Công bố 10 sự kiện ngành Tài nguyên và Môi trường

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa ký ban hành quyết định công bố 10 sự kiện ngành Tài nguyên và Môi trường nổi bật năm 2020. Trong đó, Quốc hội khóa XIV thông qua Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi là sự kiện số 1. Đây được coi là bước tiến mới đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển đất nước.
Công viên Địa chất Đắk Nông được công nhận gia nhập mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu
Công viên Địa chất Đắk Nông được công nhận gia nhập mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu

Với Luật này, lần đầu tiên, cộng đồng dân cư được quy định là một chủ thể trong công tác bảo vệ môi trường. Đáng lưu ý, Luật đã thay đổi phương thức quản lý môi trường đối với dự án đầu tư theo các tiêu chí môi trường; kiểm soát dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao; quy định cách thức quản lý, ứng xử với chất thải để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn; tạo lập chính sách phát triển các mô hình tăng trưởng kinh tế bền vững, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, phục hồi và phát triển nguồn vốn tự nhiên.

Sự kiện thứ 2, năm 2020 là năm có thiên tai bất thường, cực đoan nhất trong lịch sử ở cả 3 miền đất nước.

Việc tích hợp, vận hành Chính phủ điện tử, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, kết nối Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia, Trung tâm thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với khối lượng thông tin dữ liệu lớn và chất lượng cung ứng dịch vụ công lĩnh vực tài nguyên và môi trường là sự kiện nổi bật thứ 3.

Các sự kiện thứ 4,5,6 góp mặt trong danh sách này là hoàn thành cập nhật Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC); thành lập Ủy ban chỉ đạo quốc gia về thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (do Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch); công viên Địa chất Đắk Nông được công nhận gia nhập mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu và công bố thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Thái Thụy, tỉnh Thái Bình và Tam Giang - Cầu Hai, tỉnh Thừa Thiên - Huế.

Các sự kiện thứ 7, 8, 9 là Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) và Bộ Tài nguyên và Môi trường ký kết khởi động Chương trình Đối tác hành động quốc gia về nhựa và Dự án Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương; hoàn thành bộ bản đồ địa hình biên giới trên đất liền Việt Nam - Campuchia tỷ lệ 1:25.000; hoàn thành giai đoạn I dự án Chính phủ “Điều tra tìm kiếm nguồn nước dưới đất tại các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước”.

Sự kiện thứ 10 là Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và môi trường giai đoạn 2016 - 2020 được tổng kết đánh giá với nhiều đóng góp quan trọng. Nhiều đề tài, công trình đã được đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ; xuất bản sách chuyên khảo, chuyên ngành; công bố 233 bài báo, trong đó 77 bài báo quốc tế có chỉ số ISI hoặc Scopus, 156 bài báo trên tạp chí khoa học trong nước.

Tin cùng chuyên mục