Công khai với Quốc hội, cử tri những bộ, ngành không bảo đảm đúng tiến độ dự án luật

Danh sách các tài liệu và tên cơ quan, cá nhân gửi chậm tài liệu, lý do gửi chậm sẽ được công khai đến đại biểu Quốc hội và cử tri. Đây là 1 trong 24 điểm mới của dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi). 


 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi)
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi)

Sáng 17-8, tiếp tục chương trình phiên họp chuyên đề pháp luật, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã trình bày tờ trình về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) với 24 vấn đề mới.

Theo đó, quy định cụ thể hơn trách nhiệm của đại biểu Quốc hội trong việc bổ sung quy định về hình thức phiếu điện tử, quy định về kỳ họp bất thường, quy định thủ tục giới thiệu tại phiên khai mạc và phiên bế mạc; về hình thức làm việc trực tuyến, trực tiếp kết hợp trực tuyến. Bổ sung quy định về quyền tranh luận của đại biểu Quốc hội; thẩm quyền cho chủ tọa, người điều hành phiên họp toàn thể…

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết

Đáng lưu ý, việc sửa đổi quy định về tài liệu kỳ họp được coi là sẽ giúp khắc phục căn bệnh “khổ lắm, nói mãi” lâu nay: chậm gửi tài liệu. Việc chậm gửi tài liệu làm cho các cơ quan thẩm tra bị động trong quá trình thẩm tra; các đại biểu Quốc hội cũng không đủ thời gian nghiên cứu sâu về tài liệu để có những phản biện, góp ý; ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng các dự thảo luật.

Dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi) nêu: “Tài liệu phục vụ kỳ họp được gửi đến Văn phòng Quốc hội để gửi đại biểu Quốc hội. Danh sách các tài liệu và tên cơ quan, cá nhân gửi chậm, lý do gửi chậm sẽ được công khai đến đại biểu Quốc hội và cử tri”.

Các ý kiến tại phiên họp đều thống nhất nhận định, việc công khai với Quốc hội, với cử tri, bộ, ngành không bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng các dự án, dự thảo luật trình Quốc hội là rất cần thiết. Đây sẽ là cơ sở để kiểm điểm, đánh giá trách nhiệm trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; căn cứ đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ và đánh giá tín nhiệm của người đứng đầu bộ, ngành trong tuân thủ quy định xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cũng cho biết, một số vấn đề còn ý kiến khác nhau.

Về thời gian phát biểu của đại biểu tại phiên họp toàn thể, có ý kiến đề nghị sửa đổi quy định thời gian phát biểu là 5 phút. Tuy nhiên, do có nhiều ý kiến đề nghị giữ quy định thời gian phát biểu là 7 phút như hiện hành.

Tin cùng chuyên mục