Công an 7 tỉnh, thành phố phía Nam bàn giải pháp phối hợp kéo giảm tội phạm giáp ranh

Qua gần 2 năm thực hiện quy chế phối hợp công an 7 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam, tình hình tội phạm ở khu vực giáp ranh từng bước được kiểm soát, kéo giảm. Tuy nhiên, tính chất của tội phạm xâm phạm trật tự xã hội diễn biến phức tạp, phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, manh động, liều lĩnh...
Chiều 12-9, Công an TPHCM tổ chức hội nghị sơ kết 2 năm triển khai thực hiện quy chế phối hợp bảo đảm an ninh trật tự địa bàn giáp ranh giữa công an 7 tỉnh, thành phố.
Công an 7 tỉnh, thành phố phía Nam bàn giải pháp phối hợp kéo giảm tội phạm giáp ranh ảnh 1 Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên cùng lãnh đạo các tỉnh, thành phố dự hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG
Đến dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Văn Được, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Long An; Lê Thanh Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Nội chính Thành ủy TPHCM; cùng lãnh đạo các tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh, Tiền Giang.
Đánh giá lại tình hình an ninh trật tự địa bàn giáp ranh
Khai mạc hội nghị, Thiếu tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TPHCM cho biết, qua 2 năm thực hiện quy chế phối hợp Công an 7 tỉnh thành (TPHCM, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh, Tiền Giang) đã đạt được hiệu quả cao, đảm bảo an ninh trật tự địa bàn giáp ranh các tỉnh thành.
Công an 7 tỉnh, thành phố phía Nam bàn giải pháp phối hợp kéo giảm tội phạm giáp ranh ảnh 2 Hội nghị sơ kết có sự tham dự của lãnh đạo 7 tỉnh thành phố khu vực phía Nam. Ảnh: VIỆT DŨNG
Trong đó, đã đẩy mạnh và đạt kết quả cao trong trao đổi thông tin, tình hình tội phạm; trao đổi kinh nghiệm công tác phòng ngừa, đấu tranh; thống nhất phối hợp trong thực hiện các chuyên án, các đợt cao điểm về đấu tranh, phòng chống, tấn công, trấn áp các loại tội phạm…
Qua đó, đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo môi trường an toàn, ổn định, phục vụ phát triển kinh tế tại 7 tỉnh, thành phố trọng điểm phía Nam.
Giám đốc Công an TPHCM nhấn mạnh, đây là dịp để lực lượng công an 7 tỉnh, thành phố tập trung thảo luận, đánh giá lại tình hình, kết quả đạt được, chỉ ra những tồn tại, hạn chế và những nội dung cần bổ sung, điều chỉnh trong thời gian tới. 
Qua gần hai năm thực hiện quy chế phối hợp, tình hình tội phạm về trật tự xã hội tại các tỉnh trong khu vực Đông Nam bộ được đảm bảo, tội phạm về trật tự xã hội các tỉnh, thành phố giáp ranh từng bước được kiểm soát, kéo giảm.
Các vụ cháy tăng, gây hậu quả nghiêm trọng
Tuy nhiên, công an 7 tỉnh thành đều có chung đánh giá, tính chất của tội phạm xâm phạm trật tự xã hội diễn biến phức tạp, phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, manh động, liều lĩnh. Đáng chú ý, nhóm tội phạm về xâm phạm quyền sở hữu chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu tội phạm (cướp, cướp giật tài sản; lừa đảo chiếm đoạt tài sản...); tội phạm về đánh bạc, tổ chức đánh bạc, gá bạc tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là tội phạm cờ bạc online.
Tội phạm sử dụng công nghệ cao gia tăng về số vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với tính chất, thủ đoạn tinh vi, gây bức xúc trong dư luận. Hoạt động tín dụng đen, vay tiền nhanh, tổ chức đánh bạc, môi giới mại dâm trên các nền tảng di dộng và qua mạng Internet diễn biến phức tạp gây mất an ninh trật tự.
Công an 7 tỉnh, thành phố phía Nam bàn giải pháp phối hợp kéo giảm tội phạm giáp ranh ảnh 3 Lãnh đạo công an các tỉnh thành tham dự hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG
Cùng với đó là tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tham nhũng nổi lên là hoạt động lợi dụng các sơ hở trong quản lý kinh tế để chiếm đoạt tài sản, sai phạm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán, đấu thầu, quản lý, sử dụng đất đai…

