Công nghệ mới chống sa mạc hóa

Nạn hạn hán gia tăng, phá rừng và các biện pháp thâm canh thiếu khoa học đang khiến đất canh tác trên thế giới mất đi khá lớn. Theo ước tính của Liên hiệp quốc, vào năm 2030, khoảng 135 triệu người trên thế giới có thể mất nhà cửa, nơi sinh sống của họ biến thành sa mạc.
Những nhân tố này làm dấy lên thách thức về việc canh tác trong điều kiện khắc nghiệt. Giải pháp có thể sẽ đến từ công nghệ mới của các nhà khoa học muốn xanh hóa sa mạc.  Nhà khoa học Na Uy Kristian Morten Olesen cho biết ông đã tham gia tổ chức Khoáng sét lỏng từ năm 2005, với việc nghiên cứu trộn nano đất sét với nước, sau đó cho liên kết với cát. Phương pháp này giúp biến cát sa mạc thành môi trường có thể trồng trọt, canh tác. Ông cũng tuyên bố có thể thay đổi bất cứ bãi cát nào thành đất canh tác nông nghiệp năng suất cao trong vòng 7 tiếng đồng hồ. Con trai ông là Ole Morten Olesen, cũng làm việc trong công ty Desert Control (Khống chế Sa mạc), cho biết: “Chúng tôi chỉ trộn các hạt đất sét tự nhiên với nước, đưa nó vào cát, tạo ra một lớp đất canh tác tốt dày khoảng nửa mét. Nó sẽ biến mảnh đất cát đó thành khu vực canh tác màu mỡ”. Lý thuyết này được cho là có cơ sở, bởi cát tự nhiên vốn rời rạc, chúng không có hoặc chỉ có khả năng giữ nước rất thấp.

Tại nông trại của Faisal Al Shimmari ở Saudi Arabia, sáng kiến của nhà khoa học Na Uy đang được thử nghiệm. Hai mảnh đất giống nhau được chọn để trồng cà chua, cà tím và đậu bắp. Một trong hai mảnh sử dụng khoáng sét, mảnh còn lại không áp dụng biện pháp này. Faisal cho biết mảnh đất không dùng khoáng sét tiêu tốn tới 137m³ nước, trong khi mảnh có khoáng sét chỉ tốn 81m3. Theo tính toán của Faisal, chi phí đầu tư cho mỗi hécta trồng trọt trên sa mạc vào khoảng 1.800 - 9.500 USD, phụ thuộc vào từng loại cây trồng. Mặt khác, sau 4-5 năm canh tác liên tục, khoảng 15% - 20% diện tích đất cần được “nghỉ ngơi, phục hồi” cho tới lần canh tác tiếp. Nếu không, đất sẽ chóng bạc màu và tốn nhiều tiền của, công sức để phục hồi. Kristian cho biết ông và các cộng sự đang nỗ lực giảm giá thành để phương pháp khoáng sét trộn cát sa mạc sớm trở nên phổ biến với nông dân. 
 
Trong khi khoáng sét có thể là giải pháp của tương lai, các nước Trung Đông hiện đối diện nguy cơ hàng ngày, tác động trực tiếp tới từng người: nước. Hàng trăm năm qua, các nhà khoa học đã tìm cách dò tìm, khai thác nước ngầm sâu hàng kilômét dưới bề mặt sa mạc. Người ta gọi đó là nước hóa thạch, tồn tại từ hàng ngàn năm trước, là nguồn nước tự nhiên do mưa lắng đọng lâu trong đất, không có ở sông hay hồ. 

Saudi Arabia rất đau đầu đi tìm kiếm nguồn nước ngầm, trong khoảng 19 tỷ m³ nước tiêu thụ mỗi năm, 85% được sử dụng trong nông nghiệp, nguồn nước ngầm không có hoặc không thể tái tạo, quốc gia này đã phải dùng 8% nguồn nước chắt lọc từ biển. Tờ De Spigel đưa tin giới khoa học Đức và một công ty bản địa của Saudi Arabia phát hiện nguồn nước ngầm 25.000 năm tuổi tại một địa điểm khô hạn cách thủ đô Riyadh 100km bằng các phương pháp máy tính cực kỳ hiện đại. Họ đo được độ ẩm trong đất, cũng như tuổi của nguồn nước nơi gần sân bay đã bị bỏ hoang Darmstadt. Trước khi thực hiện công trình tưởng như bi quan này, không ít người cảm thấy đây là điều vô vọng, nhưng bằng nhiều nỗ lực mà giờ đây họ có thể xanh hóa được vùng đất chết.

Tin cùng chuyên mục