Cồn Chim kể “tội” cồng cộc

Dân làng ở xóm cồn Chim trước nay vẫn sống hòa thuận với bầy chim trời cả vạn con ở khu rừng ngập mặn giữa đầm Thị Nại (tỉnh Bình Định). Cho đến một ngày, khu rừng ngập mặn xuất hiện loài chim có tên là cồng cộc (họ chim cốc) kéo đến ngày một đông, ngang nhiên cướp tôm, cá nuôi trong đầm khiến dân xóm cồn Chim nhiều phen khốn đốn…
Cồng cộc là loài chim có giá trị về khoa học và du lịch
Cồng cộc là loài chim có giá trị về khoa học và du lịch

“Chim tặc”

Đầm Thị Nại rộng 5.000ha, với hệ thống rừng ngập mặn lên đến 1.000ha. Giữa đầm có 3 cồn nổi, tên gọi lần lượt là cồn Chim, cồn Trạng, cồn Giá (gọi chung là khu sinh thái cồn Chim, diện tích 480ha), nơi đây được mệnh danh là “ốc đảo xanh” của Bình Định. Tại cồn Chim (xã Phước Sơn, huyện Tuy Phước, Bình Định) hiện có xóm vạn chài với chừng 100 nóc nhà (1.000 nhân khẩu), chuyên nghề chài lưới và nuôi thủy hải sản bán tự nhiên.

Theo các lão ngư ở cồn Chim, hơn trăm năm trước, dân làng cồn Chim là những người đã phục dựng khu rừng ngập mặn giữa đầm Thị Nại. Làng gây rừng, rừng lớn mạnh rồi quay lại che chở làng. Rừng còn mang về cho dân làng hàng trăm loài chim trời đủ màu sắc, chủng loại. Xưa nay, dân làng vẫn sống cộng sinh, bình đẳng với chim trời. Cho đến một ngày, trên vùng đầm xuất hiện loài “thủy điểu” có tên gọi cồng cộc (hay còng cọc, chim cốc).

Lão ngư Phạm Đình Lương (52 tuổi, xóm cồn Chim) kể rõ nguồn cơn chim cồng cộc xuất hiện từ những năm 2009 - 2010. Chim nặng khoảng 4 lạng đến vài ký, chúng lặn bắt tôm, cá rất giỏi và ăn tạp. Mỗi năm, cồng cộc còn gọi thêm đồng loại lên đến hàng ngàn con, kéo nhau về đầm Thị Nại trú ẩn, kiếm ăn. “Ổng (cách gọi húy kỵ của người dân đối với cồng cộc - PV) đến ngày một đông, tấn công các hồ tôm, cá của dân làng thả nuôi giữa đầm. Ban đầu, mấy ổng ăn không bao nhiêu nên thấy bình thường, nhưng càng về sau, đầm tôm, cá càng hao hụt ghê gớm. Vụ tôm thất bát, chủ nuôi tức tối nhưng đành chịu”, ông Lương kể tội chim cồng cộc.

Ngồi bên, lão ngư Trần Văn Nam (50 tuổi) nói bồi thêm: “Ban đầu, ổng về chừng 5 cặp, qua năm sau đã lên tới 50 cặp, rồi cứ thế tăng theo cấp số nhân. Mấy ổng ngang nhiên ăn tham lắm. Bây giờ, mấy chủ hồ nuôi tôm, cá ở vùng này phải khóc ròng vì mấy ổng sống ở trên trời cũng được, chui rúc trong rừng cũng tài, còn ở dưới nước càng tài hơn”.

Ở cuối xóm cồn Chim, bà Nguyễn Thị Nông (68 tuổi) than thở, vợ chồng đã già, được nhà nước cấp cho phần diện tích mặt nước, vừa để trồng cây gây rừng vừa làm hồ nuôi tôm sú, cá bớp bán tự nhiên. Mấy hôm rày, chồng đổ bệnh, bà Nông phải vừa chăm sóc chồng vừa canh đuổi cồng cộc ở hồ nuôi tôm, cá nên rất bức xúc. “5 năm trở lại đây mấy ổng phá dữ quá, lặn rất tài, ăn tôm không biết chán. Tôm nuôi vừa lớn chừng ngón tay cái thì mấy ổng ăn hết, đuổi mấy cũng không đi”, bà Nông than thở.

Hết nhóm người này đến nhóm người khác, cứ nhắc đến chim cồng cộc lại vò tai bứt tóc. Lúc đầu, dân nuôi tôm, cá gọi loài chim này là “ổng”, “ngài”, “binh chủng”, “lính bay”… Về sau, thì đổi cách gọi là “lũ chim”, “sắp quỷ”, “chúng nó”… vì bị phá quá! Có người hiến kế dùng lon bia và dây cước để kéo, giật đuổi cồng cộc, nhưng được dăm hôm, nửa tháng thì cồng cộc quen dần và đổ ào đến hồ mặc sức xơi tôm, cá…

Thất bại, dân làng chuyển sang dùng lưới đánh cá giăng khắp hồ để bẫy cồng cộc. Nhiều người bỏ ra bộn tiền sắm lưới, nhưng rốt cuộc cũng bị cồng cộc hóa giải. Cứ thế, dù chủ tôm bày “trăm phương, ngàn kế”, nhưng “giặc” cồng cộc vẫn không giảm, ngược lại càng đông hơn.

