Công nghiệp quốc phòng Mỹ hưởng lợi nhờ “Hiệu ứng Donad Trump”

Nếu như các nhà quan sát còn bị chia rẽ về “Hiệu ứng Donald Trump” đối với nền công nghiệp Mỹ, thì ngược lại, lĩnh vực quốc phòng là một trong những bên được lợi nhất từ các chính sách của Nhà Trắng, như ưu đãi thuế, tăng ngân sách quốc phòng, hiện ở mức kỷ lục 700 tỷ USD.

“Ngập” đơn hàng

Số đơn hàng của các nhân tố chính trong lĩnh vực này không ngừng tăng. Tập đoàn Boeing hướng đến doanh thu từ 98 - 100 tỷ USD trong năm 2018, nhờ vào các hợp đồng của Bộ Quốc phòng. Tương tự, Northrop Grumman, tập đoàn sản xuất vũ khí lớn thứ 5 của Mỹ, cũng hướng đến mục tiêu doanh thu 2018 là 30 tỷ USD. Tập đoàn Lockheed Martin thì đưa ra mục tiêu tăng trưởng thêm 5% - 6% vào năm 2019. Để thỏa mãn được số đơn đặt hàng trên, 5 tập đoàn lớn nhất của Mỹ gồm: Lockheed Martin, Boeing, General Dynamics, Raytheon và Northrop Grumman tự cải tổ với việc mua lại một số công ty nhỏ hơn. 

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 8-11-2018 thông báo, doanh số bán vũ khí của nước này cho các chính phủ nước ngoài đã tăng 33% trong tài khóa 2018 (kết thúc vào ngày 30-9 vừa qua), đạt 55,6 tỷ USD so với 41,93 tỷ USD trong tài khóa 2017. Doanh số trên góp phần đưa tổng kim ngạch xuất khẩu vũ khí Mỹ được cấp phép, bao gồm các thương vụ cấp chính phủ và bán hàng trực tiếp, tăng 13% đạt 192,3 tỷ USD trong năm 2018. Bộ Ngoại giao Mỹ giải thích rằng, việc gia tăng kim ngạch xuất khẩu vũ khí nói trên là nhờ chính sách mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump từ tháng 4-2018, trong đó gắn việc buôn bán vũ khí thông thường của Mỹ với các lợi ích an ninh kinh tế và quốc gia. Thông báo cho biết, Saudi Arabia, Kuwait, Ba Lan, Bahrain và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) nằm trong số những khách hàng lớn của Mỹ. Riêng Saudi Arabia đã chi tới 8,1 tỷ USD để mua tàu chiến Littoral cùng các hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không Patriot.

Chính sách mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra là nới lỏng những quy định về việc bán hàng hóa, đồng thời yêu cầu các quan chức Mỹ thể hiện trách nhiệm lớn trong việc thúc đẩy kinh doanh tại nước ngoài đối với ngành công nghiệp vũ khí của Mỹ. Một số quan chức Chính phủ Mỹ cho biết, Tổng thống Donald Trump muốn biến nước Mỹ, vốn đã có ưu thế vượt trội trong buôn bán vũ khí toàn cầu, trở thành một nước xuất khẩu vũ khí lớn hơn nữa trên thế giới. Có 2 con đường chính để các chính phủ nước ngoài mua vũ khí từ các công ty Mỹ: Thứ nhất, mua bán trực tiếp thông qua đàm phán giữa chính phủ và doanh nghiệp; thứ hai, quân đội nước ngoài có nhu cầu đặt mua vũ khí sẽ tiếp xúc với một quan chức quốc phòng tại Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô của họ. Cả 2 hình thức này đều đòi hỏi Chính phủ Mỹ thông qua.

Giành thị phần

Tờ Washington Post cho biết, Bộ Ngoại giao Mỹ vừa qua đã cho công bố tóm tắt chính sách Chuyển giao vũ khí thông thường mới (CAT), trong đó nhấn mạnh đến ưu tiên cạnh tranh chiến lược và kinh tế, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động chuyển giao, mua bán vũ khí.

Cụ thể, Bộ Ngoại giao sẽ đẩy nhanh việc cập nhật danh sách hạn chế Quy định về buôn bán vũ khí quốc tế (ITAR) của Mỹ, chuyển danh mục danh sách đạn dược thuộc ITAR sang lĩnh vực của Bộ Thương mại quản lý, cho phép bán vũ khí nhanh hơn thông qua quy trình bán hàng thương mại trực tiếp. Bộ này cũng đang lên kế hoạch tăng số lượng nhân viên giải quyết các vấn đề về xuất khẩu vũ khí để giải quyết tình trạng khiếu nại kéo dài của Cục Các vấn đề về chính trị - quân sự thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ về việc thiếu nhân sự để xử lý việc bán vũ khí cho nước ngoài.

