Cộng đồng sở hữu mới có quyền phát triển di sản

Gần đây, dư luận có ý kiến cho rằng, việc xét ghi vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại không phải là tôn vinh. Thậm chí, một số người nghi ngờ về việc có cần thiết phải làm hồ sơ công phu mà rốt cuộc đó chỉ là sự “ghi nhận” đơn thuần. Để làm sáng tỏ câu chuyện trên, PV Báo SGGP đã trao đổi với PGS-TS Bùi Hoài Sơn, người tham gia vào việc xây dựng nhiều hồ sơ di sản phi vật thể.
Cộng đồng sở hữu mới có quyền phát triển di sản ảnh 1 Hát đối đáp dân ca quan họ Bắc Ninh
PHÓNG VIÊN: Một số ý kiến cho rằng, không có cái gọi là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại, vậy bao lâu nay hồ sơ di sản phi vật thể chúng ta đã dày công xây dựng để trình UNESCO xét duyệt, thực chất là gì thưa ông?
PSG-TS BÙI HOÀI SƠN: Theo tinh thần Công ước năm 2003 của UNESCO về bảo vệ các di sản văn hóa phi vật thể, đúng là không có gì là Di sản phi vật thể đại diện nhân loại, vì di sản là của cộng đồng. Tuy nhiên, UNESCO lại có danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, việc này bên cạnh ý nghĩa là “ghi danh”, còn khẳng định tính sở hữu thực sự của di sản là thuộc về cộng đồng.
Cụ thể như, dân ca quan họ là di sản của cộng đồng người dân ở Bắc Ninh, Bắc Giang; hay như không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là di sản thuộc về đồng bào ở Tây Nguyên chứ không phải của cả nhân loại. Việc ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại quan trọng nhất là để thế giới biết ai mới là chủ thực sự của các di sản văn hóa phi vật thể đó. 
Việc ra đời Công ước 2003 cũng là thời điểm không còn danh mục Kiệt tác di sản phi vật thể và truyền miệng của nhân loại, tại sao lại có sự thay đổi như vậy?
Trước Công ước 2003 của UNESCO, chúng ta có 2 di sản thuộc danh sách này là nhã nhạc cung đình Huế và không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Việc xóa bỏ danh mục này chính là sự thay đổi về nhận thức, hay có thể nói đó là sự trưởng thành về nhận thức của UNESCO. Bởi lẽ, nếu nói tới kiệt tác tức là nói tới sự xuất sắc, tính hơn hẳn của một di sản văn hóa đối với các di sản khác. Trong khi đó, vấn đề của văn hóa không thể so sánh, như không thể so sánh đàn bầu với piano, quan họ với hát văn… Để khắc phục tình trạng đó, mới có Công ước 2003 và từ “đại diện” đã thay cho từ “kiệt tác”. 
Một số ý kiến cho rằng, việc lập hồ sơ trình UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại nếu chỉ đơn thuần là việc ghi danh thì liệu có cần thiết không?
Khi một di sản được UNESCO đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại không có nghĩa là tổ chức này công nhận di sản đó. Việc ghi danh một di sản chỉ nói lên cộng đồng quốc tế được biết và đánh giá, trân trọng những tài sản văn hóa của một cộng đồng bản địa, đã cùng tồn tại với các cộng đồng bản địa khác, trên một hành tinh chung. Sau khi được UNESCO ghi danh, di sản được công nhận hay tôn vinh là việc của cộng đồng sở hữu di sản đó.
Việc ghi danh này có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Đó là sự tôn vinh của các quốc gia nói riêng và UNESCO nói chung với các di sản văn hóa. Sự tôn vinh này tạo nên thương hiệu cho các di sản. Tuy nhiên, không phải khi tôn vinh thì di sản mất đi chủ sở hữu, mà người ta càng nhấn mạnh thêm vai trò của cộng đồng. Thực tế đã xảy ra tình trạng sau khi di sản được ghi danh thì cộng đồng đang sở hữu di sản bị mất quyền kiểm soát, bởi chủ thể rộng lớn hơn như bộ ngành, chính phủ lại tham gia tôn vinh, quản lý các di sản này. Đây là điều UNESCO muốn tránh. Tổ chức này luôn lưu ý việc trả di sản cho cộng đồng, để những người chủ sở hữu có thể điều hành thì mới đảm bảo được giá trị của di sản.
Xu hướng chung là những điều tốt đẹp, tinh hoa sẽ có sức lan tỏa mạnh mẽ. Vậy việc khu biệt di sản chỉ thuộc về cộng đồng có quy mô giới hạn, đồng thời nhấn mạnh tính sở hữu như vậy, liệu có khiến sức lan tỏa này bị ảnh hưởng?
Khẳng định tính sở hữu của di sản không có nghĩa là ngăn cản sự lan tỏa của di sản trong cộng đồng. Chính cộng đồng sở hữu di sản mới có quyền phát triển di sản đó như thế nào. Còn người không thuộc cộng đồng đó, không có đủ kiến thức thông tin về di sản thì khi điều hành, thay đổi có thể làm sai lệch giá trị của di sản.
Cộng đồng sinh ra di sản nên họ hiểu rõ giá trị của di sản, biết được các chức năng của di sản và việc họ sử dụng di sản như thế nào là quyền của họ. Dẫn chứng gần đây nhất chính là sự kiện màn “đại xòe” của người Thái (Mường Lò, Yên Bái) định ghi danh kỷ lục đã vấp phải nhiều phản đối. Việc tách di sản khỏi cộng đồng để phát huy một cách thái quá, sẽ làm mất giá trị di sản văn hóa này.
Di sản văn hóa phi vật thể luôn phát triển và biến đổi. Mỗi thời điểm di sản đều có những dấu ấn của thời đại, vậy sao có thể xác định được cái nào là cái nguyên gốc để cộng đồng gìn giữ?
Có vấn đề như vậy nên có nhiều quan điểm khác nhau về bảo tồn và phát triển, phát huy giá trị của di sản. Vì vậy, UNESCO mới đề cao giá trị của cộng đồng. Chúng ta tôn trọng quyền đó của họ. Không để cho người ngoài đi vào nghiên cứu bóc tách các lớp của di sản, làm mất đi giá trị vốn có.
Một số người cho rằng, việc xét ghi vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã bị hiểu nhầm và ở đây không có điều gì thể hiện là sự tôn vinh hay vinh danh. Ông nghĩ sao về nhận định này?
Thực ra đó là tôn vinh của UNESCO với di sản. Tôn vinh cho các giá trị của cộng đồng. Những di sản được ghi vào danh sách là niềm tự hào của quốc gia.

Tin cùng chuyên mục