Cổng 1022 TPHCM - Cầu nối giữa người dân với chính quyền

Từ một kênh chủ yếu để người dân phản ánh các sự cố hạ tầng, thời gian qua Cổng 1022 TPHCM đã trở thành một cổng thông tin quan trọng của TPHCM, đặc biệt là trong thời gian cao điểm chống dịch Covid-19. 

Trao đổi với PV Báo SGGP, Giám đốc Sở TT-TT TPHCM Lâm Đình Thắng (ảnh) chia sẻ, TPHCM đã định hướng phát triển Cổng 1022 thành một kênh kết nối hiệu quả trong quá trình xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh. 

Cổng 1022 TPHCM - Cầu nối giữa người dân với chính quyền ảnh 1

* PHÓNG VIÊN: Ban đầu, Cổng 1022 chủ yếu được biết đến như một kênh phản ánh các sự cố hạ tầng, nhưng sau đó đã phát triển thêm nhiều mảng nội dung khác như thế nào, thưa ông?

* Giám đốc Sở TT-TT TPHCM LÂM ĐÌNH THẮNG: Cổng 1022 ban đầu là kênh để tiếp nhận thông tin phản ánh của người dân trên một số lĩnh vực như hạ tầng kỹ thuật, trật tự đô thị, tài nguyên môi trường…; góp ý, hiến kế xây dựng và phát triển TPHCM. Sau đó, trong giai đoạn cao điểm chống dịch Covid-19, Cổng 1022 được phát triển là kênh tiếp nhận và xử lý chính thức các thông tin phản ánh từ người dân đến chính quyền thành phố nhằm kịp thời xử lý nhanh nhất những thông tin trên địa bàn TPHCM.

Đến nay, Cổng 1022 đã trở thành cầu nối hai chiều giữa người dân với chính quyền thành phố. Đặc biệt, hiện nay Cổng 1022 đang nhận được sự đồng thuận và hưởng ứng rất lớn của cộng đồng, xã hội.

* Từ kết quả ấy, TPHCM định hướng phát triển Cổng 1022 phục vụ công tác lãnh đạo, điều hành và giải quyết yêu cầu của người dân, doanh nghiệp ra sao, thưa ông?

* TPHCM định hướng phát triển Cổng 1022 trở thành một kênh giao tiếp uy tín giữa người dân với chính quyền, và là một công cụ phân tích dữ liệu phục vụ việc điều hành của lãnh đạo thành phố. Đây là 2 định hướng lớn trong việc phát triển Cổng 1022 của thành phố. TPHCM cũng định hướng Cổng 1022 với 5 nội dung khác, và Sở TT-TT đang bám sát vào đó để thực hiện. 

Một là, Cổng 1022 đã và đang được xây dựng, phát triển để trở thành Cổng thông tin đa dịch vụ, đa tiện ích, là kênh giao tiếp giữa người dân với chính quyền thành phố trong tương lai với phương châm “Ngàn thông tin - Một kết nối”, mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân TPHCM trong quá trình xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh.

Hai là, Cổng 1022 cung cấp kênh giám sát việc giải quyết kiến nghị của người dân. Thực tế, Cổng 1022 đã và đang làm tốt việc chuyển hàng ngàn tin nhắn mỗi ngày của người dân đến các cơ quan chính quyền để xử lý. Kết quả xử lý thông tin còn gắn với trách nhiệm người đứng đầu đơn vị, được Sở Nội vụ TPHCM giám sát, báo cáo định kỳ và có sự nhắc nhở, chỉ đạo từ UBND TPHCM. 

Ba là, Cổng 1022 có nhiều phương thức tiếp nhận thông tin, đảm bảo tiếp nhận thông tin 24/7 và không gián đoạn. Hiện nay, Cổng 1022 đã có 5 kênh tiếp nhận chính, bao gồm thoại, thư điện tử, website, ứng dụng di động và mạng xã hội (Facebook, Zalo).

Bốn là, Cổng 1022 linh động, dễ dàng mở rộng các lĩnh vực tiếp nhận. Với việc sử dụng nền tảng tổng đài thống nhất, chia sẻ hạ tầng, nguồn lực tổng đài viên thì yêu cầu này là khả thi. 

Năm là, Cổng 1022 được định hướng phát triển, ứng dụng các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo AI (callbot, chatbot), có khả năng tích hợp với hệ thống bản đồ số, hệ thống camera…, và hướng đến là cổng thông tin tiếp nhận, giải đáp, cung cấp thông tin giữa người dân và chính quyền thành phố.

