Công khai, minh bạch để tiết kiệm, chống lãng phí

Báo cáo kết quả bước đầu của đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) giai đoạn 2016-2021” được trình bày tại phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ rõ, tuy đạt được nhiều tiến triển đáng ghi nhận trong THTK, CLP, nhưng nhiều “căn bệnh” lâu nay vẫn chưa được khắc phục. 

Một nếp cũ là rất… đủng đỉnh trong ban hành chương trình, kế hoạch. Theo quy định của Luật THTK, CLP, hàng năm và 5 năm đều phải ban hành chương trình tổng thể THTK, CLP. Thế nhưng, trong cả giai đoạn 2016-2021 các chương trình tổng thể THTK, CLP đều ban hành chậm (năm 2021 chậm 20 ngày, các chương trình tổng thể hàng năm và 5 năm còn lại đều chậm 1-2 tháng, riêng năm 2017 chậm trên 3 tháng và giai đoạn 2016-2020 chậm trên 7 tháng). Do báo cáo về THTK, CLP là báo cáo thường niên, nên khuyết điểm này hầu như năm nào cũng được nhắc lại suốt những năm qua. Vậy nhưng, những tồn tại đó vẫn chưa khắc phục được. 

Bên cạnh những lỗ hổng phát sinh trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ở các khâu giao nhiệm vụ, đặt hàng và đấu thầu dịch vụ công, mua sắm công, mua sắm thiết bị, vật tư, vaccine phòng chống dịch thì cũng có những nhược điểm cố hữu như: vướng mắc trong công tác quy hoạch, đầu tư (bao gồm cả đầu tư công, đầu tư PPP, đầu tư tư nhân); trong việc triển khai các dự án dở dang; việc ban hành và thực hiện đơn giá, định mức, nhất là lĩnh vực xây dựng. Và, chuyện “muôn năm cũ” là tình trạng đất để hoang hóa không sử dụng; dự án treo, dự án bị đình chỉ do không xử lý dứt điểm vi phạm trật tự xây dựng... Thực tế đó đang gây lãng phí và những hệ lụy xã hội nặng nề.

Theo Bộ Tài chính, tổng hợp số liệu chưa đầy đủ của các bộ, ngành, địa phương, giai đoạn 2016-2021, số dự án thực hiện chậm tiến độ là 313.444 dự án; các dự án hoàn thành không sử dụng được hoặc có vi phạm pháp luật bị đình chỉ, hủy bỏ là 78.285 dự án… Tại phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga bày tỏ bức xúc về tình trạng bỏ đất đai hoang hóa, dự án “treo” vẫn còn phổ biến. “Ngay Hà Nội có khu đô thị 10 năm chỉ có 1 cái nhà, còn lại cỏ vẫn mọc đầy”, bà Lê Thị Nga nói. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng dẫn chứng nhiều dự án “làm nghèo đất nước” và yêu cầu rà soát, thu hồi, đồng thời xử lý trách nhiệm một cách nghiêm khắc. 

Vừa là hạn chế vừa là nguyên nhân của lãng phí và rất dễ dẫn đến tiêu cực, tham nhũng là các quy định về công khai, minh bạch ở một số bộ, ngành, địa phương vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc. Điều đó cũng khiến sự quan tâm và nhận thức trong xã hội về các quyền căn bản - “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra” - còn có mức độ. Một khi công khai, minh bạch, nêu đích danh những địa chỉ thực hiện tốt và chưa tốt, thì ý thức của tất cả các bên về THTK, CLP chắc chắn sẽ được nâng cao. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời đã thường xuyên nhắc nhở, đó là cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống luật pháp, tăng cường quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật. Thực tế, ngay sau khi nhà nước cách mạng non trẻ được thành lập, sự ra đời của Hiến pháp 1946 và 1959 cùng rất nhiều sắc lệnh, đạo luật, văn bản dưới luật, chúng ta đã ban hành nhiều quy định nghiêm khắc về việc xử lý tham ô, lãng phí, quan liêu. Những quy định đó đã có tính răn đe nhất định, hạn chế được tình trạng lãng phí trước đây. Và, bài học đó đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Tin cùng chuyên mục