Công khai chi tiết dự án để dân giám sát

Chắc chắn không phải ngẫu nhiên, tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP về “Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu” được tổ chức ngày 13-3 tại thành phố Cần Thơ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi đưa ra 8 nội dung quan trọng đều bắt đầu bằng chữ G, trong quan điểm chiến lược tiếp cận mới cho vùng đất này đã đặc biệt chọn giao thông là vấn đề - chữ G đầu tiên.  

Bởi lẽ, giao thông không được đầu tư đúng tầm mức, đúng yêu cầu đang là một trong những nút thắt lớn nhất, kiềm hãm sự phát triển của ĐBSCL. Một vùng đất như chính Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đánh giá là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của cả nước, đóng góp 50% sản lượng lúa, 95% lượng gạo xuất khẩu, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản, 70% các loại trái cây cả nước.

Hệ thống giao thông tại đây cơ bản vẫn chỉ là những tuyến đường nhỏ, chỉ 2 - 4 làn xe. Đặc biệt, quốc lộ 1 - tuyến đường quan trọng bậc nhất, dù nhiều đoạn đã được mở rộng thêm mỗi bên 2 làn đường nhưng không ít cầu trên tuyến vẫn chỉ có 2 làn qua lại. Tình trạng ùn ứ giao thông tại các đầu cầu, vì thế diễn ra rất thường xuyên. Đường cao tốc từ TPHCM về ĐBSCL bao năm rồi chỉ có mỗi đoạn TPHCM - Trung Lương dài khoảng 40km. Dự án làm cảng biển nước sâu cho tàu lớn vào sông Hậu đến giờ vẫn chưa phát huy hết tác dụng như kế hoạch đề ra do còn một số hạng mục chưa hoàn thành. Do đó, hầu hết nông sản xuất khẩu của ĐBSCL vẫn phải chở lên hệ thống cảng biển ở TPHCM và Bà Rịa - Vũng Tàu để xuất đi. 

Cách nay hơn 5 năm, khi làm cảng nước sâu cho tàu lớn vào sông Hậu, Bộ Giao thông Vận tải đã tính ra mức phí vận chuyển tăng thêm khi phải chuyển hàng từ ĐBSCL lên xuất ở cảng biển TPHCM và Bà Rịa - Vũng Tàu là khoảng 200USD/tấn. Còn hiện nay, theo nhiều doanh nghiệp vận tải hàng hóa, mức phí này đã nhích thêm khoảng 20-30 USD/tấn hàng hóa do đường đi ngày càng quá tải. Điều này đang ảnh hưởng rất tiêu cực đến sức cạnh tranh của nông sản Tây Nam bộ.

Tết Tân Sửu vừa rồi, người dân ĐBSCL đã tưởng có thêm đoạn cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận để đi, song… lại chẳng thấy đâu. Cứ nghĩ đến dịp lễ 30-4 và 1-5 tới đây sẽ có, nhưng câu trả lời từ chủ đầu tư là… đến cuối năm. 

Lại dời? Người dân ĐBSCL phải hỏi câu này bởi đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã được khởi công xây dựng từ tháng 11-2009 với 2 lần thay đổi chủ đầu tư, 3 lần thay đổi tổng mức đầu tư và… 4 lần thay đổi kế hoạch hoàn thành. 

Và không chỉ có tuyến đường này, nhiều tuyến đường khác ở ĐBSCL cũng ở tình huống tương tự. Chậm được đưa vào kế hoạch xây dựng hoặc đưa vào kế hoạch xây dựng rồi nhưng chậm được triển khai so với nhiều địa phương khác trên cả nước. Cơ quan chức năng hay đưa ra lý do nền đất yếu, thi công khó khăn nên chủ đầu tư không mặn mà. Có việc nền đất ở đây yếu nhưng không thể coi đó là lý do “hợp tình, hợp lý” đối với một vùng đất giàu tiềm năng, đã và đang đóng góp rất lớn cho đất nước như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhận xét. 

Tất nhiên, đã có sự khác biệt rất lớn trong việc tái khởi động dự án xây dựng cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận lần này. Chính phủ và các địa phương đã vào cuộc quyết liệt. Đích thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần thị sát và trực tiếp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho dự án. Thế nhưng vẫn lo khi thấy ngành chức năng thất hứa khi không cho người dân đi cao tốc trong dịp tết vừa qua. 

Dự án xây dựng cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận chỉ dài hơn 51km nhưng hơn 10 năm chưa hoàn thành mà chẳng ai phải chịu trách nhiệm về việc này. Đó là điều làm người dân chưa an tâm với lời hứa lần này của chủ đầu tư. Đó cũng là lý do ngành chức năng nên công khai chi tiết tiến độ thực hiện dự án để người dân giám sát, phát hiện bộ phận nào không làm tốt chức trách của mình và để Nhà nước có cơ sở xử lý nghiêm những cán bộ vô cảm với nỗi bức xúc của người dân.

Tin cùng chuyên mục