Công nghệ sinh học - cuộc đua mới giữa Mỹ và Trung Quốc

Theo các quan chức Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Biden vừa ban hành lệnh hành pháp nhằm thúc đẩy ngành công nghệ sinh học trong nước, bao gồm mọi thứ từ sản xuất dược phẩm, nhựa đến nhiên liệu đổi mới. Đây được xem là cuộc đua mới giữa Mỹ và Trung Quốc.
Nhân viên đang làm việc tại một công ty dược phẩm Mỹ
Nhân viên đang làm việc tại một công ty dược phẩm Mỹ

Đổ tiền vào công nghệ sinh học

Theo Washington Post, một quan chức Nhà Trắng cho rằng, Mỹ cần phải bảo vệ vị thế thống trị trong sản xuất công nghệ sinh học như đã từng làm trong sản xuất chip bán dẫn. Mỹ thực sự có những nhà đổi mới công nghệ sinh học tốt nhất trên thế giới, nhưng có nguy cơ tụt hậu, trừ khi chính phủ giúp đảm bảo tăng trưởng trong lĩnh vực này bằng các khoản đầu tư có mục tiêu, bao gồm cả các chương trình đào tạo cho công nhân lành nghề.

Tổng thống Biden khẳng định: Hành động hôm nay sẽ đảm bảo rằng Mỹ dẫn đầu thế giới về công nghệ sinh học, trong đó phục vụ các mục tiêu tạo việc làm, giảm giá thành, tăng cường chuỗi cung ứng để Mỹ không phải dựa vào bất kỳ nơi nào khác trên thế giới. Công nghệ sinh học cũng là cách chống lại căn bệnh ung thư. Lệnh của Nhà Trắng còn nhằm tăng tốc độ phát triển các liệu pháp điều trị ung thư sáng tạo và các phương pháp điều trị quan trọng khác, nhằm mục đích giảm bớt sự phụ thuộc của Mỹ vào các nguồn nguyên liệu công nghiệp sinh học nước ngoài để tránh gián đoạn chuỗi cung ứng trong thời kỳ đại dịch. Tổng thống Joe Biden cũng đã công bố Sáng kiến Công nghệ sinh học và Sản xuất sinh học quốc gia (NBBI), đồng thời bổ nhiệm giám đốc mới cho Cơ quan Dự án nghiên cứu nâng cao về y tế (ARPA-H).

Theo kế hoạch, khoảng 2 tỷ USD được dành cho chương trình NBBI, với phân nửa đến từ Bộ Quốc phòng để giúp các khu vực công và tư nhân mở rộng khả năng nghiên cứu, sản xuất công nghệ sinh học. NBBI kêu gọi các nhà sản xuất sử dụng công nghệ sinh học để sản xuất các loại thuốc mới và hóa chất đặc biệt, một số công nghệ sinh học có thế thay thế cho sản xuất nhựa, nhiên liệu và các vật liệu khác dựa trên hóa dầu (nhiên liệu hóa thạch). Đáng chú ý, Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) sẽ đi đầu để thúc đẩy công nghệ sinh học và tận dụng công nghệ mới nổi này để tăng khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng y tế và cải thiện khả năng tiếp cận của bệnh nhân với các sản phẩm y tế mới. 

Ngoài ra, Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh (HHS) đã ban hành một danh sách dài các dự án. NBBI nhận tổng cộng 40 triệu USD để mở rộng sản xuất các thành phần dược phẩm hoạt tính, thuốc kháng sinh và nguyên liệu ban đầu quan trọng để sản xuất các loại thuốc thiết yếu ứng phó với đại dịch. Bên cạnh đó, bộ này hỗ trợ cho các chương trình giáo dục tiên tiến, thí điểm cho các phương pháp sản xuất liệu pháp gene, kỹ thuật tế bào mở rộng, nền tảng và các chương trình an toàn sinh học để giảm rủi ro liên quan đến những tiến bộ trong lĩnh vực này. Chương trình yêu cầu các cơ quan liên bang mua các sản phẩm công nghệ sinh học do Mỹ sản xuất liên quan đến y học, biến đổi khí hậu, thực phẩm và nông nghiệp, sử dụng các hệ thống dữ liệu sinh học liên bang khổng lồ để “định hướng giải pháp” cho các vấn đề toàn cầu này. 

