Công đoàn Việt Nam đề nghị “xả” Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp

Công đoàn Việt Nam vừa có báo cáo tình hình, tiến độ hỗ trợ đoàn viên công đoàn, người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19; đồng thời đề xuất một loạt kiến nghị, trong đó có đề xuất “xả” Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp do BHXH Việt Nam đang quản lý để hỗ trợ người lao động… 

Theo báo cáo cập nhật của Tổng LĐLĐ Việt Nam gửi báo chí sáng 15-9, đại dịch Covid-19 lần thứ 4 tính đến ngày 13-9 vừa qua đã có 44.554 ca nhiễm là công nhân, viên chức lao động tại địa bàn 51 tỉnh, thành phố trên tổng số 608.998 ca lây nhiễm (chiếm tỷ lệ 7,31%). Trong đó đã có 129 công nhân viên chức lao động tử vong do mắc Covid-19 hoặc do tiêm vaccine. 

Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang chủ trì cuộc họp ngày 14-9. Ảnh: Tổng LĐLĐ Việt Nam

Từ ngày 9-7 đến nay, nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động, thu hẹp sản xuất, giải thể; trên 2 triệu công nhân lao động phải nghỉ việc, giãn việc, nghỉ luân phiên, mất việc làm do doanh nghiệp tạm dừng hoạt động hoặc do người lao động bị cách ly, điều trị bệnh, ở trong khu vực phong tỏa. 

Để đồng hành cùng cả nước chống dịch Covid-19, kịp thời chăm lo, hỗ trợ, bảo vệ người lao động, đến nay, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã và đang triển khai 5 nội dung chính sau: Hỗ trợ khẩn cấp cho đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng dịch Covid-19 lần thứ tư; hỗ trợ, tăng cường dinh dưỡng cho đội ngũ y tế tuyến đầu phòng chống dịch tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam thực hiện giãn cách xã hội toàn tỉnh, thành phố theo Chỉ thị 16; hỗ trợ bữa ăn cho đoàn viên, người lao động đang lao động, sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ” của doanh nghiệp tại địa bàn các tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách toàn tỉnh, thành phố theo Chỉ thị 16; lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn đối với doanh nghiệp, miễn đóng đoàn phí với người lao động bị ảnh hưởng; triển khai chương trình “Vaccine cho công nhân”.

Đến ngày 13-9, công đoàn các cấp đã chi và đang triển khai thủ tục chi hỗ trợ đoàn viên, người lao động cùng các lực lượng tuyến đầu chống dịch từ nguồn tài chính công đoàn và nguồn xã hội hóa với tổng số tiền trên 4.375,882 tỷ đồng. 

Cán bộ công đoàn tới trao quà hỗ trợ công nhân khó khăn tại TPHCM do ảnh hưởng dịch Covid-19. Ảnh: Tổng LĐLĐ Việt Nam

Bên cạnh đó, Công đoàn Việt Nam cũng đang triển khai Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1-7-2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 từ các cấp công đoàn. Tính đến ngày 11-9, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã nhận được báo cáo của 27 liên đoàn lao động tỉnh, thành phố báo cáo đã hỗ trợ cho 1.163.017 đoàn viên, người lao động với số tiền hơn 1.677 tỷ đồng và có 170.640 doanh nghiệp được giảm mức đóng vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với số tiền 1.068 tỷ đồng. 

Theo đánh giá của bà Trần Thị Thanh Hà, Phó trưởng Ban chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 của Tổng LĐLĐ Việt Nam, số người lao động được thụ hưởng chính sách từ Nghị quyết số 68 còn rất thấp (1.163.017 đoàn viên, người lao động trong tổng số 16.200.000 người, tức mới chỉ chiếm 7,1%). 

Công đoàn Việt Nam đề nghị bổ sung thêm đối tượng người lao động chưa được ký hợp đồng lao động, chưa được tham gia BHXH cũng được quan tâm hỗ trợ như đối tượng không có quan hệ lao động (lao động tự do) nêu trong Nghị quyết số 68 của Chính phủ và phải được hỗ trợ kịp thời để giảm bớt khó khăn cho người lao động.

Đề nghị bổ sung thêm các đối tượng là viên chức, người lao động trong các đơn vị sự nghiệp công khác như nhà khách, trung tâm văn hóa, cơ sở đào tạo nghề… cũng được hưởng chính sách tại Nghị quyết số 68 của Chính phủ. 

Hiện nay, doanh nghiệp đang áp dụng “3 tại chỗ” chỉ duy trì việc làm được cho khoảng 30% - 50% người lao động, do đó có một bộ phận lớn người lao động phải tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương đang gặp khó khăn nhưng không được hưởng hỗ trợ. Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị những đối tượng này phải được hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết 68. 

Đáng chú ý, Tổng LĐLĐ Việt Nam đã đề nghị xem xét dùng nguồn kết dư của Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ cho tất cả người lao động đã và đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ 6 tháng trở lên để động viên và hỗ trợ, giảm bớt khó khăn cho người lao động. Đồng thời đề nghị tiếp tục nghiên cứu đề xuất các chính sách xã hội, gói an sinh mới thiết thực, hiệu quả hơn cho người lao động trong thời gian tới.

Theo ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Chính sách - pháp luật của Tổng LĐLĐ Việt Nam, Chính phủ vừa có báo cáo về tổng số kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp năm 2020 chuyển sang năm 2021 là hơn 89.100 tỷ đồng. Ngoài ra, số kết dư của Quỹ ốm đau, thai sản năm 2021 cũng đang có gần 12.800 tỷ đồng; Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp là hơn 53.700 tỷ đồng; Quỹ hưu trí, tử tuất khoảng hơn 789.100 tỷ đồng...

Tin cùng chuyên mục