Tình hình trật tự, an toàn giao thông cơ bản được đảm bảo; tai nạn giao thông đã kéo giảm. Tuy nhiên, tình hình trật tự an toàn giao thông tiềm ẩn phức tạp, vẫn còn xảy ra một số vụ các nhóm thanh thiếu niên tụ tập, tổ chức đua xe, chạy xe thành đoàn gây rối trật tự công cộng. 

“Các vụ cháy ở các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và nhà dân có xu hướng gia tăng, nhiều vụ cháy lớn gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản”, báo cáo công an 7 tỉnh, thành đánh giá.
Công an 7 tỉnh, thành phố phía Nam bàn giải pháp phối hợp kéo giảm tội phạm giáp ranh ảnh 4 Thiếu tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TPHCM phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: VIỆT DŨNG
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung thảo luận tình hình, kết quả công tác 8 tháng đầu năm 2022 về thực hiện Đề án 06 phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh…; kinh nghiệm phối hợp, trao đổi thông tin trong công tác quản lý, xử lý băng nhóm, đối tượng hoạt động lưu động; công tác phối hợp đấu tranh phòng ngừa tội phạm ma túy của các tỉnh có địa bàn giáp ranh…
Hội nghị cũng tập trung thảo luận các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới như thường xuyên phối hợp xác minh nguồn tin, trao đổi thông tin ở từng cấp, nhất là thông tin về âm mưu phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại đối tượng; tạo sự đồng bộ trong phối hợp mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm, quyết tâm chuyển hoá, lập lại trật tự tại các khu vực, tuyến, địa bàn trọng điểm giáp ranh.
Cùng với đó, đẩy mạnh phối hợp quản lý nhà nước về trật tự an toàn xã hội, quản lý nhân hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng khu vực giáp ranh, triển khai thực hiện hiệu quả Đề án 06. Ứng dụng dữ liệu dân cư, dữ liệu căn cước công dân và các dữ liệu nghiệp vụ phục vụ đổi mới, nâng cao hiệu quả thực hiện các mặt công tác nghiệp vụ….

Trước yêu cầu cấp thiết của tình hình thực tế công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, ngày 29-10-2020, Công an các tỉnh, thành phố gồm: TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang đã ký kết Quy chế phối hợp số 303 về đảm bảo an ninh trật tự địa bàn giáp ranh.

Về kết quả phối hợp điều tra, xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật, công an 7 tỉnh thành phố đã phối hợp khám phá 4.995 vụ phạm tội về trật tự xã hội, đạt 78,96% (cao hơn 1,83% so với cùng kỳ năm 2021). Tỷ lệ điều tra khám phá án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt 89,91%.

Cùng với đó, đã phối hợp trao đổi, xác minh là 84 vụ/85 đối tượng, cung cấp thông tin để điều tra 26 vụ án/29 bị can liên quan đến tội phạm và vi phạm pháp luật về kinh tế, chức vụ, tham nhũng, tội phạm sử dụng công nghệ cao và môi trường.

Thực hiện tốt công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội tại các địa bàn giáp ranh. Trong đó, công an các tỉnh thành đã kiểm tra hành chính trên 2.000 lượt tại các cơ sở kinh doanh, phát hiện bắt 23 vụ, 48 đối tượng sử dụng trái phép chất ma túy.  

Tin cùng chuyên mục