Washington tin rằng, những nỗ lực như vậy sẽ ngăn chặn sự gián đoạn trong tương lai đối với nguồn cung cấp thuốc sinh học, như đã trải qua trong đại dịch Covid-19, khi sự phụ thuộc vào các sản phẩm y tế nhập khẩu, vật liệu bảo vệ và các dụng cụ xét nghiệm đã ngăn cản quá trình sản xuất y sinh... Về phần mình, Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ chi thêm 200 triệu USD để tăng cường các biện pháp an ninh sinh học và an ninh mạng cho những cơ sở được hỗ trợ theo quỹ 1 tỷ USD. 

Mục tiêu chính

Công nghệ sinh học của Trung Quốc có thể trở thành chiến trường mới giữa hai siêu cường, tương tự như những gì đã xảy ra với chất bán dẫn. Các công ty công nghệ sinh học của Trung Quốc bị giảm mạnh giá cổ phiếu vào tháng 12-2021, khi các phương tiện truyền thông cho rằng họ có thể nằm trong danh sách trừng phạt của Mỹ, mặc dù các biện pháp trừng phạt như vậy cuối cùng đã không thành hiện thực. 

Vào tháng 5, Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc đã công bố kế hoạch 5 năm về phát triển kinh tế sinh học, trong đó mô tả những nỗ lực nhằm tăng tốc công nghệ mới và thúc đẩy tăng trưởng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, nông nghiệp và nhiên liệu. Khi căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc, chính quyền ông Biden đã tìm cách hạn chế đầu tư vào các ngành công nghiệp của Trung Quốc. Mối quan hệ Mỹ - Trung đã trở nên tệ đến mức các chuyên gia cho rằng, nạn nhân mới nhất là các công ty công nghệ sinh học Trung Quốc.

Cổ phiếu của các công ty công nghệ sinh học Trung Quốc, đặc biệt là những công ty có doanh thu lớn ở Mỹ, đã giảm sau khi Tổng thống Biden ký lệnh điều hành nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước trong ngành công nghệ sinh học. Cổ phiếu của Wuxi Biologics, công ty cung cấp dịch vụ nghiên cứu và sản xuất cho nhiều công ty dược phẩm toàn cầu, đã mất 19% giá trị trong vòng 1 tuần. Cổ phiếu của công ty Trung Quốc khác là Pharmaron giảm 8% tại Hồng Công, trong khi cổ phiếu của Hangzhou Tigermed giảm 6%. Các nhà lập pháp Mỹ từ lâu đã đưa ra lo ngại về sự phụ thuộc vào Trung Quốc đối với thuốc và vật tư y tế. Đại dịch càng làm tăng thêm nỗi lo đó.

Trung Quốc hiện là nhà sản xuất lớn các thành phần dược phẩm hoạt tính, thành phần quan trọng trong thuốc. Không có cơ sở dữ liệu nào để theo dõi xem cuối cùng bao nhiêu thành phần này đến từ Trung Quốc, vì các chuỗi cung ứng phức tạp. Ví dụ, Trung Quốc là nhà cung cấp dược phẩm hoạt tính chính cho Ấn Độ, nước này lại là nhà cung cấp thuốc gốc cho Mỹ. Các công ty khởi nghiệp công nghệ sinh học Mỹ cũng đang dựa vào dịch vụ của các công ty Trung Quốc để tránh các khoản chi vốn lớn trong quá trình nghiên cứu. Wuxi Biologics là một trong những công ty hưởng lợi từ xu hướng này. Doanh thu của công ty tăng gấp 4 lần từ năm 2018-2021. Khoảng một nửa doanh số bán hàng của công ty trong năm 2021 từ Bắc Mỹ.

Tin cùng chuyên mục