Cộng đồng doanh nghiệp hướng về Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI

Năm nay, Ngày Doanh nhân Việt Nam 13-10 diễn ra trong không khí chào mừng Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI. Rất nhiều kỳ vọng, rất nhiều mong đợi từ cộng đồng doanh nghiệp hướng về Đảng bộ và chính quyền thành phố. Báo Sài Gòn Giải Phóng xin giới thiệu một số ý kiến tiêu biểu.

* Ông ĐỖ PHƯỚC TỐNG, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Cơ khí - Điện TPHCM (Hamee), Giám đốc Công ty TNHH Cơ khí Duy Khanh:

Cộng đồng doanh nghiệp hướng về Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI ảnh 1

Xây dựng cơ chế, chính sách nền tảng

Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành cơ khí có một số doanh nghiệp (DN) vẫn tăng trưởng nhưng không nhiều, chủ yếu là những DN có tiềm lực mạnh, đủ điều kiện thuận lợi ở thị trường ngách khác. Điều đáng mừng là trong khối DN Hamee, dù tăng hay giảm doanh số, đều không tinh giảm lao động, tất cả đều gồng mình để lo cho công nhân, bảo toàn lực lượng. Bên cạnh đó, hầu hết DN trong ngành tự ý thức tăng cường đầu tư, sắp xếp, tái cơ cấu lại bộ máy, hy vọng có thể đột phá khi dịch bệnh đã được kiểm soát và hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường trở lại.

Nhiều DN, trong đó có Công ty Duy Khanh vẫn đang chuẩn bị nguồn lực để mở rộng quy mô nhà máy mới tại Khu công nghệ cao TPHCM. Tuy nhiên, hiện chúng tôi lo nhất vẫn là đầu ra. Bởi trên thực tế, từ trước đến nay, những DN FDI khi đầu tư vào Việt Nam, họ đều kéo theo vệ tinh và từ chối hàng của DN sản xuất trong nước.

Do đó, chúng tôi kiến nghị Chính phủ cần có cơ chế, chính sách, bằng cách nào đó có thể kết nối, ràng buộc DN FDI sử dụng sản phẩm của DN trong nước làm ra đạt tiêu chuẩn. Các chính sách hỗ trợ DN ảnh hưởng trong đợt dịch Covid-19 cũng cần thiết thực, cụ thể, đi vào cuộc sống hơn... 

Riêng với ngành công nghiệp hỗ trợ, chúng tôi cần một cơ chế chính sách nền tảng hơn, bên cạnh sự quyết tâm của DN. Bởi lâu nay, ngành công nghiệp hỗ trợ nói chung và ngành cơ khí có khá nhiều chính sách hỗ trợ nhưng hầu như không triển khai được. Do đó, chúng tôi hy vọng cùng với Nghị quyết của Chính phủ ban hành mới đây và Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân TPHCM, Quyết định của UBND TPHCM về hỗ trợ ngành cơ khí, các DN sẽ có cơ hội phát triển bền vững.

Đặc biệt, chúng tôi kiến nghị, sau khi có các nghị quyết, quyết định, các bộ ngành, địa phương cần triển khai quyết liệt, đưa nhanh vào đời sống. Cơ chế, chính sách phải cụ thể hóa được nhu cầu DN như bố trí mặt bằng, giá thuê, giao hợp lý thì DN mới mạnh dạn đầu tư, phát triển.

* Ông TRẦN VIỆT ANH, Tổng Giám đốc Công ty Nam Thái Sơn:

Cộng đồng doanh nghiệp hướng về Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI ảnh 2

Cần những cán bộ trẻ am tường hội nhập

Việt Nam đã ký kết 13 hiệp định thương mại tự do (FTA), 3 FTA khác dự kiến sẽ được ký sớm trong thời gian tới, mở ra thị trường xuất khẩu rộng lớn và gia tăng sức cạnh tranh cho hàng Việt. Nhưng ngược lại, tại thị trường trong nước, sức ép cạnh tranh với hàng ngoại nhập cũng trở nên khốc liệt hơn. Do vậy, để hỗ trợ DN trong bối cảnh kinh tế hiện nay, Đảng và Nhà nước cần bổ sung lực lượng cán bộ trẻ, nhất là những cán bộ đã từng gắn kết với các hoạt động của DN, am tường kiến thức kinh tế, hội nhập, hạ tầng logistic, thị trường xuất nhập khẩu, công nghệ số...

Thực tế, lực lượng cán bộ trẻ có nền tảng, có kiến thức sẽ đủ tâm và tầm để dẫn dắt, từ đó, thiết kế những giải pháp hỗ trợ phù hợp cho từng loại hình, hoạt động sản xuất của DN, giúp DN rút ngắn khoảng cách khi gia nhập thị trường quốc tế, hạn chế những thiệt hại liên quan đến tranh chấp thương mại.

TPHCM đang trong quá trình chuyển đổi nhanh sang mô hình thành phố thông minh. Do đó, ở nhiều khu vực trên địa bàn thành phố, việc ứng dụng công nghệ kỹ thuật số sẽ rất phổ biến trong thời gian tới. Và không ai có thể sử dụng, vận hành tốt hoạt động này hơn lực lượng cán bộ trẻ. Không chỉ vậy, một khi công nghệ, chuyển đổi số được ứng dụng rộng rãi trong cơ quan hành chính cũng đồng nghĩa tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu của một bộ phận cơ quan công quyền giảm mạnh, rào cản thủ tục hành chính cũng sẽ được dỡ bỏ. Điều này chính là động lực thúc đẩy DN phát triển bền vững.

