Còn tình trạng kéo dài thời gian kết luận thanh tra

Sáng 1-11, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ V và phát động phong trào thi đua toàn ngành thanh tra giai đoạn 2020-2025. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình dự và phát biểu tại đại hội.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh tới một trong những thành tích nổi bật, khẳng định vai trò của ngành thanh tra những năm gần đây là đóng góp tích cực vào công cuộc phòng, chống tham nhũng; đã thực hiện nhiều nhiệm vụ theo Chương trình công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; tiến hành thanh tra và kết luận nhiều vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, trong đó có một số vụ việc rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng mang tính đột phá phục vụ Ban Chỉ đạo trong đấu tranh xử lý tham nhũng; kiến nghị xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân vi phạm, thu hồi nhiều tài sản, đất đai có giá trị lớn.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại Đại hội thi đua yêu nước ngành Thanh tra. Ảnh: VGP
Trên các mặt công tác, trong những năm gần đây, toàn ngành đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn, thử thách và đạt được những thành tựu quan trọng, nhất là trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho.
 Về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng: Có 148 trường hợp người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng; đã xử lý hình sự 13 người, xử lý hành chính 122 người…

Từ những kết quả trên, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đánh giá cao phong trào thi đua của ngành thanh tra về sự đổi mới, sáng tạo, có chiều sâu với nhiều mô hình mới, nhiều điển hình tiêu biểu. Điều này thể hiện sự quyết tâm và sáng tạo trong công việc, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng chỉ rõ việc triển khai kế hoạch thanh tra ở một số đơn vị còn chậm, lúng túng; còn hiện tượng chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; việc bố trí lực lượng, xây dựng kế hoạch và phương pháp tiến hành ở một số cuộc thanh tra chưa khoa học; còn tình trạng kéo dài thời gian xây dựng báo cáo và kết luận thanh tra; một số kết luận thanh tra có chất lượng chưa đạt yêu cầu; số vụ việc chuyển cơ quan điều tra còn ít so với số sai phạm; tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản chưa cao; việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật theo kiến nghị tại kết luận thanh tra còn chậm.

Để hoàn thành nhiệm vụ nặng nề nhưng rất vẻ vang mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị toàn ngành thanh tra thời gian tới cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, như: phát động và tổ chức triển khai có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước của ngành thanh tra gắn với thực hiện các nhiệm vụ chính trị được giao; thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, chú trọng kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài, công tâm, đánh giá đúng bản chất vụ việc khiếu nại, tố cáo để có giải pháp toàn diện trong xử lý và kiến nghị xử lý, bảo đảm quyền lợi Nhà nước, người dân, doanh nghiệp; tiếp tục hoàn thiện thể chế, thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng, chống tham nhũng, trong đó triển khai có hiệu quả Chiến lược Quốc gia về phòng, chống tham nhũng, quan tâm công tác khen thưởng, bảo vệ người tố cáo và tố giác hành vi tham nhũng.

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái phát biểu tại đại hội. Ảnh: VGP
Bên cạnh đó, chú trọng xây dựng ngành, lực lượng thanh tra trong sạch, vững mạnh. Cuối cùng, ngành thanh tra tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng theo Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 7-4-2014 của Bộ Chính trị, các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua, khen thưởng. Tổ chức thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua do Thủ tướng Chính phủ phát động như phong trào “Doanh nghiệp Việt Nam hội nhập và phát triển”; “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bỏ lại phía sau”; “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua thực hiện văn hóa công sở”; “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”…

Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, trong 5 năm qua, ngành thanh tra đã chủ động đổi mới nội dung, phương thức tổ chức các phong trào thi đua với hình thức đa dạng, phong phú; nội dung thiết thực, cụ thể, bám sát với thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành; tích cực tham gia vào việc thực hiện các phong trào thi đua do Trung ương, do Thủ tướng Chính phủ phát động.

Theo tổng kết của Thanh tra Chính phủ, trong 5 năm qua, ngành thanh tra đã triển khai 32.645 cuộc thanh tra hành chính và nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra đã phát hiện vi phạm về kinh tế hơn 417.000 tỷ đồng, 94.578 ha đất; trong đó đã kiến nghị thu hồi hơn 235.000 tỷ đồng, 8.823 ha đất; xử lý khác hơn hơn 181.000 tỷ đồng, 85.755 ha đất, kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính 9.772 tập thể, cá nhân; ban hành hơn 417.000 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền trên hơn 24.000 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra 462 vụ, 671 đối tượng
Toàn ngành đã đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 17.580 kết luận và quyết định xử lý sau thanh tra, thu hồi hơn 33.000 tỷ đồng (đạt 75%); 5.430 ha đất (81%); khởi tố 204 vụ, 145 đối tượng. 
Nhân dịp này, Thanh tra Chính phủ phát động phong trào thi đua toàn ngành thanh tra giai đoạn 2020-2025. Theo đó, các phong trào thi đua giai đoạn này sẽ bám sát thực hiện các nhiệm vụ chính trị, góp phần hoàn thành xuất sắc kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Tin cùng chuyên mục