Công cụ đảm bảo lành mạnh tài chính công

Tại cuộc làm việc với Kiểm toán Nhà nước (KTNN) cuối tuần qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, kiểm toán, với nguyên tắc “hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật”, là công cụ sắc bén, hữu hiệu để đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đảm bảo lành mạnh tài chính công, cũng như góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công và phòng chống tham nhũng.

Theo báo cáo mà Tổng KTNN Trần Sỹ Thanh gửi tới kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV vừa qua, trong năm 2020, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 61.761 tỷ đồng; chuyển 5 vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán sang cơ quan cảnh sát điều tra để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật. 

Cơ quan này cũng đã cung cấp 131 hồ sơ, báo cáo kiểm toán và tài liệu liên quan đến các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cơ quan điều tra và các cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền, để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát. Bên cạnh đó, gần 100 báo cáo kiểm toán đã nêu kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân có sai phạm. Qua thực tế hoạt động của mình, KTNN đã kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới 205 văn bản pháp luật sai quy định hoặc không phù hợp với quy định chung của Nhà nước và thực tiễn, kịp thời khắc phục “lỗ hổng” về cơ chế, chính sách, tránh thất thoát, lãng phí, siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính, góp phần hoàn thiện cơ chế quản lý kinh tế. 

Nhưng, ý nghĩa phòng chống tham nhũng không chỉ gói gọn trong những con số trên. Thông qua hoạt động kiểm toán trên hàng loạt lĩnh vực, từ ngân sách đến môi trường, từ kiểm toán chuyên đề đến kiểm toán hoạt động, từ doanh nghiệp đến tổ chức, ngân hàng…, không chỉ những sai phạm được chỉ rõ, mà việc công khai kết quả kiểm toán còn tạo nên những áp lực xã hội cần thiết đối với các cơ quan, tổ chức liên quan trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, qua đó hạn chế sai phạm, lãng phí, thất thoát, tham nhũng. 

Theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN (có hiệu lực từ 1-7-2020), cơ quan kiểm toán các cấp đã có thể thực hiện việc truy cập dữ liệu điện tử; thực hiện nhiệm vụ phòng chống tham nhũng theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng. “Khoảng tối khó phát hiện nhất là dưới chân đèn” cũng đã được tính đến để phòng ngừa những tiêu cực trong chính hoạt động kiểm toán. Theo đó, đơn vị được kiểm toán; tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động kiểm toán được quyền khiếu nại với Tổng KTNN về hành vi của trưởng đoàn kiểm toán, tổ trưởng tổ kiểm toán và các thành viên của đoàn kiểm toán. Đơn vị được kiểm toán có quyền khiếu nại với Tổng KTNN về những đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị trong báo cáo kiểm toán. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán được quyền khiếu nại với Tổng KTNN về kết luận, kiến nghị trong thông báo kết luận, kiến nghị kiểm toán. Trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Tổng KTNN thì đơn vị được kiểm toán, cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan còn có quyền khởi kiện một phần hoặc toàn bộ nội dung của quyết định giải quyết khiếu nại đó… 

Khung khổ pháp lý hiện nay về kiểm toán đã tạo nền tảng pháp lý quan trọng cho tổ chức và hoạt động của KTNN, không chỉ bảo đảm việc kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công mà còn tạo cho kiểm toán vị thế vững chắc như một công cụ sắc bén trong phòng chống tham nhũng. Sử dụng hiệu quả công cụ đó là trách nhiệm và cũng là lợi ích của mọi cấp, ngành và địa phương. 

Tin cùng chuyên mục