* Ông PHẠM HUY BÌNH, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group):

Cộng đồng doanh nghiệp hướng về Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI ảnh 3

Cần chương trình hành động cụ thể cho ngành du lịch

Chưa có giai đoạn nào ngành du lịch toàn cầu gặp khủng hoảng như năm nay. Saigontourist Group cũng không tránh khỏi khó khăn chung, dù vậy vẫn đang nỗ lực triển khai linh hoạt các giải pháp, kịch bản, định hướng chiến lược trong từng thời kỳ.

Từ tháng 2-2020 đến nay Saigontourist Group đã tung ra 3 đợt kích cầu, khuyến mãi quy mô lớn với nhiều hình thức khuyến mãi đến 50% giá phòng, ẩm thực, lữ hành, giải trí…, được khách hàng hưởng ứng, đánh giá cao. Một trong những lợi thế của Saigontourist Group là các đơn vị trong hệ thống hợp tác cung ứng các sản phẩm trọn gói với chất lượng tốt và giá cạnh tranh. Định hướng của lãnh đạo tổng công ty là tại từng đơn vị ít nhất hàng năm phải có một sản phẩm mới.

Ví dụ, ngay trong thời điểm đối phó dịch Covid-19 hiện nay nhiều hình thức, sản phẩm gồm “Du lịch tại chỗ - Staycation”, Khám phá khách sạn cổ Việt Nam ngay giữa lòng trung tâm thành phố, giao nhận thức ăn tận nơi… của Saigontourist Group được khách hàng hưởng ứng, đánh giá cao. Saigontourist Group cũng đang thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, UBND TPHCM trong việc triển khai chương trình hợp tác phát triển với các địa phương trên toàn quốc, góp phần phát huy tiềm năng, thế mạnh của các bên, thúc đẩy phát triển du lịch.

Trong dự thảo Báo cáo chính trị trình đại hội lần này cũng đã nêu rõ, ngành du lịch thành trong nhiệm kỳ vừa qua tiếp tục dẫn đầu cả nước, được đánh giá, xếp hạng cao trên bản đồ du lịch của khu vực và trên thế giới.

Phương hướng trong nhiệm kỳ tới, du lịch vẫn là ngành kinh tế mũi nhọn của TPHCM, triển khai Chiến lược phát triển du lịch thành phố giai đoạn 2020-2030, hình thành các sản phẩm du lịch hấp dẫn, đặc trưng và chủ lực, triển khai đồng bộ du lịch thông minh, hoàn thiện các cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, tăng thời gian lưu trú, chi tiêu bình quân và tỷ lệ quay lại của khách du lịch; đẩy mạnh hợp tác với 13 tỉnh, thành ĐBSCL; xây dựng kế hoạch phát triển phố chuyên doanh ẩm thực về đêm và đa dạng hóa các loại hình du lịch, sản phẩm du lịch, gắn với xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ để thu hút du khách.

Chúng tôi kỳ vọng, Đại hội lần này, các đại biểu sẽ biểu quyết thông qua các định hướng phát triển lớn, triển khai các chương trình hành động cụ thể trong thời gian tới; góp phần đưa du lịch TPHCM vượt qua những khó khăn hiện nay. Saigontourist Group sẽ bám sát các định hướng của nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI để đưa vào chương trình hành động trong nhiệm kỳ sắp tới. Chúng tôi sẽ cụ thể hóa thông qua các kế hoạch cụ thể, để tiếp tục thể hiện được là “cánh chim đầu đàn” của du lịch TPHCM, góp phần cùng sự phát triển của thành phố và cả nước.

* Ông NGUYỄN QUỐC ANH, Chủ tịch Hội Cao su - Nhựa TPHCM, Giám đốc Công ty TNHH Đức Minh Sài Gòn:

Cộng đồng doanh nghiệp hướng về Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ XI ảnh 4

Mạnh dạn tung các gói kích cầu tiêu dùng

9 tháng qua, khoảng 20% số lượng doanh nghiệp (DN) trong ngành cao su, nhựa bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, 80% còn lại giữ vững doanh số hoặc tăng nhẹ. May mắn là thị trường trong nước vẫn tiêu thụ tốt và xuất khẩu sang các thị trường như Hàn Quốc, Nhật cũng không ảnh hưởng. Chỉ những DN chuyên làm hàng xuất khẩu cho thị trường Mỹ, châu Âu bị ảnh hưởng nhiều. Nhưng cái khó ở đây là dòng tiền của DN về khá chậm do ảnh hưởng dịch bệnh, mãi lực chậm, khách hàng không thanh toán đúng tiến độ; trong khi các gói hỗ trợ của Chính phủ hầu như không DN nào trong ngành tiếp cận được.

Theo tôi, việc quan trọng hiện nay là ngoài các gói hỗ trợ vừa qua, chúng ta cần có ngay chính sách kích thích, kích cầu tiêu dùng kịp thời. Chính sách này đang được các nước phát triển như Mỹ, châu Âu áp dụng rất hiệu quả. Bởi khi người nghèo có tiền mua bó rau, quả trứng, thì người bán hàng mới tiêu thụ được sản phẩm. Khi người bán rau, bán trứng có tiền, họ sẽ mua được đôi dép, cái áo… Cứ như vậy, sẽ tác động dây chuyền, đưa hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường trở lại. Lúc này, Chính phủ sẽ thu thuế để bù lại các khoản đã chi ra.

Bên cạnh đó, cần rà soát, cắt giảm các chi phí, rào cản bất cập hiện nay ở các lĩnh vực như hải quan, thuế, logistics… Bởi đây chính là những “nút thắt” làm gián đoạn, phát sinh thêm chi phí, tốn kém thời gian cho DN, dẫn đến hàng hóa sản xuất ra kém cạnh tranh khi đến tay người tiêu dùng.

Tin cùng chuyên mục