cần có cách nhìn mới về hoạt động khuyến công, từ cơ chế chính sách cho đến việc điều hành. Theo đó, khuyến công nên tập trung hỗ trợ, xây dựng và phát triển đội ngũ DN đủ mạnh, làm đầu tàu kết nối giữa các DN; từ đó, phát triển sản xuất theo chuỗi. Trong từng thời điểm, nếu các DN được hỗ trợ thỏa đáng họ sẽ có sức bật để phát triển bền vững. Trong giai đoạn mới, khuyến công cũng cần bám sát vào định hướng phát triển của cả vùng; xây dựng các chương trình, đề án có trọng tâm, trọng điểm nhằm tạo sự chuyển biến rõ rệt cho từng ngành. Giảm thiểu việc xây dựng chương trình nhỏ lẻ, dàn trải; thay vào đó bằng việc xây dựng các đề án mang tính liên kết với các ngành nghề khác tại địa phương cũng như cả vùng. 
Đồng quan điểm này, bà Phan Thị Khánh Duyên, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Bình Dương, cho rằng hoạt động khuyến công phải bám sát quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch phát triển ngành công nghiệp của toàn quốc, toàn vùng và của từng địa phương mang tầm nhìn đến năm 2020 và xa hơn nữa. Theo bà Duyên, các địa phương trong khu vực cần xây dựng các đề án trọng điểm, có sức lan tỏa lớn để phát huy thế mạnh của từng vùng, vực dậy các sản phẩm là thế mạnh của từng địa phương.
Hoạt động khuyến công phải góp phần phát huy lợi thế so sánh và khai thác thế mạnh các nguồn lực sẵn có về tài nguyên, nguồn nguyên liệu; về thị trường và lao động tại mỗi vùng, mỗi địa phương để phát triển công nghiệp nông thôn.
Trong những tháng cuối năm  2017, Cục Công nghiệp địa phương lưu ý các tỉnh thành cần chủ động trong công tác tham mưu, đề xuất đẩy mạnh việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách về hoạt động khuyến công để đáp ứng kịp thời với yêu cầu thực tiễn. Tập trung triển khai các đề án khuyến công quốc gia (KCQG) và khuyến công địa phương (KCĐP) đã được giao; đảm bảo đúng tiến độ, hiệu quả, chất lượng; đặc biệt, sử dụng có hiệu quả kinh phí khuyến công đã được giao năm 2017. Theo đó, các địa phương xây dựng kế hoạch KCQG và KCĐP năm 2018 theo quy định, mở rộng nội dung hoạt động khuyến công. Huy động thêm nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước, tìm kiếm nguồn vốn hỗ trợ từ các dự án nước ngoài đang triển khai hoặc lồng ghép các chương trình để tăng thêm kinh phí cho hoạt động khuyến công. Phối hợp hoạt động giữa chương trình khuyến công với các chương trình khác như chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng mới, chương trình xóa đói giảm nghèo… nhằm nâng cao hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ. Ngoài ra, cần tăng cường liên kết giữa các tỉnh thành phố trong vùng và liên kết giữa các vùng để trao đổi kinh nghiệm phát triển trong ngành. Làm được điều này sẽ vừa phát huy được thế mạnh của mỗi địa phương vừa liên kết khai thác có hiệu quả nhất tiềm năng lợi thế của cả vùng.
Trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập, phát triển ngày càng năng động, hoạt động khuyến công cần có sự thay đổi mạnh mẽ theo hướng chuyên nghiệp hơn và chỉ như vậy mới có thể đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thị trường.
Theo ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, khu vực phía Nam gồm miền Đông và Tây Nam bộ, trong đó có 2 thành phố trực thuộc Trung ương (TPHCM, TP Cần Thơ) và 18 tỉnh; chiếm 21,8% về diện tích tự nhiên và 38,09% về dân số. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ chiếm 56,9%, giá trị sản xuất công nghiệp chiếm 60,1%, kim ngạch xuất nhập khẩu chiếm 47,8% so với cả nước… cho thấy vị trí quan trọng của các tỉnh thành phía Nam với tư cách là động lực phát triển kinh tế của cả nước.

Tin cùng chuyên mục