Chưa hết, có chủ tôm còn lên phố mua pháo lậu về đốt, đuổi cồng cộc. Đốt đùng… đùng… đùng…, tiền triệu đi tong, còn cồng cộc thì biến dạng vài hôm thì “ngựa quen đường cũ”. Nhấp vội ly trà chát, lão ngư Phạm Đình Lương lắc đầu: “Cách gì cũng chịu thua mấy ổng. Hết cách, chủ nuôi đành chấp nhận thả tôm giống gấp đôi số lượng để chừa phần cho mấy ổng”.

Kho báu sinh thái

Theo quan sát của người dân cồn Chim, cồng cộc là loài chim di cư theo mùa, thường đẻ trứng ở các hòn đảo, bãi cát, bãi cỏ ven biển. Mùa mưa, từ tháng 10 đến tháng 12, cồng cộc biệt tích không thấy về cồn Chim. Loài chim này có tên tiếng Anh là “cormorant”, nghĩa bóng là “kẻ tham lam”, khoảng 40 chi. Đây là loài chim nước (cùng hệ bồ nông), chân có màng, cổ có túi lớn để chứa mồi khi bắt được. Cồng cộc sống hầu hết ở mọi địa phận trên thế giới, cả nước mặn lẫn nước ngọt, trừ Bắc cực và Nam cực.

Trong khi dân làng cồn Chim tìm cách xua đuổi cồng cộc thì ở một số nước ở khu vực Đông Bắc Á, cồng cộc lại là loài “chim vàng”, được người dân miền sông nước sử dụng để săn cá.

Nhiếp ảnh gia tự do Huỳnh Văn Ba (từng sống tại Nhật Bản) - người đã có nhiều nghiên cứu, bài viết về loài chim cốc (hay cồng cộc) ở châu Á (website ExRyu), cho biết: “Ở các nước Đông Bắc Á, họ luyện chim cốc để đi săn cá rất hiệu quả, cá bắt được còn sống và rất tươi. Tại Nhật Bản, Trung Quốc, nghề đánh bắt cá bằng chim cốc đã có từ 1.300 năm trước. Bây giờ, chim cốc đã trở thành “vai chính” đối với ngành du lịch ở các nước này. Người ta luôn biết cách bảo vệ, đào tạo chúng phục vụ cho ngành kinh tế xanh. Ở Việt Nam, tại khu vực miền Tây, miền Trung có rất nhiều chim cốc và loài chim cùng hệ cốc. Tuy nhiên, người dân thường xuyên tìm nhiều cách để đuổi còng cọc do bản năng tham ăn. Nếu bảo tồn được loài chim này, định hướng về những “tour dã sinh” cho ngành du lịch trong tương lai thì rất thú vị và ý nghĩa”.

Còn TS Nguyễn Thị Tố Trân, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bình Định, ví rằng khu sinh thái cồn Chim như một “kho bách khoa toàn thư” về hệ rừng ngập mặn. Ở đó, hệ sinh thái đa dạng, phong phú, rất có tiềm năng về du lịch. Cồn Chim còn là nơi trú ngụ của quần thể các loài chim, cò đặc hữu và các loại chim trú theo mùa, chim rừng (gần 100 loài); khoảng 140 loài cá, phù du… Tuy nhiên, khu rừng đó vẫn đang bị “bỏ quên”. Về lâu dài, cần định hướng phát triển cồn Chim như một khu bảo tồn sinh thái Cần Giờ (TPHCM) thu nhỏ. Ngoài ra, chúng ta nên kết hợp giữa du lịch và các “tour dã sinh” để sinh viên, học sinh đến học tập, nghiên cứu, khám phá…

Hiện tỉnh Bình Định vẫn chưa có chính sách bảo tồn tốt nhất cho quần thể chim trời ở khu sinh thái cồn Chim. Đàn chim vẫn đứng trước nguy cơ bị săn bắt. TS Tố Trân cũng thừa nhận: “Bây giờ, địa phương chỉ có thể quy hoạch vùng, tạo nguồn thức ăn trong vùng này để có chỗ cho chim về trú thôi. Muốn có chính sách tốt hơn thì vượt tầm của địa phương. Chỉ khi vây đàn chim lại, tạo vườn như ở các tỉnh miền Tây thì mới có thể bảo vệ, bảo tồn tốt hơn…”.

Tin cùng chuyên mục