“Cơn bão” truyền hình internet

Truyền hình truyền thống đang đứng trước nhiều áp lực cạnh tranh trong bối cảnh mạng xã hội và internet phát triển như vũ bão. Làm sao để thích nghi, sống sót và khẳng định chỗ đứng là bài toán cần lời giải thỏa đáng.    
Hai Phượng sau khi lên Netflix 10 tiếng đã lọt tốp thịnh hành
Hai Phượng sau khi lên Netflix 10 tiếng đã lọt tốp thịnh hành

Những tồn tại

“OTT (Over the top - truyền hình internet) là đối thủ và “cơn ác mộng” của truyền hình truyền thống với nền tảng kỹ thuật số toàn cầu”, chia sẻ của ông Hoàng Nguyên Vân - CEO SAVIS Group, tại hội thảo “Sự dịch chuyển của lĩnh vực phát thanh và truyền hình trong kỷ nguyên số”. Việc số hóa trên internet hiện nay đang diễn ra rộng khắp, toàn diện và đặt ra nhiều yêu cầu, thách thức. Tại Việt Nam, xu hướng này rất rõ rệt tại 2 thành phố lớn là Hà Nội, TPHCM. 

Theo ông Vũ Tú Thành, Phó Giám đốc điều hành khu vực hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, để phân loại nội dung nghe nhìn trực tuyến có 3 loại: OCC (Online Curated Content - dịch vụ cung cấp nội dung nghe nhìn chuyên nghiệp trên internet); Social media platforms (các nền tảng truyền thông trực tuyến miễn phí: Facebook, YouTube, Tiktok…); các dịch vụ vi phạm bản quyền… Bản chất của OCC chính là một nền tảng thương mại điện tử, nội dung dễ dàng được phân phối trên toàn cầu và đang có xu hướng sáp nhập của các đại gia viễn thông và truyền thông.

Cũng theo ông Vũ Tú Thành, hiện nay tại Việt Nam có 2 vấn đề nổi bật trong bối cảnh chuyển đổi số và sự phát triển của OTT. Thứ nhất, liên quan đến việc quản lý, kiểm soát các nội dung trên OTT cũng như các đơn vị kinh doanh, trong các mục tiêu quản lý nội dung nghe nhìn trực tuyến hiện nay, luôn cần đảm bảo sự kiểm soát của chính phủ đối với mọi loại hình truyền thông; các nhà cung cấp dịch vụ phải đóng các loại thuế, phí phù hợp. Về mặt nội dung, ông Vũ Tú Thành nhấn mạnh: “Phải đáp ứng các tiêu chuẩn về đạo đức, thuần phong mỹ tục, chính trị (mức độ nhạy cảm), hài hòa xã hội (không gây chia rẽ, cổ xúy bạo lực, vi phạm pháp luật…).  

Trong khi đó, theo TS Lê Quốc Cường, Phó Giám đốc Sở TT-TT TPHCM, hiện nay quản lý về hạ tầng và nội dung với các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trong nước (đài phát thanh truyền hình, doanh nghiệp truyền dẫn) là chặt chẽ, trong khi với các đơn vị cung cấp dịch vụ xuyên biên giới (Facebook, YouTube…) khá hạn chế. Về mặt tài chính, truyền hình truyền thống có nghĩa vụ tài chính tại Việt Nam được kiểm soát chặt; còn người dùng, chủ kênh, mạng xã hội (MXH), dịch vụ OTT chưa có nghĩa vụ tài chính tại Việt Nam nên kiểm soát hạn chế.

Ông Lê Quốc Cường cho rằng, hiện chưa có sự bình đẳng về hạ tầng truyền dẫn giữa doanh nghiệp trong và ngoài nước; chưa kiểm soát chặt về nội dung trên MXH; chưa đảm bảo nghĩa vụ tài chính của các chủ thể tham gia hoạt động truyền hình; chưa kiểm soát chặt về sở hữu trí tuệ, bản quyền nội dung, chương trình.  

