Công nghệ vì sự sống

Tập đoàn Công viên Khoa học và Công nghệ Hồng Công (HKSTP) vừa ký kết biên bản ghi nhớ chiến lược (MoU) cùng hai công ty khác để hợp tác phát triển và nâng cao vị thế y sinh học của Hồng Công (Trung Quốc) như một trung tâm đổi mới và công nghệ quốc tế… 
Chủ tịch và Giám đốc điều hành Invivogen Lý Hiểu Bình giới thiệu một mẫu phẩm dùng để chế tạo vaccine
Chủ tịch và Giám đốc điều hành Invivogen Lý Hiểu Bình giới thiệu một mẫu phẩm dùng để chế tạo vaccine

Kể từ đầu năm nay, HKSTP đã thường xuyên trao đổi với Công ty Dược phẩm Invivogen và một công ty đầu tư mạo hiểm chăm sóc sức khỏe về các điều khoản hợp tác sâu rộng trong MoU. Mối quan hệ đối tác mới là một trong những nỗ lực ươm tạo, cùng đầu tư vào những dự án khởi nghiệp, tăng cường hợp tác trong các thử nghiệm lâm sàng, đồng thời hỗ trợ các tổ chức nghiên cứu và các tổ chức sản xuất phát triển trong lĩnh vực bệnh tự miễn dịch, chống lão hóa, liệu pháp gen và tế bào.

Theo Giám đốc điều hành của HKSTP, tập đoàn này sẽ nắm bắt cơ hội từ Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 của Hồng Công và Khu vực vịnh Lớn, bao gồm 3 vịnh Quảng Đông - Hồng Công - Ma Cao để tăng cường liên kết cùng các lĩnh vực khác. Tận dụng lợi thế là trung tâm gây quỹ công nghệ sinh học lớn nhất châu Á và lớn thứ hai thế giới cùng nền tảng công nghệ sinh học sẵn có và lợi thế về năng lực nghiên cứu hay nguồn lực lâm sàng, Hồng Công sẽ tiếp tục tăng tốc công nghệ và đổi mới công nghệ sinh học lên tầm đẳng cấp thế giới.

Chủ tịch và Giám đốc điều hành Invivogen Lý Hiểu Bình cho biết, ba bên sẽ tận dụng lợi thế tập thể và nguồn lực rộng lớn của mình để hợp tác trong các lĩnh vực như ươm tạo và phát triển các dự án nghiên cứu. Ông lưu ý rằng, bằng cách thành lập “Liên minh đổi mới” với khu vực chính phủ, các tổ chức giáo dục đại học, Công viên Khoa học, các công ty dược phẩm và thị trường vốn, hệ sinh thái sẽ còn được mở rộng và việc ươm tạo cũng như các nghiên cứu y sinh ở Hồng Công sẽ còn phát triển hiệu quả hơn nữa. 

Thời gian tới, một quỹ khác cũng sẽ được thành lập để hỗ trợ sản xuất thuốc, điều trị đổi mới các khía cạnh lâm sàng khác nhằm đẩy nhanh quá trình ươm tạo và phát triển các nghiên cứu y sinh cơ bản ở Hồng Công, thúc đẩy sứ mệnh của thành phố trở thành một trung tâm đổi mới công nghệ quốc tế. Thị trường công nghệ sinh học toàn cầu từng được định giá 852,88 tỷ USD vào năm 2020 và dự kiến sẽ tăng lên khoảng 3,44 ngàn tỷ USD vào năm 2030, với tốc độ tăng trưởng kép dự báo hàng năm là 17,83%. Albert Wong, Giám đốc điều hành HKSTP mô tả kế hoạch cho tương lai của tổ chức: “Chúng tôi cần phát triển theo cấp số nhân bằng cách tận dụng các thế mạnh cơ bản của mình, bao gồm nghiên cứu cơ bản và tiếp cận thị trường”. 

Vậy chính xác HKSTP vượt qua những thách thức này như thế nào? Ông Albert Wong khẳng định: “Các nhà khoa học không cần phải mua hay thuê các phòng thí nghiệm điện tử, phòng thí nghiệm y sinh, dữ liệu, người máy, phòng thí nghiệm ảo… mà có thể bắt đầu nghiên cứu và phát triển công nghệ của mình ngay lập tức”. Theo ông Albert Wong, Khu vực vịnh Lớn xung quanh Hồng Công có khả năng cung cấp một thị trường rộng lớn cho các sản phẩm. Nhìn chung, các yếu tố bao gồm các chính sách thuận lợi từ chính phủ, các sản phẩm mới và tiên tiến, gia tăng nguồn đầu tư lĩnh vực công nghệ sinh học và các startup công nghệ sinh học sẽ góp phần gia tăng giá trị thị trường sinh học Hồng Công.

Tin cùng chuyên mục