“Cổng 1022 TPHCM do Sở TT-TT triển khai, đến nay có sự tham gia của 86 đơn vị và 625 đầu mối xử lý là chính quyền các cấp và các cơ quan chức năng thành phố. Nếu như những năm trước đây, mỗi năm chỉ tiếp nhận 10.000-20.000 tin thì năm 2021, số lượng phản ánh. Cổng 1022 tiếp nhận là trên 2 triệu. Trong 9 tháng đầu năm 2022, số lượng phản ánh đã lên hơn 28.000. Đặc biệt, tất cả phản ánh của người dân sau khi được cơ quan, đơn vị xử lý đều được công khai và được người dân tham gia đánh giá sự hài lòng của mình đối với kết quả xử lý”
Giám đốc Sở TT-TT TPHCM Lâm Đình Thắng

* Qua việc giám sát giải quyết kiến nghị của người dân, Cổng 1022 có giúp thúc đẩy, nâng cao chất lượng giải quyết kiến nghị của người dân?

* Vừa qua, Sở TT-TT đã thử nghiệm chức năng chỉ đạo điều hành và nhắn tin SMS tự động nhắc xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân trên Cổng 1022, cho phép lãnh đạo chỉ đạo tức thời và địa phương báo cáo nhanh về việc xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân. Hệ thống cũng có tính năng tự động thống kê số phản ánh của từng ngành, lĩnh vực, địa phương và tự động gửi SMS định kỳ (vào lúc 15 giờ thứ sáu hàng tuần) đến trực tiếp lãnh đạo phụ trách ngành, lĩnh vực, địa phương về tình hình xử lý phản ánh, kiến nghị đúng hạn hay trễ hạn.

Việc phát triển chức năng trên giúp lãnh đạo và các đơn vị vận hành (đặc biệt là các quận, huyện, TP Thủ Đức) có thể theo dõi tình hình xử lý, tra cứu, giám sát đến từng kiến nghị của người dân, nâng cao chất lượng xử lý. Nhờ vậy, tỷ lệ giải quyết trễ hạn của các đơn vị đã được cải thiện đáng kể. Nếu như 6 tháng đầu năm 2022, tỷ lệ giải quyết hồ sơ trễ hạn trung bình của các đơn vị là 13,96% thì quý 3 năm 2022, tỷ lệ trễ hạn giảm còn 4,67%. Đặc biệt tháng 8 và 9, tỷ lệ trễ hạn là 1%.

Cổng 1022 TPHCM - Cầu nối giữa người dân với chính quyền ảnh 2 Giao diện trên App Cổng 1022 dễ sử dụng, giúp người dân nhanh chóng gửi phản ảnh đến cơ quan chức năng. Ảnh: HOÀNG HÙNG

* Nhưng có ý kiến từ cơ sở phản ánh, họ đang chịu nhiều áp lực do phải xử lý quá nhiều nguồn tin phản ánh, từ Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng 1022, các app của địa phương... Ông suy nghĩ gì về đề xuất cần quy về một mối?

* Đúng là hiện nay chính quyền cấp cơ sở đang có nhiều nguồn tin phản ánh để xử lý, dẫn đến việc tăng khối lượng công việc không cần thiết cho cơ sở. Việc này là do trước đây chưa có định hướng rõ và chưa tổ chức thống nhất trên toàn thành phố. Điều quan trọng hơn là chúng ta không tập hợp dữ liệu thống nhất của cả thành phố để có thể phân tích, đánh giá và không thể giám sát toàn bộ hệ thống chính quyền. 

Do đó, Sở TT-TT đã tham mưu UBND TPHCM sử dụng Cổng 1022 là kênh giao tiếp thống nhất toàn thành phố giữa người dân và chính quyền các cấp. 

Cổng 1022 có những ưu điểm như: có quy chế phối hợp xử lý chặt chẽ, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu; hệ thống giám sát khách quan, công khai, minh bạch, theo thời gian thực; được tích hợp tin nhắn nhắc nhở tự động… Về chuyên môn, việc thống nhất 1 cổng giao tiếp cũng sẽ giúp tiết kiệm chi phí đầu tư, tinh gọn hệ thống tổng đài, đường dây nóng, ứng dụng của thành phố.

Tin cùng chuyên mục