Còn 2 phương án về hệ thống tổ chức của cảnh sát cơ động

“Sau khi tiếp thu ý kiến góp ý của ĐBQH, UBTVQH, hiện vấn đề hệ thống tổ chức của cảnh sát cơ động (CSCĐ) tại Điều 13 dự thảo Luật còn có ý kiến khác nhau. Chính phủ xây dựng 2 phương án trình Quốc hội xem xét cho ý kiến”, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm

Dự án Luật CSCĐ đã được trình Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp chiều 21-10.

Theo tờ trình của Chính phủ được Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày, thời gian qua, Quốc hội đã ban hành nhiều luật chuyên ngành, trong đó có những quy định liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của CSCĐ như: Luật Công an nhân dân, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, Luật Phòng, chống khủng bố, Luật Hàng không dân dụng... nhưng mới dừng lại ở các nguyên tắc chung, đòi hỏi phải xây dựng những quy định cụ thể nhằm đảm bảo hành lang pháp lý để CSCĐ hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; đồng thời, khắc phục những hạn chế, bất cập của Pháp lệnh CSCĐ sau 7 năm triển khai thi hành.

Dự thảo Luật gồm 5 chương, 32 điều, nội dung cơ bản được xây dựng trên cơ sở bám sát các giải pháp của 4 chính sách đã được Quốc hội, Chính phủ thông qua; kế thừa các quy định còn phù hợp của Pháp lệnh CSCĐ năm 2013. Bên cạnh đó, bổ sung những quy định mới phù hợp với yêu cầu thực tiễn hoạt động của CSCĐ.

“Sau khi tiếp thu ý kiến góp ý của ĐBQH, UBTVQH, hiện vấn đề hệ thống tổ chức của CSCĐ tại Điều 13 dự thảo Luật còn có ý kiến khác nhau. Chính phủ xây dựng 2 phương án trình Quốc hội xem xét cho ý kiến”, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết.

Theo đó, phương án 1 chỉ quy định mang tính nguyên tắc về hệ thống tổ chức của CSCĐ gồm Bộ Tư lệnh CSCĐ và CSCĐ Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và giao Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết về hệ thống tổ chức của CSCĐ để đảm bảo thống nhất với quy định của Luật Công an nhân dân năm 2018.

Phương án 2, tiếp thu ý kiến kết luận của  UBTVQH, bổ sung quy định về cơ cấu các lực lượng thuộc CSCĐ gồm 6 lực lượng. Trong đó, 4 lực lượng (lực lượng tác chiến đặc biệt, lực lượng đặc nhiệm, lực lượng bảo vệ mục tiêu, lực lượng huấn luyện, sử dụng động vật nghiệp vụ) được kế thừa quy định tại Điều 8 Pháp lệnh CSCĐ năm 2013; bổ sung 02 lực lượng (lực lượng sử dụng tàu bay, tàu thủy và lực lượng CSCĐ dự bị chiến đấu) hiện nay đã được thành lập theo chủ trương của Bộ Chính trị, các Đề án, dự án của Chính phủ và Bộ Công an nhằm đáp ứng yêu cầu đảm bảo an ninh, trật tự trong tình hình mới. Đồng thời giao Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết về hệ thống tổ chức của CSCĐ để đảm bảo thống nhất với quy định của Luật Công an nhân năm 2018.

Tin cùng chuyên mục