Công an TPHCM ghi nhận nhiều vi phạm PCCC tại cao ốc Xanh

Trước khi cư dân tại cao ốc Xanh (Green Building, TP Thủ Đức, TPHCM) gửi đơn kêu cứu khẩn cấp đến các cấp chính quyền, Công an TP Thủ Đức cũng đã nhiều lần làm việc với chủ đầu tư chung cư này (Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng số 8 - CIC 8), ghi nhận cũng như yêu cầu khắc phục nhiều sai phạm. 
Cao ốc Xanh liên tục bị xử phạt về các vi phạm PCCC
Cao ốc Xanh liên tục bị xử phạt về các vi phạm PCCC

Sai phạm chồng sai phạm

Tại báo cáo số 1656/BC-CATĐ-PCCC ngày 28-9-2021 về thực trạng và công tác PCCC đối với dự án, công trình chung cư cao ốc Xanh (144 đường Nam Hòa, Khu phố 2, phường Phước Long A, TP Thủ Đức, TPHCM) của Công an TP Thủ Đức gửi Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH (Phòng PC07), Công an TPHCM nêu rõ: Từ khi chung cư đưa vào hoạt động đến nay đã thực hiện và lập 21 biên bản kiểm tra an toàn PCCC. Trong đó, lập 3 biên bản vi phạm hành chính với 4 lỗi vi phạm, ban hành 3 quyết định xử phạt vi phạm hành chính, tổng số tiền phạt 104.600.000 đồng.

Cụ thể, ngày 26-1-2016, Phòng Cảnh sát PCCC, Công an quận 9 ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 25/QĐ-XPHC với mức tiền phạt 800.000 đồng đối với hành vi: “Không cử người có trách nhiệm tham gia đoàn kiểm tra an toàn PCCC theo quy định” quy định tại Điểm b, khoản 2, Điều 28, Nghị định 167/2013 của Chính phủ. Cơ sở đã chấp hành quyết định xử phạt ngày 22-2-2016.

Tiếp đó, ngày 18-8-2016, Cục Cảnh sát PCCC-CNCH, Bộ Công an ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 003/QĐ-XPHC mức tiền phạt 80 triệu đồng đối với hành vi: “Đưa công trình vào hoạt động, sử dụng khi chưa tổ chức nghiệm thu về PCCC” quy định tại khoản 3, Điều 36, Nghị định 167/2013 của Chính phủ. Cơ sở đã chấp hành quyết định xử phạt ngày 3-4-2018.  

Chưa dừng lại đó, chung cư này tiếp tục bị xử phạt vi phạm hành chính tại quyết định 73/QĐ-XPVPHC ngày 23-4-2018, mức tiền phạt 23.800.000 đồng với hành vi: “Không trình hồ sơ để thẩm duyệt lại khi cải tạo, mở rộng, thay đổi tính chất sử dụng nhà, công trình trong quá trình thi công, sử dụng theo quy định” và “Thực hiện không đầy đủ hoặc không đúng thời hạn các yêu cầu về PCCC đã được cơ quan có thẩm quyền yêu cầu bằng văn bản” quy định tại Điểm b, khoản 4, Điều 36 và Điểm a, khoản 2, Điều 28 Nghị định 167/2013 của Chính phủ. 

Chủ đầu tư có thể chịu trách nhiệm hình sự 

 Theo khoản 3, Điều 13 Luật Kinh doanh bất động sản 2014; Điều 5, Luật PCCC 2001 và khoản 2, Điều 4 Nghị định 46/2015/NĐ-CP quy định, chủ đầu tư chỉ được bàn giao nhà cho người dân khi công trình nhà ở đã được nghiệm thu đưa vào sử dụng, trong đó có việc nghiệm thu PCCC.

Trong trường hợp không đủ điều kiện bàn giao, thiếu an toàn thì cư dân có quyền yêu cầu chủ đầu tư khắc phục, đảm bảo an toàn trong công tác PCCC, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của cư dân. Nếu chủ đầu tư không khắc phục thì cư dân có quyền phản ánh, khiếu nại vụ việc đến các cơ quan chức năng có thẩm quyền để xử lý.

Về hình thức xử phạt, Nghị định 167/2013 của Chính phủ đã quy định rõ ràng các mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC. Cụ thể, cá nhân, tổ chức vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính là phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền (mức phạt tiền tối đa đối với tổ chức là 100 triệu đồng).

Bên cạnh đó, căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm của cá nhân, tổ chức trong lĩnh vực PCCC, cá nhân, tổ chức vi phạm còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung như tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện sử dụng để vi phạm hành chính.

Theo quy định của Bộ Luật Hình sự hiện hành (tội vi phạm quy định về PCCC), nếu chủ đầu tư không xử lý kịp thời những vi phạm về công tác PCCC, gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của người khác thì có thể chịu trách nhiệm hình sự theo quy định.

Tin cùng chuyên mục