Tranh chấp sau ly hôn

Con cái bị tổn thương, thiệt thòi nhiều hơn

Việc thực thi các bản án ly hôn gặp nhiều trở ngại, khó khăn do người bị thi hành án chây ỳ, không tự giác thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng tiền nuôi con như tòa đã tuyên...
Sau ly hôn, nhiều hệ lụy phát sinh như chây lỳ không thực hiện nghĩa vụ chu cấp tiền nuôi dưỡng, tranh chấp quyền nuôi con, hạn chế quyền giám hộ… Rơi vào tình cảnh này, những đứa trẻ đã bị tổn thương vì cha mẹ ly tán càng thiệt thòi, đau khổ hơn.
Phớt lờ trách nhiệm
Do mâu thuẫn kéo dài và anh T. đã có người tình mới, chị H. (quê ở TP Nha Trang) quyết định làm đơn ly hôn sau hơn 10 năm chung sống. Theo bản án sơ thẩm, tòa tuyên chị H. được quyền nuôi con, tài sản hiện có chia đôi và anh T. phải trả số tiền cả hai người vay ngân hàng mua nhà là 500 triệu đồng. Ngoài ra, mỗi tháng anh T. phải chu cấp nuôi dưỡng 3 triệu đồng để chị H. nuôi hai con trai 10 tuổi và 12 tuổi đến 18 tuổi. Thế nhưng chỉ được năm đầu anh T. còn nhớ đến nghĩa vụ làm cha, sau đó thì trốn biệt theo quê vợ mới ở tận ngoài Bắc, để lại gánh nặng nợ nần mua nhà cho vợ cũ gánh.
Dù chị H. tìm mọi cách đòi tiền nuôi con và cầu cứu cơ quan thi hành án dân sự địa phương can thiệp để đòi khoản tiền trả nợ ngân hàng nhưng vô vọng. Một trường hợp khác, do mâu thuẫn trầm trọng và muốn ly hôn nhanh nên cả hai vợ chồng đồng ý tự chia tài sản theo thỏa thuận. Mỗi người nuôi một đứa con. Tuy nhiên, sau ly hôn vì thù hằn, căm ghét vợ cũ nên người chồng nhất quyết không chịu ký đơn bán nhà và chia tài sản chung theo thỏa thuận. Vì thế, người vợ phải đi thuê nhà và sống trong điều kiện khó khăn cùng cực, dù họ từng chung sức làm ăn, tích lũy mua được 3 căn nhà.
Con cái bị tổn thương, thiệt thòi nhiều hơn ảnh 1 Từ 1-6-2017, Luật Trẻ em có hiệu lực, quyền trẻ em sẽ được bảo vệ tốt hơn
Dù đã ly hôn gần 15 năm và con cái đã trưởng thành, có gia đình riêng nhưng chị V. không thể tha thứ cho người chồng bạc tình, bạc nghĩa, sống ích kỷ, không hề có trách nhiệm đóng góp nuôi con chung. Với đồng lương ít ỏi làm giáo viên tiểu học, chị không thể nuôi nổi 2 con một trai, một gái. Vậy mà chồng cũ của chị cố giành căn nhà duy nhất do cha mẹ cho, đẩy 3 mẹ con chị vào cảnh không nhà, phải tá túc nhà người quen. Không những thế, anh ta chỉ chăm lo cho gia đình mới, con riêng chứ không hề chấp hành bản án sau ly hôn chu cấp nuôi con 1 triệu đồng/tháng. 
Còn trường hợp của chị Th. thì khác, do làm công việc khá đặc biệt, phải đi làm xa, kể cả đi nước ngoài thường xuyên nên khi ly hôn, tòa phán xử chồng chị được nuôi cô con gái 5 tuổi. Vì thương con, chị chấp nhận chuyển sang công việc hành chính làm tại chỗ, thay vì phải đi xa. Để đảm bảo điều kiện nuôi con tốt nhất, chị Th. đã mua nhà đàng hoàng. Thế nhưng, vì tính ích kỷ, nhỏ nhen, chồng chị viện đủ lý do không chịu giao con cho chị nuôi và mỗi lần gặp con, nước mắt của hai mẹ con lại tuôn dài.
Ngoài ra, theo một số luật sư, chuyên gia pháp luật thì còn rất nhiều câu chuyện đau lòng xảy ra hậu ly hôn đã khiến những đứa trẻ bị tước đi cơ hội sống tốt hơn, học hành tốt hơn. Nguyên nhân bắt nguồn từ sự ích kỷ, đố kỵ của người lớn, thiếu sẻ chia, nghĩ tới quyền lợi của con cái. Cụ thể luật quy định, muốn đưa con đi nước ngoài học tập hay sinh sống phải có sự đồng ý của cha hoặc mẹ. Đây là quy định cứng nhắc, chưa phù hợp với thực tế nhưng dù nhận đơn cầu cứu của đương sự, các cơ quan bảo vệ pháp luật cũng không thể can thiệp giải quyết. Đã có quyền chăm sóc thay thế.
Để án ly hôn có hiệu lực
Theo một số chấp hành viên của các cơ quan thi hành án dân sự, việc thực thi các bản án ly hôn gặp nhiều trở ngại, khó khăn do người bị thi hành án chây ỳ, không tự giác thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng tiền nuôi con như tòa đã tuyên. Thậm chí, nhiều vụ việc, người cha còn tẩu tán tài sản chung trước khi bản án có hiệu lực khiến cho việc thi hành án càng chậm, thậm chí bế tắc. Điểm vướng mắc chung trong thi hành án ly hôn là khi xét xử tòa đã không xem xét cụ thể về phân chia đất đai, nhà cửa, xác định giá trị tài sản để quyết định khoản cấp dưỡng hàng tháng mang tính khả thi. Theo nhiều chuyên gia pháp luật, về khoản cấp dưỡng hàng tháng, tòa chỉ nghe trình bày của một bên đương sự mà thiếu xác minh,  thẩm định điều kiện của người có nghĩa vụ cấp dưỡng nên tuyên án không phù hợp với thực tế. Điều này dẫn đến tranh chấp sau ly hôn về phân chia tài sản, trợ cấp nuôi con, kể cả giành quyền nuôi con… kéo dài, ảnh hưởng đến quyền lợi của các bên, nhất là con cái. 
Tuy nhiên, theo luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi Hội trưởng Chi hội luật sư Hội bảo vệ quyền trẻ em thì từ ngày 1-6-2017, Luật Trẻ em có hiệu lực thì quyền trẻ em gồm các quyền sống còn, quyền phát triển, tham gia các hoạt động… được bảo vệ tốt hơn. Trong đó, ngoài bổ sung quyền chăm sóc thay thế, nghĩa là nếu cha mẹ không có điều kiện chăm sóc trẻ thì người thân, các tổ chức xã hội sẽ đảm trách. Hơn nữa, luật này còn quy định rõ ràng về trách nhiệm trợ cấp nuôi con và cha mẹ phải chứng minh để lại tài sản đảm bảo nuôi con trưởng thành thì mới được tòa giải quyết cho ly hôn.

Tin cùng chuyên mục