Cộng đồng trách nhiệm với đất nước!

Tại phiên khai mạc Quốc hội ngày 20-5, báo cáo trước Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị Quốc hội một số nội dung quan trọng.

Đáng chú ý, bên cạnh miễn, giảm một số nghĩa vụ thuế, nộp ngân sách của các lĩnh vực, đối tượng chịu thiệt hại nặng nề do đại dịch Covid-19, Thủ tướng đề nghị Quốc hội xem xét, cân nhắc trước mắt chưa tăng mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 1-7-2020. Việc này là để cùng chia sẻ khó khăn với người lao động do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và có thêm nguồn lực cho các mục tiêu cấp bách.

Dịch Covid-19 tác động toàn diện đến kinh tế xã hội. Tình hình thu ngân sách cũng gặp khó. Chính phủ đã bàn luận để xin ý kiến Bộ Chính trị, báo cáo Quốc hội việc điều chỉnh một số chỉ tiêu. Trong tình hình khó khăn được cho là “chưa từng có” đó, thời gian qua, cùng với ngân sách nhà nước chi ra để hỗ trợ người dân, cộng đồng doanh nghiệp và người dân đã cùng chung tay hỗ trợ cho những người có hoàn cảnh khó khăn do tác động của dịch.

Đó là những người yếu thế, có việc làm bấp bênh, thu nhập không bảo đảm hoặc những người tưởng như có công ăn việc làm ổn định nhưng lại bị dịch đẩy vào hoàn cảnh mất ổn định. So với những người yếu thế đó, cuộc sống của nhóm công chức, viên chức nhà nước được hưởng lương từ ngân sách nhà nước vẫn đảm bảo hơn. Đó là lý do mà Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ Tài chính thống nhất đề nghị với Chính phủ, trước mắt trong năm 2020 chưa tăng lương cơ sở (dành cho đối tượng cán bộ, công chức, viên chức) và lương hưu ở thời điểm 1-7-2020 theo kế hoạch.

Ngày 22-5, bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Lê Vĩnh Tân cũng cho biết, kể cả lộ trình tăng lương theo đề án cải cách tiền lương (Nghị quyết 27 của Ban Chấp hành Trung ương 7 khóa XII), Bộ Nội vụ cũng sẽ làm việc với Ban Chỉ đạo cải cách tiền lương để xem xét, nghiên cứu, điều chỉnh lộ trình tăng lương năm 2021 có thể chậm lại. 

Dĩ nhiên, việc chưa thực hiện tăng lương từ 1-7 năm nay sẽ ảnh hưởng nhất định đến cả triệu người hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Chúng ta phải thấy rõ một điều, ai cũng mong muốn cuộc sống tốt hơn nhưng tất cả đều phải “liệu cơm gắp mắm” với khả năng của đất nước. Như Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Lê Vĩnh Tân chia sẻ, việc này phải xét trong bối cảnh chung của cả nước, có những thành phần của xã hội đang khó khăn hơn. Cả nước cần dành phần tiền tăng lương này để Nhà nước hỗ trợ, giải quyết những vấn đề an sinh xã hội cấp thiết. Việc chưa tăng lương sẽ có tác động, làm giảm thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức nhưng không đáng kể so với những người gặp khó khăn do tình hình dịch Covid-19.

Chắc chắn, đến thời điểm ngân sách cho phép, Chính phủ sẽ tiếp tục đề nghị tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức. Đây cũng là trách nhiệm của mọi người, cùng nhau chia sẻ để cùng vượt qua khó khăn. Mỗi người hưởng lương ngân sách vui vẻ hoãn nhận những đồng lương tăng thêm là đã góp phần vào nguồn tiền 62.000 tỷ đồng mà Chính phủ hỗ trợ cho người lao động gặp khó khăn trong dịch. Đó cũng chính là sự chia sẻ, cộng đồng trách nhiệm của mỗi công dân đối với đất nước khi có biến cố xảy ra. Hãy nghĩ tạm thời chưa tăng lương cũng là một cách cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang chia sẻ tích cực hơn để góp phần tăng thêm nguồn lực nhà nước khắc phục hậu quả, đồng thời chia sẻ với những đối tượng khó khăn hơn để vượt qua thách thức này.

Dĩ nhiên, song song với việc hoãn tăng lương, mỗi cán bộ công chức, viên chức, người dân cũng mong Chính phủ tích cực kiểm soát lạm phát, điều chỉnh giá xăng, giá điện và giá các mặt hàng tiêu dùng, làm sao để chính sách tạm hoãn tăng lương cơ sở không gây tác động tới người lao động, thực sự có ý nghĩa là sẻ chia khó khăn. Nếu vừa không tăng lương cơ sở, vừa để giá tăng thì người hưởng lương sẽ bị “thiệt đơn thiệt kép” như lo lắng của nhiều đại biểu Quốc hội.

Tin cùng chuyên mục