Công nghệ là đáp án cho an ninh lương thực

Trong bối cảnh thế giới cần chạy đua với thời gian để đối phó với khủng hoảng lương thực đang trở nên nghiêm trọng hiện nay, thì công nghệ sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường an ninh lương thực quốc gia và sản xuất nông nghiệp. 
Trang trại đô thị công nghệ cao ở Singapore. Ảnh: Govinsider
Trang trại đô thị công nghệ cao ở Singapore. Ảnh: Govinsider

Mới đây, Bộ Khoa học, Công nghệ và Đổi mới của Malaysia (MOSTI) vừa đưa ra 46 giải pháp về công nghệ cho các vấn đề an ninh lương thực. 46 giải pháp này được chọn lọc trong rất nhiều đề tài, sáng kiến khoa học của hơn 800 nhà khoa học gửi về cho cơ quan này, trong đó, nhiều sáng kiến có thể lập tức ứng dụng.

Theo Bộ trưởng MOSTI, ông Adham Baba, nổi bật là có nhiều giải pháp dựa trên công nghệ nhằm giải quyết vấn đề an ninh lương thực. 

Số hóa các ngành công nghiệp nông thôn là chìa khóa để phát triển nông thôn và là động lực mới của nền kinh tế nông thôn bền vững. MOSTI đã xác định việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (IoT), công nghệ sinh học và công nghệ nano để giải quyết các vấn đề an ninh lương thực trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

MOSTI sẽ tổ chức hội thảo với các hiệp hội chăn nuôi và nông dân cũng như các công ty công nghệ để thu thập thông tin đầu vào nhằm giúp giải quyết vấn đề an ninh lương thực. 

Trước tình hình các cuộc khủng hoảng chồng chéo đang làm đình trệ hoạt động sản xuất và tiếp cận lương thực của nhiều người trên thế giới, an ninh lương thực ở các nước thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gần đây cũng đang bị đe dọa và công nghệ kỹ thuật số có thể là chìa khóa để giữ cho người dân các quốc gia Đông Nam Á được nuôi dưỡng đầy đủ. 

Theo một báo cáo gần đây của Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA), chính công nghệ di động, công nghệ viễn thám, máy bay không người lái và phân tích dữ liệu lớn… là những tiến bộ kỹ thuật mở đường cho sự chuyển đổi kỹ thuật số toàn diện trong nông nghiệp ở các quốc gia ASEAN.

Bằng cách tích hợp phát triển công nghệ vào thực tiễn nông nghiệp, nhiều nơi đang ngày càng thích ứng khả năng sử dụng mạng 5G, máy ảnh, cảm biến thông minh và máy bay không người lái vào thực tiễn canh tác. Xa hơn nữa, công nghệ kỹ thuật số cũng đang được sử dụng để xác định rủi ro thiên tai và quản lý việc tăng giá, cũng như tăng cường an toàn thực phẩm bằng cách theo dõi và truy xuất nguồn gốc hàng hóa.

Bằng cách sử dụng IoT, blockchain và thiết bị kiểm soát khí hậu tự động, 9 trang trại đô thị trên đỉnh nhà để xe nhiều tầng ở Singapore đang sản xuất khoảng 1.600 tấn rau hàng năm.

Theo Cơ quan Thực phẩm Singapore (SFA), trong số các quốc gia thành viên ASEAN, hòn đảo rộng 719km2 của Singapore là nơi phụ thuộc nhiều nhất vào nhập khẩu lương thực và do đó dễ bị tổn thương nhất bởi sự gián đoạn chuỗi cung ứng liên quan đến đại dịch.

Các giải pháp thực phẩm đô thị tận dụng mái nhà và không gian khác trong thành phố để sản xuất nông nghiệp đang được phát triển để chống lại sự gián đoạn cũng giảm bớt sự phụ thuộc vào nhập khẩu lương thực.

Singapore đã đầu tư mạnh mẽ cho việc thiết lập một trang trại trồng rau trong nhà sử dụng AI để theo dõi sự phát triển của sản phẩm. Trang trại cũng có một hệ thống xử lý nước để giảm lượng vi khuẩn và kéo dài thời gian bảo quản của cây trồng...

Nông nghiệp là một trong những chìa khóa cho hòa bình và an ninh lâu dài. Bảo đảm an ninh lương thực là nhiệm vụ quan trọng đối với Đông Nam Á và không nằm ngoài xu thế, công nghệ mới sẽ giúp nông nghiệp Đông Nam Á lột xác.

Tin cùng chuyên mục