Công bố 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2021 ​

Tăng trưởng kinh tế 2021 có thể đạt mức 5,98% ở kịch bản 1 và 6,46% trong kịch bản 2. Trong đó, kịch bản 1 được coi sẽ có nhiều khả năng xảy ra hơn, trong khi kịch bản 2 chỉ có thể đạt được với nỗ lực cao. 
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Trần Thị Hồng Minh phát biểu khai mạc hội thảo
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) Trần Thị Hồng Minh phát biểu khai mạc hội thảo

Sáng nay 15-1, Hội thảo “Kinh tế Việt Nam năm 2020 và triển vọng 2021” do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức với sự hỗ trợ của Chương trình Australia hỗ trợ cải cách kinh tế Việt Nam (Aus4Reform) đã diễn ra tại Hà Nội.

2 kịch bản cho kinh tế Việt Nam năm 2021 đã được ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng Ban Nghiên cứu Tổng hợp CIEM nêu tại hội thảo, trong đó kịch bản 1 được coi sẽ có nhiều khả năng xảy ra hơn, trong khi kịch bản 2 chỉ có thể đạt được với nỗ lực cao.

Theo đó, tăng trưởng kinh tế 2021 có thể đạt mức 5,98% ở kịch bản 1 và 6,46% trong kịch bản 2. Tương ứng, xuất khẩu cả năm tăng lần lượt 4,23% và 5,06%. Thặng dư thương mại tương ứng ở mức 5,49 tỷ USD và 7,24 tỷ USD. Lạm phát bình quân lần lượt là 3,51% và 3,78%.

Nghiên cứu của Th.S Nguyễn Anh Dương và các cộng sự chỉ ra rằng, mặc dù so với các nước châu Á, Việt Nam vẫn còn tăng trưởng nhanh hơn, nhưng mức suy giảm (chủ yếu ở quý 1, quý 2 -2020) rất nhanh và đó là dấu hiệu đáng lo ngại. Lãi suất thấp, nhưng chưa đủ kích thích cả tiêu dùng và sản xuất. “Sản xuất công nghiệp phục hồi, nhưng mới chỉ tiến đến gần mức trước khi xảy ra đại dịch Covid-19; còn khu vực dịch vụ suy giảm mạnh nhất mà chiều hướng phục hồi vẫn chưa rõ ràng”, ông Nguyễn Anh Dương nhấn mạnh.

Trên cơ sở phân tích tình hình thế giới, nghiên cứu viên CIEM cho rằng, cần đặc biệt lưu ý một số rủi ro trong năm 2021, trong đó hàng đầu là khả năng tiếp cận vaccine. Những yếu tố khác bao gồm rủi ro phục hồi kinh tế không đều ở các thị trường đối tác; xu hướng nới lỏng tiền tệ và giảm giá đồng nội tệ ở nhiều nước châu Á trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và xu hướng gia tăng các biện pháp phòng vệ thương mại ở các nước nhập khẩu.

Nêu khuyến nghị chính sách, Th.S Nguyễn Anh Dương đề nghị tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch Covid-19 và có biện pháp phòng chống phù hợp. Cải cách kinh tế hậu Covid-19, theo chuyên gia này, phải là một phần quan trọng của kế hoạch phục hồi tăng trưởng kinh tế.

“Tái cơ cấu kinh tế cần tiến hành đồng thời với hoàn thiện chính sách công nghiệp và thu hút đầu tư nước ngoài. Đáng lưu ý là bài học từ giải ngân đầu tư công 2020 (được đẩy nhanh đáng kể) đã cho thấy tiến trình cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước cũng có thể đẩy nhanh”, ông Dương bình luận.

Tin cùng chuyên mục