Công nghiệp hỗ trợ: Nỗ lực để tự chủ

Ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) có ý nghĩa quan trọng đối với chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, với những nghịch lý đang tồn tại, nếu không có chính sách, hành động quyết liệt thì câu chuyện xây dựng nền CNHT tự chủ vẫn còn rất xa vời.

Giá trị gia tăng thấp

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 35 - Bộ Công thương, ngành CNHT có ý nghĩa quan trọng đối với chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giúp nâng cao năng suất lao động và năng lực cạnh tranh, tạo giá trị gia tăng cho hoạt động sản xuất chung. 

Tuy nhiên hiện nay, do CNHT kém phát triển nên các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Việt Nam phải phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung cấp nguyên phụ liệu, linh kiện đầu vào (sản phẩm của CNHT) từ nước ngoài. Đặc biệt là các ngành công nghiệp chủ lực như điện tử, dệt may, da giày-túi xách. sản xuất, lắp ráp ô tô...

Chính vì vậy, khi dịch Covid-19 bùng nổ tại một số quốc gia cung ứng linh kiện, phụ kiện sản xuất chủ yếu cho Việt Nam như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, các ngành công nghiệp trong nước đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc bảo đảm nguyên liệu, phụ tùng cho sản xuất đầu năm 2020. Phải đến khi các quốc gia nêu trên đã qua đỉnh dịch, nguồn cung ứng nguyên, phụ liệu nhập khẩu cho các ngành sản xuất của Việt Nam mới được phục hồi.

Công nghiệp hỗ trợ: Nỗ lực để tự chủ ảnh 1 Sản xuất dược phẩm rất cần công nghiệp hỗ trợ dược liệu (ảnh chụp tại Công ty Agimexpharm). Ảnh: CAO THĂNG

Trên thực tế, qua các năm gần đây, tỷ trọng ngành công nghiệp chế tạo, chế biến trong nền kinh tế khá cao, chiếm đến 40% trong tổng doanh thu thuần sản xuất kinh doanh của nền kinh tế, nhưng chỉ đóng góp khoảng gần 14% GDP do giá trị gia tăng rất thấp so với các ngành công nghiệp khác. 

5 năm trở lại đây, trong cơ cấu giá trị gia tăng các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam, khâu nguyên phụ liệu góp vào giá trị gia tăng nhập khẩu từ nước ngoài vẫn chiếm tỷ lệ lớn, đặc biệt là từ Trung Quốc và Hàn Quốc.

Trong khi đó, tỷ lệ hàm lượng giá trị gia tăng nội địa vẫn còn thấp và chưa có nhiều chuyển dịch đáng kể. Đơn cử, 2 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là hàng dệt may và hàng điện tử có tỷ lệ giá trị gia tăng trong nước chỉ lần lượt là hơn 50% và hơn 37%. Hay như ở lĩnh vực ô tô, đến nay đã có những doanh nghiệp (DN) lớn như Thaco, Hyundai Thành Công và VinFast, nhưng hầu hết chỉ dừng lại ở khâu lắp ráp.

Cụ thể, đến năm 2019, tỷ lệ nội địa hóa cho ngành công nghiệp ô tô mới chỉ đạt bình quân từ 7-10% trong khi mục tiêu đề ra trong Chiến lược và Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020 là tỷ lệ nội địa hóa cho công nghiệp ô tô đạt 40% vào năm 2005, 60% vào năm 2010… 

Đáng chú ý, hiện nay cả nước có khoảng 300 DN CNHT cho công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô, nhưng có đến 80% là DN nước ngoài, số còn lại là của Việt Nam nhưng phần lớn có quy mô nhỏ. Một chiếc ô tô có khoảng 30.000 linh kiện, nhưng DN Việt Nam chỉ sản xuất được không quá chục loại linh kiện!

Sớm có chính sách khuyến khích, hỗ trợ

Để giải bài toán tự chủ CNHT, giảm lệ thuộc nhập siêu linh kiện từ nước ngoài, chuyên gia Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) Trương Thị Chí Bình cho rằng, Việt Nam cần học tập từ các quốc gia công nghiệp.

“Dù họ đã rất phát triển công nghiệp chế tạo, chính phủ các nước này vẫn tiếp tục hỗ trợ DN CNHT. Đơn cử, một start-up làm phụ tùng ở Hàn Quốc, được hỗ trợ đầu tư máy móc mà không phải trả lãi vay ngân hàng. Tiền thuê đất ở khu công nghiệp cũng được miễn trong 3 năm. Chính phủ các nước này quan niệm rằng, việc DN dám đầu tư vào lĩnh vực này đáng được ghi nhận nên sẽ hỗ trợ để DN phát triển”, bà Trương Thị Chí Bình nói.

Công nghiệp hỗ trợ: Nỗ lực để tự chủ ảnh 2 May hàng xuất khẩu tại Tổng công ty may Nhà Bè. Ảnh: CAO THĂNG

Theo bà Trương Thị Chí Bình, công nghệ ngày càng đổi mới, càng đòi hỏi phải có DN tinh nhuệ. Tuy nhiên, Việt Nam hiện thiếu những DN xuất sắc. Việc này có nguyên nhân là Việt Nam bắt đầu muộn hơn rất nhiều so với các nước khác.

Mặt khác, dù đã có nhiều cơ chế, chính sách nhưng Việt Nam còn thiếu các cụm sản xuất CNHT hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau. Vì vậy, đã xảy ra trường hợp linh kiện sản xuất ở Việt Nam nhưng lại phải gửi sang Thái Lan mới có thể gia công công đoạn cuối để đáp ứng được yêu cầu của khách hàng. 

Chưa hết, theo bà Bình, trong điều kiện “sức khỏe” của các DN trong nước còn yếu, nhưng phải chịu mức lãi suất vay quá cao so với đối thủ cạnh tranh ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan… Lãi suất vay đối với DN sản xuất của các nước này chỉ khoảng 1%/năm trong khi DN Việt Nam vay rẻ cũng khoảng 5%-6%/năm.

Do đó, Chính phủ cần có gói tín dụng hợp lý để khuyến khích các DN trong ngành CNHT mạnh dạn đầu tư, dần tự chủ nền CNHT trong nước. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần hoàn thiện, bổ sung các cơ chế chính sách đồng bộ, tạo môi trường thuận lợi cho DN CNHT phát triển.

Về phía DN, cần chọn sản xuất những sản phẩm, linh kiện có số lượng lớn, để không những cung cấp trong nước mà còn xuất khẩu. Đồng thời cần tăng cường hợp tác, tận dụng thế mạnh của nhau nhằm đi vào chuyên môn hóa, sản xuất sản phẩm chất lượng cao, xây dựng được uy tín cho sản phẩm Việt.

Tin cùng chuyên mục