Công nghệ thiên nhiên giữa lòng đô thị

Những khoảng trống bao quanh các tòa nhà vốn thường là các bãi đậu xe với đường nhựa, bê tông, nay được thay bằng các tiểu cảnh cây cối xanh ngắt cùng các hồ cá với rạn san hô nhân tạo. Những ý tưởng về kiến trúc, quy hoạch và thiết kế này đang ngày càng được ứng dụng nhiều tại các đô thị để có thể ứng phó với cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu.
Hệ thống hồ xử lý nước thải ở Kolkata, Ấn Độ
Hệ thống hồ xử lý nước thải ở Kolkata, Ấn Độ

 Theo nhà thiết kế Julia Watson, giảng viên Đại học Harvard, người tham gia nhiều loại hình thiết kế này, thì mô hình trên được gọi là khoa học sinh thái cộng sinh. Một ví dụ tiêu biểu là hòn đảo nhân tạo Ma’dan ở miền Nam Iraq, trong khi phía trên là kiến trúc hiện đại thì phần ngầm ở dưới lại dành để tạo môi trường phát triển đa dạng cho các hệ sinh thái dưới nước. Một ví dụ khác là thành phố ở chân đồi phía Nam vùng núi Kilimanjaro, Tanzania, nơi hơn một triệu người dân sinh sống giữa những khu rừng chuối và cây cà phê.

Một trong những ví dụ thú vị nhất có thể thấy là ở ngoại ô thành phố Kolkata, Ấn Độ, nơi có trên 14 triệu dân. Khu vực ngoại ô nơi đây có một vùng ao cá, đầm phá, các kênh rạch và cánh đồng lúa, rau. Khu vực này vốn là nơi thu gom nước thải với diện tích lên đến 125km². Mỗi ngày, nơi đây tiếp nhận khoảng 680 triệu lít nước thải chưa xử lý, chiếm 1/3 tổng số nước thải của thành phố. Nước thải đổ vào các ao do người dân và hợp tác xã đào để tiến hành xử lý, lọc chất thải. Việc xử lý hoàn toàn thông qua quá trình tự nhiên, không sử dụng năng lượng, không sử dụng hóa chất, không có nhà máy xử lý nước thải công nghiệp. Đây được xem là hệ thống xử lý nước thải hữu cơ lớn nhất thế giới. Nước sau khi xử lý sẽ được dùng tưới rau, nuôi cá và trồng lúa.

Theo bà Watson, công nghệ dựa trên tự nhiên có thể giúp giảm bớt lượng khí CO2, bảo vệ môi trường, giảm thiểu lũ lụt, tạo ra việc làm và mang lại hiệu quả kinh tế.

Tin cùng chuyên mục