Công suất xét nghiệm Covid-19 của Việt Nam đạt 27.000 mẫu/ngày

Chiều 9-4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng, chống dịch Covid-19, trong bối cảnh có dự báo việc có thể ghi nhận trường hợp tại cộng đồng, liên quan đến một số ca bệnh có lộ trình di chuyển phức tạp.
Thường trực Chính phủ họp chiều 9-4
Thường trực Chính phủ họp chiều 9-4

Nhận xét tình hình dịch, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cho rằng, trong vòng 1 tuần qua, thế giới ghi nhận thêm 489.790 trường hợp mắc mới và 32.771 trường hợp tử vong. Mỹ đang là “điểm nóng” của dịch Covid-19 trên toàn cầu với trên 300.000 trường hợp mắc.

Tại Việt Nam, trong tuần qua ghi nhận 31 trường hợp mắc mới, trong đó 22 trường hợp được xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 khi đã ở trong khu cách ly tập trung (chiếm 71%), điều này hạn chế việc lây lan dịch bệnh trong cộng đồng và thể hiện tính đúng đắn khi thực hiện các biện pháp cách ly. Số ca mắc trong tuần chỉ bằng 42% số mắc so với tuần trước đó, phản ánh phần nào những kết quả của việc thực hiện giãn cách xã hội từ ngày 1-4 theo chỉ đạo tại Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Dự báo trong thời gian tới, có thể ghi nhận thêm một số trường hợp tại cộng đồng liên quan đến một số ca bệnh có lộ trình di chuyển phức tạp (như bệnh nhân số 183, 237 và 243) và một số ổ dịch đã được khoanh vùng cách ly như Bệnh viện Bạch Mai, quán bar Buddha.

Hiện nay, cả nước đang thực hiện cách ly tập trung đối với 27.790 người, cách ly tại nhà, nơi lưu trú đối với 48.866 và cách ly tại các cơ sở y tế đối với 642 người. Lượng người cách ly cũng giảm vì các cơ sở cách ly cho người cách ly tập trung đã hết thời hạn cách ly, và về theo dõi y tế tại gia đình. Thống nhất coi các ca mới được phát hiện là ổ dịch tiềm năng, nhằm kịp thời xác định các đối tượng liên quan để cách ly, xét nghiệm và khoanh vùng dập dịch.

Về việc phát hiện sớm các ca bệnh, sau khi thảo luận với các cơ quan chuyên môn, Thường trực Ban Chỉ đạo thống nhất trong thời gian tới, phương pháp xét nghiệm phù hợp với điều kiện phòng chống dịch ở nước ta là sử dụng xét nghiệm RT- PCR với test kit do Học viện Quân Y sản xuất, đảm bảo khả năng cung cấp chủ động cho xét nghiệm phòng chống dịch, không phụ thuộc vào nguồn cung từ bên ngoài.

Bộ Y tế đang thẩm định và cấp phép cho một số đơn vị đăng ký. Về test nhanh do Vingroup tài trợ, hiện mới về được 14.000 test và cấp toàn bộ cho Hà Nội. Tổng số xét nghiệm hiện nay là 111.000 người. Việt Nam là quốc gia đứng đầu có số lượng người được xét nghiệm trên một ca mắc. Hiện có 110 phòng xét nghiệm sàng lọc, trong đó có 36 phòng xét nghiệm khẳng định. Công suất xét nghiệm đạt 27.000 mẫu/ngày.  

Về sản xuất máy thở, Việt Nam hiện có khoảng 5.932 máy thở xâm nhập và không xâm nhập đang hoạt động tại các cơ sở y tế. Từ khi có dịch đến nay, nhiều đơn vị, địa phương đã mua dự phòng cho phòng chống dịch hoặc được tài trợ khoảng 485 máy thở. Như vậy, cả nước hiện có khoảng 6.417 chiếc. Bộ Y tế đã làm việc với 2 công ty sản xuất máy trợ thở cho bệnh nhân nhi/sơ sinh có thể nâng cấp sản xuất máy trợ thở cho người lớn (Công ty MTTS và Công ty Vĩnh Đạt) và làm việc với đại diện của Tập đoàn Vingroup để trao đổi về phương án sản xuất máy thở tại Việt Nam.

Riêng Tập đoàn Vingroup dự kiến sản xuất 2 loại máy thở gồm: máy thở không xâm nhập (VSmart VFS-310), dự kiến bắt đầu sản xuất từ ngày 20-4, sản lượng giai đoạn đầu là khoảng 5.000 máy; máy thở xâm nhập (VSmart VFS-510), dự kiến nửa đầu tháng 5-2020 bắt đầu sản xuất, sản lượng giai đoạn đầu khoảng 500 máy. Năng lực sản xuất tối đa của Vingroup là 47.000 máy/tháng với điều kiện nguồn cung linh kiện đầu vào có sẵn và đầy đủ.

Với tình hình sản xuất khẩu trang y tế, hiện có trên 70 đơn vị sản xuất khẩu trang y tế với năng lực sản xuất dự kiến 5.720.000 chiếc/ngày và 40.000 chiếc khẩu trang N95 hoặc tương đương/ngày. Tuy nhiên, các đơn vị đang khó khăn trong việc nhập khẩu nguyên liệu đầu vào để sản xuất do giá tăng cao và khan hiếm xảy ra trên phạm vi toàn cầu (gồm vải không dệt, màng lọc kháng khuẩn, dây thun, thanh mũi), trong đó nguyên liệu vải không dệt, thanh mũi trong nước đã sản xuất được. Đối với màng lọc kháng khuẩn (nguyên liệu chính để sản xuất khẩu trang y tế), Bộ Y tế đã cho phép sử dụng vải SMS thay thế nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc. Về sản xuất khẩu trang kháng giọt bắn, kháng khuẩn, hiện có 40 doanh nghiệp đang sản xuất khẩu trang kháng giọt bắn, kháng khuẩn với tổng năng lực sản xuất ở mức 7 triệu chiếc/ngày. Các doanh nghiệp đã sản xuất 30 triệu chiếc, trong đó đã xuất khẩu được 7 triệu chiếc.

Hiện Bộ Y tế đang phối hợp cùng Bộ Thông tin và Truyền thông, các doanh nghiệp chuyển đổi số kết nối toàn diện các cơ sở khám chữa bệnh với người dân trên phạm vi toàn quốc phục vụ khám chữa bệnh từ xa. Dự kiến sẽ triển khai thí điểm tại một số bệnh viện trước 16-4, sau đó mở rộng triển khai toàn quốc từ 18-4.

Ban chỉ đạo kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo các tỉnh, thành phố thực hiện nghiêm việc thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ; chỉ đạo các địa phương tăng cường quản lý, hạn chế người dân ra khỏi nhà khi không cần thiết. Chỉ đạo các tỉnh, thành phố xiết chặt quản lý phòng lây lan Covid-19 tại các khu công nghiệp. Tiếp tục hạn chế nhập cảnh: đối với công dân Việt Nam đăng ký trở về nước được xem xét sau ngày 15-4, trừ một số trường hợp đặc biệt như công dân mắc kẹt tại các sân bay do việc cấm nhập cảnh của các nước hoặc các tình huống đặc biệt khác. Ban chỉ đạo cũng đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các tỉnh, thành chỉ đạo tổ chức hiến máu nhân đạo vì hiện nay lượng máu đã gần cạn kiệt.

Tin cùng chuyên mục