Về giải pháp, ông Lê Quốc Cường kiến nghị, phải cụ thể hóa việc quản lý doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới cho người dùng tại Việt Nam (Luật An ninh mạng quy định đặt hệ thống quản lý người dùng tại Việt Nam); cụ thể hóa việc kiểm soát giao dịch tài chính giữa chủ MXH, OTT với chủ kênh chương trình; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm bản quyền, vi phạm nội dung trên không gian mạng.

Vấn đề thứ hai là tình trạng vi phạm bản quyền. Vụ việc giữa POPS và Truyền hình FPT thời gian qua là bằng chứng điển hình. Câu chuyện vi phạm không mới nhưng vẫn là vấn đề nóng hổi bởi nó diễn ra ngày càng rộng khắp, quy mô và mức độ ảnh hưởng tăng lên. Nếu như những năm trước đây, việc vi phạm chủ yếu xảy ra trên các trang web lậu, nay đã có nhiều biến tướng, tinh vi hơn. Ông Vũ Tú Thành khẳng định, trong 3 nội dung nghe nhìn trực tuyến, các dịch vụ vi phạm bản quyền là khó kiểm soát nhất. 

Nội dung là kết nối

Câu hỏi đặt ra là làm sao để các đơn vị truyền hình truyền thống hay các nền tảng OTT, VOD (video on demand - xem phim theo yêu cầu) tại Việt Nam có thể tồn tại và phát triển là vấn đề nhức nhối. Ông Nguyễn Hồng Tuấn, Thường trực Ban chỉ đạo số hóa truyền hình, cho rằng trong bối cảnh cạnh tranh để tồn tại, chia sẻ thị phần như hiện nay, nội dung vẫn là “vua”. Luận điểm này không chỉ đúng với các đơn vị sản xuất trong nước mà ngay cả với các đài truyền hình lớn trong khu vực và trên thế giới. 

Ông Akarat Nitibhon, người sáng lập Mushroom TV (Thái Lan), đã nêu ra bài học, từ một đơn vị sản xuất các chương trình truyền hình truyền thống, Mushroom buộc phải chuyển sang thích nghi với nền tảng số, MXH. Bằng chứng là Young Self Made Millionaire - một chương trình về những doanh nhân trẻ thành công tại Thái Lan. Không đơn thuần chỉ kể lại những câu chuyện thành công, chương trình xây dựng nhân vật như những hình mẫu truyền cảm hứng, lan tỏa thành hiệu ứng trên MXH. Sau đó, là hàng loạt các sự kiện cộng đồng, chương trình đào tạo được tổ chức trên khắp Thái Lan và cả nước ngoài, thu hút hàng trăm ngàn người tham gia, mang về doanh thu hàng triệu USD.  

Một bài học thành công khác cũng bắt nguồn từ việc xây dựng nội dung chất lượng và đổi mới phương thức tiếp cận thông tin là “Sự cân bằng hoàn hảo” - chương trình với nhân vật chính là các kiến trúc sư  (12 tập phim tài liệu, 12 tập live talk - trò chuyện trực tiếp). Theo ông Nguyễn Đăng Bền, đại diện đơn vị sản xuất, điều quan trọng đầu tiên là phải xác định đúng đối tượng công chúng mục tiêu, thấu hiểu họ và xây dựng nội dung đem lại giá trị, sự kết nối. “Điều quan trọng nhất làm sao kích thích công chúng muốn kể câu chuyện của họ”, ông nhấn mạnh. 

Hiện nay, các chương trình truyền hình đang học cách thích nghi trong môi trường số. Nhà báo Diễm Quỳnh - Trưởng ban Thanh thiếu niên VTV6, lấy ví dụ về “Cất cánh”, một chương trình truyền hình dựa trên sự tương tác với khán giả trên MXH. Những “Sasuke - Không giới hạn”, “Bữa trưa vui vẻ”… cũng đang đi theo mô hình này. Rõ ràng, ngày nay công chúng có thể tương tác đa chiều và được đáp ứng nhu cầu. Thậm chí, khán giả có thể tham gia vào quá trình sản xuất và đóng góp ý tưởng cho nhà sản xuất.

Tin cùng chuyên mục