Công khai, minh bạch gắn với giám sát

Theo Chỉ số công khai ngân sách Nhà nước (NSNN) Việt Nam (OBI) 2017 và Chỉ số công khai ngân sách tỉnh (POBI) 2017 do Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDI) cùng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) công bố, OBI 2017 của Việt Nam ở trụ cột thứ nhất về công khai ngân sách chỉ đạt 15/100 điểm - giảm 3 điểm so với năm 2015 (mức trung bình toàn cầu là 43/100 điểm). Xếp hạng OBI Việt Nam hiện nay thuộc vào nhóm thứ 5 - nhóm ít công khai nhất. Ở trụ cột thứ hai về sự tham gia của công chúng, Việt Nam được 7 điểm trong khi mức trung bình toàn cầu là 12 điểm. Trong trụ cột thứ ba về giám sát, Việt Nam ghi được 72/100 đối với giám sát ngân sách của cơ quan lập pháp.

Kết quả POBI 2017 cho thấy, không có địa phương nào được xếp vào nhóm A (từ 75 đến 100 điểm). Kon Tum là tỉnh dẫn đầu cả nước về chỉ số này với 70,2 điểm. Có 4 tỉnh bị chấm 0 điểm (nhóm D) gồm: Ninh Bình, Bạc Liêu, Hậu Giang và Tây Ninh, vì không công khai bất kỳ một tài liệu nào hoặc có công khai nhưng yêu cầu tài khoản đăng nhập mới có thể tiếp cận được. Kết quả xếp hạng POBI 2017, được đánh giá là bức tranh “chưa thực sự sáng về việc công khai ngân sách” khi có tới 81% số tỉnh (51/63 địa phương) chỉ đạt dưới 50% tổng điểm POBI 2017. 

Tuy nhiên, những tồn tại trong công khai, minh bạch NSNN của Việt Nam có thể thay đổi tới kỳ khảo sát năm 2019 khi Việt Nam thực hiện theo Luật NSNN 2015 (có hiệu lực từ 1-1-2017 trong khi chỉ số này đánh giá các tài liệu được công bố trước 31-12-2016). Theo luật và các hướng dẫn về công khai ngân sách, đơn vị sử dụng NSNN có trách nhiệm gửi tài liệu, số liệu công khai dự toán, quyết toán cho đơn vị dự toán cấp trên hoặc gửi cơ quan tài chính cùng cấp. Việc công khai dự toán NSNN có thể được thực hiện bằng một số hình thức như: công bố tại kỳ họp, niêm yết tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị; phát hành ấn phẩm; thông báo trên các báo, đài hoặc đưa lên trang thông tin điện tử. Các bộ, ngành, UBND các cấp, đơn vị dự toán cấp trên… có trách nhiệm kiểm tra, thực hiện việc công khai NSNN của cấp dưới trực tiếp. Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện có vi phạm thì phải xử lý kịp thời hoặc báo cáo các cấp có thẩm quyền theo đúng quy định pháp luật.Việc công khai tình hình thực hiện dự toán ngân sách quý, 6 tháng, 1 năm trong vòng 5 - 15 ngày. Việc công khai, minh bạch nhằm tạo dựng niềm tin của người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư, từ đó thu hút và sử dụng hiệu quả nguồn lực, thúc đẩy phát triển bền vững và công bằng. Thực tế, hiện nay, nhiều quận, huyện đã công bố công khai số liệu dự toán ngân sách cũng như có báo cáo thuyết minh tình hình thực hiện thu, chi ngân sách trên địa bàn. 

Luật NSNN 2015 dù được nhìn nhận đã có nhiều điều khoản thúc đẩy việc công khai ngân sách, nhưng để ngân sách sử dụng có hiệu quả thì công tác giám sát phải tốt. Và, để giám sát tốt thì cần có cơ chế để người dân có cơ hội tham gia đóng góp, đối thoại, thảo luận về ngân sách trực tiếp hơn. Tuy nhiên, để làm được điều đó là không dễ bởi theo Ngân hàng Thế giới, chỉ có khoảng 10% số công chúng hiểu được thông điệp và những thông tin đã được công khai. Do đó, theo các chuyên gia, báo cáo NSNN phải dựa trên nhu cầu thông tin của các nhóm đối tượng, người dân. Thông tin cung cấp phải thay đổi theo hướng mỗi năm chỉ đi sâu vào một số vấn đề nóng thu hút sự quan tâm của người dân như: sắc thuế; phí đường bộ; giá điện, nước, xăng dầu; chi NSNN cho giáo dục, y tế… 

Nói cách khác, để người đóng thuế có thể giám sát hiệu quả được thu, chi ngân sách thì cần có phiên bản ngân sách dễ hiểu dành cho công dân, được xây dựng trên dự thảo dự toán NSNN và dự toán NSNN đã được phê duyệt. Dù không thể thay thế được những tài liệu ngân sách chi tiết khác, nhưng phiên bản này sẽ có vai trò đặc biệt quan trọng, giúp cung cấp thông tin cần thiết cho người dân và các tổ chức xã hội có thể tham gia giám sát NSNN và yêu cầu Chính phủ có trách nhiệm trong việc quản lý, giải trình.

Tin cùng chuyên mục