Việc bổ sung nhân sự đã được khởi động khoảng 5 tháng trước với mục tiêu có khoảng 20 nhân sự mới trong thời gian tới. Trong khi đó, Cục Các vấn đề về chính trị - quân sự thì đang nghiên cứu về một chính sách tài chính linh hoạt nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc xuất khẩu vũ khí...

Mới đây, dư luận quốc tế cũng lo lắng dõi theo việc Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF). Nếu tuyên bố trở thành hiện thực, thế giới sẽ đứng trước rất nhiều hiểm họa, trong đó có chạy đua vũ trang toàn cầu. Tuy Nhà Trắng vẫn chưa xé bỏ hiệp ước này, nhưng quân đội Mỹ đã bắt đầu chuẩn bị cho các cuộc cạnh tranh tên lửa đạn đạo trong tương lai. Lục quân Mỹ đã đề cập đến kế hoạch phát triển sau khi rút khỏi INF trong lộ trình hiện đại hóa lực lượng này. Một số chuyên gia của Mỹ cho rằng, nếu Mỹ rút khỏi INF thì tần suất sử dụng vũ khí hạt nhân của các cường quốc hạt nhân như Mỹ, Nga… sẽ tăng vọt.

Sự cân bằng chiến lược mà thế giới đã duy trì được trong nhiều năm sẽ bị phá vỡ, đồng thời toàn thế giới rơi vào tình cảnh nguy hiểm thông qua cuộc chạy đua vũ trang quy mô lớn để lấy lại sự cân bằng. Cuộc chạy đua này, nếu xảy ra, sẽ tiếp tục là “bầu sữa” nuôi các tập đoàn sản xuất vũ khí của Mỹ. Dennis Muilenburg, Giám đốc điều hành của Boeing, đã từng nói: “Chúng tôi nhận thấy rằng, ngày càng nhiều các chỉ dấu về việc chi tiêu quốc phòng của Mỹ sẽ duy trì sự ổn định trong dài hạn”.

Trước đó, một trong những chính sách nhằm mở rộng hơn nữa thị trường xuất khẩu vũ khí được Chính phủ Mỹ triển khai, đó là áp dụng biện pháp trừng phạt đối với các quốc gia ký kết hợp đồng lớn mua bán vũ khí với Nga được nêu trong luật Chống những đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA). Theo Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm, trong giai đoạn 2013 - 2017, Mỹ và Nga giữ vị trí hàng đầu trong lĩnh vực xuất khẩu vũ khí. Trong tổng kim ngạch xuất khẩu vũ khí toàn cầu, Mỹ chiếm 34%, Nga là  22%.

Chuyên gia Konstantin Makienko, Phó Giám đốc Trung tâm phân tích Chiến lược và Công nghệ Nga, nhận định việc Mỹ áp dụng biện pháp trừng phạt với cái cớ Nga liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine và Syria, thực chất là để Mỹ đẩy Nga ra khỏi thị trường vũ khí quốc tế và thực hiện một số toan tính khác chống lại Nga. Cạnh tranh gay gắt giữa Moscow và Washington thể hiện rõ nhất trên các thị trường đang phát triển ở khu vực Đông Nam Á. Thị phần lớn của Nga ở thị trường vũ khí trong khu vực này (45% - 50%) làm Mỹ khó chịu. 

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, những chính sách giúp ngành công nghiệp quốc phòng của Chính phủ Mỹ có thể sẽ bị ảnh hưởng sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vừa qua. Đơn cử, liên quan đến mối quan hệ với Saudi Arabia sau vụ nhà báo Jamal Khashoggi bị sát hại, Hạ viện Mỹ do phe Dân chủ kiểm soát nhiều khả năng sẽ bỏ phiếu ủng hộ đạo luật ngăn chặn các thương vụ buôn bán vũ khí với Riyadh. Dù xem Saudi Arabia là đối trọng với tầm ảnh hưởng của Iran ở Trung Đông, nhưng nhiều ý kiến của đảng Dân chủ cho rằng, Washington cần đòi hỏi nhiều hơn từ Riyadh.

Điều này thực sự khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhiều tập đoàn sản xuất vũ khí của nước này lo ngại. Năm 2017, Mỹ và Saudi Arabia đã ký thỏa thuận vũ khí trị giá 110 tỷ USD. Ông Donald Trump lo, nếu việc ngừng bán vũ khí cho Riyadh do vụ nhà báo Khashoggi thành hiện thực, quốc gia vùng Vịnh này có thể chuyển sang mua thiết bị quân sự từ Nga và Trung Quốc. Trong khi đó, Lockheed Martin và Raytheon - 2 nhà thầu quốc phòng được hưởng lợi nhiều nhất từ các hợp đồng vũ khí với Saudi Arabia, sẽ chịu thiệt hại không nhỏ về doanh thu.

Tin cùng chuyên mục