Công nghệ và kết nối

Khái niệm bảo tàng “chán và cũ” dần được thay đổi. Không chỉ có không gian trưng bày, thuyết minh, phim ảnh, việc ứng dụng công nghệ nghe nhìn đã thu hút nhiều khách xem, đặc biệt bạn trẻ có thể tương tác nhiều hơn với các hiện vật và tự mình tìm hiểu kiến thức lịch sử tại bảo tàng.
Khách tham quan tìm hiểu hiện vật trưng bày qua 2 màn hình kiốt thông tin hỗ trợ
Khách tham quan tìm hiểu hiện vật trưng bày qua 2 màn hình kiốt thông tin hỗ trợ

Nhu cầu thực tế

Tham quan cùng nhóm đồng nghiệp vào ngày 20-10 tại Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ, Thu Trinh (24 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TPHCM) khá hào hứng khi trải nghiệm các kiốt tương tác đặt trong không gian trưng bày. “Tôi bị cận nhẹ, xem hiện vật cũng có cái rõ, cái không vì trưng bày trong tủ kính. Nhưng có kiốt này thì tiện lợi, tôi có thể xem qua màn hình kiốt, đọc thông tin và hình ảnh màu sắc rõ nét hơn”.

Kiốt thông tin với màn hình cảm ứng có chức năng thông tin và xử lý dữ liệu từ yêu cầu của khách tham quan. Thông qua các kiốt, khách tham quan có thể chọn nhiều vị trí, chuyên đề trưng bày và chỉ cần chạm vào nơi mình cần đến, nội dung muốn xem…, các thông tin, hình ảnh, video về hiện vật sẽ được thể hiện. Sau khi trải nghiệm thử với kiốt, chị Ngô Thị Thu An (40 tuổi, ngụ quận 6, TPHCM) chia sẻ: “Xem qua màn hình này tiện hơn, hình ảnh rất nét và chân thật, ngay cả vết nứt, vết rạn nhỏ cũng nhìn thấy rõ”.

Tại lầu 3 của bảo tàng, Đặng Minh Châu (20 tuổi, sinh viên khoa Xã hội học, Trường Đại học KHXH-NV TPHCM) thích thú khi tra cứu thông tin về hiện vật trưng bày qua mã code. Minh Châu chia sẻ: “Tụi em cần tài liệu để nghiên cứu cho môn học, thay vì chụp hình rồi đánh máy lại phần thông tin thuyết minh về các hiện vật, em quét mã code, phần nội dung hiện ra ngay trong điện thoại, làm tài liệu để chia sẻ với bạn bè cũng nhanh hơn”.

Quét mã code để tra cứu thông tin hiện vật không chỉ giảm bớt áp lực cho các thuyết minh viên ở bảo tàng, mà còn giúp khách xem tự trải nghiệm nhiều hơn. “Tôi thường đi bảo tàng một mình, nên việc dùng mã code tra thông tin thật tiện lợi, vì chỉ có một người đi nhưng bắt thuyết minh viên phải kè kè theo hỗ trợ thông tin thì kỳ quá”, anh Nguyễn Khánh Hiếu (33 tuổi, ngụ quận 3, TPHCM) cho biết.

Thử nghiệm tìm hướng đi thích hợp

Được xem như sự kết nối giữa truyền thống - hiện đại, Phòng trưng bày ứng dụng kỹ thuật hiện đại và công nghệ tại Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ kể những câu chuyện về hiện vật, bài học lịch sử sinh động hơn thông qua các trang thiết bị, công nghệ hỗ trợ. Đặc biệt, với sự xuất hiện của các máy Hologram trong không gian trưng bày (bảo tàng đầu tiên tại TPHCM ứng dụng thiết bị công nghệ này - PV), hình ảnh qua các máy Hologram thể hiện 3D, kết hợp phần mềm tương tác 360 độ và công nghệ thực tế ảo (VR), khách tham quan có thể cảm nhận hiện vật trên hình chiếu 3D lơ lửng trong không khí và thể hiện ở nhiều góc độ khác nhau. Trong thời gian đầu ra mắt, máy Hologram tích hợp thông tin, hình ảnh của khoảng 115 hiện vật tiêu biểu của bảo tàng.

Chia sẻ về không gian trưng bày ứng dụng công nghệ hiện đại này, Phó Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ Nguyễn Thị Hiển Linh cho biết: “Quan điểm về bảo tàng trong xã hội hiện đại đã khác, không chỉ là trưng bày những gì bảo tàng có được mà phải lắng nghe điều khách tham quan muốn. Thông qua những ứng dụng công nghệ trưng bày, sẽ giúp tương tác với khách tham quan nhiều hơn, đặc biệt với những công nghệ nghe nhìn hiện đại có thể thu hút được sự quan tâm của giới trẻ, những người vốn nhanh nhạy với công nghệ mới”. 

Bảo tàng không chỉ có hiện vật, hay những câu chuyện trong quá khứ, để có thể thu hút được khách tham quan, đặc biệt là để khách quay lại lần 2, lần 3, cần phải có sự kết nối để hài hòa với xu hướng và thị hiếu hiện tại của người xem. Và ứng dụng công nghệ nghe nhìn trong trưng bày cũng là một trong những giải pháp thu hút khách cho bảo tàng. Tuy nhiên, để làm được điều này, không chỉ có sự đầu tư về công nghệ là đủ, đòi hỏi cơ sở dữ liệu phải thật dày dặn.

“Để đưa ứng dụng công nghệ vào trưng bày đòi hỏi bảo tàng phải có sự chuẩn bị và đầu tư đầy đủ về dữ liệu hiện vật để đưa vào số hóa. Và phải nghiên cứu, thử nghiệm nhiều lần để tìm ra mô hình công nghệ tích hợp phù hợp với không gian trưng bày của bảo tàng”, bà Hiển Linh chia sẻ thêm.

Việc xây dựng mô hình “bảo tàng ảo” hay số hóa và đưa ứng dụng công nghệ trong trưng bày vào bảo tàng gần như là một xu hướng tất yếu trong thời đại 4.0, để bảo tàng có thể đến gần và tương tác nhiều hơn với khách xem.

Tin cùng chuyên mục