Còn “khoảng mờ” trong điều kiện kinh doanh sản phẩm động vật

Ngày 1-11, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và Chương trình Aus4Reform tổ chức hội thảo “Rà soát, đánh giá chất lượng các quy định về điều kiện kinh doanh, kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn: Vấn đề kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật và kiến nghị chính sách”. 

Tại sự kiện, đại diện Cục Thú y (Bộ NN-PTNT) đã giới thiệu 2 dự thảo: Thông tư sửa đổi một số điều của Thông tư số 25/2016/TT-BNNPTNT ngày 30-6-2016 về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn và Thông tư sửa đổi một số điều của Thông tư 26/2016/TT-BNNPTNT ngày 30-6-2016 về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản. 

Phát biểu tại hội thảo, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp châu Âu (EuroCham) ghi nhận, dự thảo sửa đổi Thông tư 25/2016/TT-BNNPTNT đã có một tiến bộ là quản lý theo rủi ro khi chia ra các mặt hàng thành 2 nhóm: nguy cơ cao và nguy cơ thấp để có tần suất kiểm tra khác nhau. Mặc dù vậy, dự thảo vẫn còn “khoảng mờ” khi sữa tươi nguyên liệu được xếp vào nhóm nguy cơ cao, nhưng lại chưa thấy có sữa bột nguyên liệu ở nhóm nào.

“Sữa đã qua chế biến” được xếp vào nhóm nguy cơ thấp nhưng không rõ là thuộc mã nào. Đại diện Hiệp hội Sữa Việt Nam cho rằng, thời gian chờ kiểm dịch hiện kéo dài tới 1 - 2 tuần, tốn kém hàng triệu ngày công, lãng phí hàng trăm tỷ đồng và ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm; đặc biệt là các mặt hàng có hạn dùng ngắn như sữa chua, sữa thanh trùng, kem…

Điều bất hợp lý là 100% lô hàng sữa và sản phẩm sữa nhập khẩu phải kiểm dịch, bất kể nhập từ đâu, đã được kiểm tra bởi nước xuất khẩu và cấp chứng nhận y tế an toàn cho người sử dụng hay chưa…

Đại diện Hiệp hội Sữa Việt Nam đề nghị làm rõ khái niệm “sản phẩm sữa”, tránh việc coi sản phẩm cà phê, bánh kẹo “chỉ có một chút sữa” cũng bị kiểm dịch khắt khe như đối với các sản phẩm tươi sống hoặc sơ chế. Tương tự, đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cũng kiến nghị cần phải có danh mục miễn kiểm tra thực phẩm… 

Tin cùng chuyên mục