Công nghệ thay thế các giác quan

Quỹ hỗ trợ người khiếm thị và khiếm thính So-edinenie và Phòng thí nghiệm phi lợi nhuận Sensor-Tech (Nga) đang phát triển công nghệ tác động vào các vùng não khác nhau, giúp người khuyết tật khôi phục các chức năng nhận thức đã bị mất. 
Cấy ghép implant thị giác trên khỉ
Cấy ghép implant thị giác trên khỉ

Theo đó, thiết bị này sẽ bao gồm 3 implant thần kinh (microchip tiếp xúc trực tiếp với vỏ não) để phục hồi thị lực cho người khiếm thị, phục hồi thính giác và điều trị các rối loạn thần kinh.

Hệ thống “thị giác nhân tạo” bao gồm phần bên trong - bộ phận cấy ghép được cài đặt trong não và phần bên ngoài - camera và một máy tính siêu nhỏ có thể chuyển đổi hình ảnh video thành tín hiệu cho não. Công nghệ này phù hợp với những người bị mất thị lực hoàn toàn nhưng có trải nghiệm thị giác và bộ não còn nguyên vẹn.

“Việc cấy ghép implant thị giác hiện đang trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng trên động vật. Vào tháng 1 vừa qua, chúng tôi đã cấy ghép loại implant này cho khỉ, thí nghiệm đã thành công. Dự kiến, năm 2024, những tình nguyện viên khiếm thị đầu tiên sẽ được cấy ghép thị lực điện tử. Chúng tôi kỳ vọng rằng việc phẫu thuật để cấy ghép công nghệ này sẽ được phổ biến rộng rãi ở Nga vào năm 2027”, bà Natalia Sokolova, Giám đốc điều hành So-edinenie, cho biết.

Trong khi đó, implant thần kinh để phục hồi thính giác cho phép truyền âm thanh từ micro trực tiếp đến ốc tai nằm ở tai trong, nơi chứa các đầu dây thần kinh. Một hệ thống như vậy bao gồm 2 bộ phận. Còn implant thứ ba, theo giải thích của các nhà phát triển, sẽ giúp những người bị bệnh Parkinson, mắc hội chứng đau mãn tính, chứng run, hội chứng Tourette và các rối loạn thần kinh khác.

Tin cùng chuyên mục