Công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ: Cần ''nói ít, hành động nhiều''

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan nhấn mạnh, trong 5 năm tới, công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ cần “nói ít, hành động nhiều” ở tất cả các cấp ngành, các giới, để buộc tất cả cùng hành động.

Chiều 26-2, UBND TPHCM tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện chiến lược, chương trình quốc gia về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ giai đoạn 2011-2020 và sơ kết 4 năm thực hiện đề án Phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn TPHCM. Đồng chí Võ Văn Hoan, Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, Trưởng ban Vì sự tiến bộ phụ nữ và bình đẳng giới TPHCM chủ trì hội nghị.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan khen thưởng các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ giai đoạn 2011-2020. Ảnh: MAI HOA

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Võ Văn Hoan khẳng định, việc phụ nữ bình đẳng với nam giới khi tham gia vào tất cả các hoạt động, được thừa hưởng mọi thành quả từ sự phát triển kinh tế - xã hội là biểu hiện của xã hội công bằng, dân chủ và văn minh. Hiện nay, kinh tế đã phát triển hơn trước nhưng nhiều địa phương, gia đình vẫn còn khó khăn, tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn tồn tại.

Đồng chí đề nghị thời gian tới, Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ và bình đẳng giới TPHCM cần tăng cường sự tham gia của thành viên nam, hoạt động thực chất hơn. Bên cạnh đó, cần hình thành mạng lưới cộng tác viên rộng rãi ở các cơ quan, đơn vị, địa phương; có quy chế hoạt động, tổ chức quản lý và hoạt động mang tính thống nhất toàn TP.

Đồng thời cũng cần nghiên cứu hình thành đường dây nóng để tiếp nhận các thông tin phản ánh liên quan đến phụ nữ. Đồng chí nhấn mạnh, trong 5 năm tới, công tác bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ cần “nói ít, hành động nhiều” ở tất cả các cấp ngành, các giới, để buộc tất cả cùng hành động.

Trước đó, báo cáo tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Trần Ngọc Sơn cho biết, 10 năm qua, trên cơ sở Chiến lược, Chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 của Chính phủ, TPHCM đã xây dựng 7 mục tiêu và 26 chỉ tiêu, nhiều hơn 4 chỉ tiêu so với Chiến lược của Chính phủ.

Điển hình là mục tiêu bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị, với tỷ lệ cán bộ nữ tham gia Ban chấp hành Đảng bộ các cấp vượt so với yêu cầu về “Tỷ lệ cấp ủy viên nữ từ 15% trở lên và có cán bộ nữ trong Ban thường vụ”; tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2015-2020 đều đạt và vượt so với 2 nhiệm kỳ trước.

TPHCM cũng đề ra và thực hiện tốt mục tiêu bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động và giáo dục đào tạo, bình đẳng giới trong lĩnh vực y tế, bình đẳng giới trong gia đình, văn hóa thông tin và phòng, chống mua bán người.

Về đề án phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, trong 4 năm qua, TPHCM đã có nhiều mô hình như Dịch vụ một cửa hỗ trợ các trường hợp bệnh nhân khám, điều trị bị bạo lực, xâm hại tại Bệnh viện Hùng Vương; mô hình cải tạo nhà vệ sinh công cộng tại các chợ truyền thống; Câu lạc bộ Nam giới tiên phong thúc đẩy bình đẳng giới…

Bên cạnh đó, vẫn còn những thách thức trong thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu về bình đẳng giới. Việc lồng ghép giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động còn nhiều bất cập, manh mún. Định kiến giới còn tồn tại trong biên soạn giáo trình học các cấp. Các hành vi xuất bản các ấn phẩm, sản phẩm thông tin có định kiến giới chưa bị xử lý...

Dịp này, Chủ tịch UBND TPHCM tặng bằng khen cho 29 tập thể và 37 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện “Chiến lược, Chương trình quốc gia về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ giai đoạn 2011-2020".

Tin cùng chuyên mục