Con đường lý tưởng tới phim dài đầu tay

Từ phim ngắn tới phim dài đầu tay chắc chắn không phải con đường duy nhất để hiện thực hóa giấc mơ điện ảnh. Con đường ấy không mới nhưng luôn vững chãi và là mẫu số thành công không chỉ tại thị trường điện ảnh Việt Nam.

Thưa mẹ con đi, phim dài đầu tay khá thành công của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh
Thưa mẹ con đi, phim dài đầu tay khá thành công của đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh

Nền tảng tốt

Phim truyện điện ảnh đầu tay Thưa mẹ con đi (đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh) đang nhận được nhiều phản hồi tích cực từ khán giả và giới chuyên môn. Bộ phim dù chưa đạt đến sự hoàn hảo nhưng không thể phủ nhận từng khung hình, diễn xuất, câu thoại của diễn viên… được chăm chút kỹ lưỡng, chỉn chu.

Với những người trong nghề, Minh không phải cái tên xa lạ. Trước Thưa mẹ con đi, các phim ngắn: Mùi hương nước mắm, Chung cư của tôi, Ngọn gió về đâu… của anh từng có cơ hội tham dự nhiều liên hoan phim (LHP), giải thưởng điện ảnh quốc tế lớn nhỏ. Hành trình từ phim ngắn đến phim dài đầu tay như cách Minh đang làm là “con đường lý tưởng” của nhiều nhà làm phim trẻ hiện nay. 

Chia sẻ về xu hướng này, nhà sản xuất (NSX) Trần Thị Bích Ngọc với nhiều năm kinh nghiệm tham gia các LHP, chợ dự án ở nước ngoài, nói: Hãy bắt đầu từ phim ngắn.

Còn theo ông Raymond Phathanavirangoon, Giám đốc điều hành SEAFIC (chương trình mang tính tiên phong và chuyên sâu về kịch bản và sản xuất dành cho các nhà làm phim thuộc khu vực Đông Nam Á): “Làm phim ngắn là cách để định hình phong cách, thể nghiệm thể loại. Nếu không làm sẽ không biết mình giỏi cái gì, muốn làm gì. Phim ngắn cũng là bước cơ bản cho thấy bạn có làm phim được hay không”. 

Thế hệ đạo diễn trẻ tiềm năng của điện ảnh Việt hiện nay đang có sự khởi đầu rất tốt với phim ngắn. Phạm Ngọc Lân trên hành trình chuẩn bị cho phim dài đầu tay Culi không bao giờ khóc có ít nhất 2 phim ngắn gây chú ý là Một khu đất tốtThành phố khác.

Các phim ngắn: Nhìn sẽ thấy, Chìa khóa cuộc đời, Sự sống, Chuyện ba người, Đường bi, 16:30… là những bước đầu cho Trần Dũng Thanh Huy trước khi thực hiện phim dài Thằng Ròm. Nhiều đạo diễn tên  tuổi của điện ảnh Việt hiện nay như: Bùi Thạc Chuyên, Nguyễn Quang Dũng, Phan Đăng Di, Vũ Ngọc Đãng, Nguyễn Hoàng Điệp… đều có nền tảng vững chắc là các phim ngắn. 

Theo nữ đạo diễn trẻ Dương Diệu Linh: “Phim ngắn giống như phép thử. Nó giúp quá trình làm phim dài ít rủi ro hơn, bởi những gì không thực hiện được ở phim ngắn sẽ được khắc phục trong dự án phim dài”.

Kinh nghiệm xin quỹ nước ngoài

Hiện nay, khi quỹ phát triển điện ảnh Việt Nam vẫn còn nằm trên giấy, thì các nhà làm phim độc lập để hiện thực hóa ước mơ phim dài đầu tay thường chọn con đường đi xin tài trợ từ các quỹ nước ngoài.

Có thể kể tên những quỹ điện ảnh phổ biến: World Cinema Fund, Hubert Bals Fund, Doha Film Institute Grants…  hay quỹ điện ảnh, giải thưởng của các LHP quốc tế, như trường hợp các nhà làm phim Việt Nam vừa nhận được tại LHP Lorcano. Ngay như SEAFIC, mỗi năm sẽ mời các nhà làm phim trẻ được làm việc với một tư vấn viên kịch bản và nhiều chuyên gia quốc tế khác để phát triển dự án cá nhân trong khóa học kéo dài 8 tháng.

Từ kinh nghiệm vận hành SEAFIC, ông Raymond cho biết, hiện nay việc đi xin tiền từ các quỹ làm phim nước ngoài vừa thuận lợi, vừa khó khăn. Khó khăn vì có quá nhiều nhà làm phim trẻ đến từ khắp nơi trên thế giới đều đi xin tiền làm phim, trong khi các quỹ hầu hết chỉ hỗ trợ kinh phí cho các dự án phim đầu tay, phim thứ 2 và số ít đến phim thứ 3. Một trong những thuận lợi rất lớn nếu xin tài trợ thành công đó là cơ hội được làm việc với các ê kíp nước ngoài để tăng trải nghiệm, học hỏi…

Theo các nhà làm phim dày dặn kinh nghiệm như Trần Bích Ngọc, Raymond hay nhà làm phim trẻ như Diệu Linh, có phim ngắn dự thi quốc tế là thuận lợi lớn trong quá trình xin kinh phí làm phim đầu tay.

“Phải có phim ngắn, dự án phim dài mới đủ sức mạnh, tiềm năng để đến được các quỹ điện ảnh. Mọi người nhìn vào hồ sơ dự án và quan tâm phim trước của bạn. Nhiều khi họ xem phim đó trước khi đọc hồ sơ”, chị Bích Ngọc khẳng định.

Xin kinh phí từ các quỹ điện ảnh nước ngoài, nói như NSX Bích Ngọc, “là một quá trình chông gai với nhiều quy định ràng buộc khá là phức tạp”. Ngoài việc có dự án tốt, các quỹ hay nhà đầu tư đặc biệt nhìn vào ai sẽ là đạo diễn bộ phim ấy. Bên cạnh đó, kỹ năng giao tiếp rất quan trọng, vì nếu có ý tưởng hay trong đầu nhưng nếu không biết cách trình bày sẽ rất uổng phí. Ông Raymond chia sẻ, hãy đi xin tiền từ các quỹ, LHP quy mô lớn trước, nếu không thành công, hãy đến với quỹ và LHP có cấp độ nhỏ hơn.

Tin cùng chuyên mục