Cơm cháy chan mỡ hành

… Là tôi muốn nhắc lại cái thời khá lâu rồi, lúc mà món rau tập tàng (rau thập cẩm) luộc chấm kho quẹt chưa “lên ngôi” ở các quán ăn, quán nhậu như bây giờ. 

Hồi khoảng những năm đầu của thập niên 80, cách đây hơn 30 năm, cái thời tem phiếu còn hiện hữu. Đa phần các hộ gia đình ở nông thôn đều khó khăn và chật vật như nhau, mỗi năm chỉ một vụ lúa, lại thất bát triền miên. Gia đình tôi cũng nằm trong số khó khăn chung đó. 

Để có đủ cái ăn cho cả gia đình qua mùa giáp hạt, là sự nhọc nhằn của đấng sinh thành. Trở về sau thời gian bị thương nặng trong kháng chiến chống Mỹ ở tuyến Lộ Vòng Cung (Cần Thơ), với tỷ lệ thương tật trên 61%, cố gắng vượt qua những cơn đau do di chứng để lại, cha tôi suốt ngày quần quật ngoài đồng. Để phụ cha tôi lo cho 4 anh em tôi đang tuổi ăn tuổi lớn, mẹ tôi vừa bán tạp hóa nhỏ, vừa may vá thêu thùa cho các mẹ, các chị ở những hộ gia đình xung quanh. Nhưng việc may vá này cũng không nhiều, vì vải vóc thời điểm đó đều mua theo nhân khẩu từng hộ gia đình thời tem phiếu. 

Vì vậy, ngoài 2 bữa cơm chính, mẹ tôi thường “trở bữa” bằng các món ăn lặt vặt làm từ gạo nếp, gạo tẻ ngâm xay để nấu chè trôi nước, hay chiên bánh cam, bánh còng; hoặc chuối xiêm của vườn nhà chín rục, mẹ xay bột gạo làm bánh chuối hấp, sốt kèm là nước cốt dừa béo ngậy, thơm ngon mãi đến tận bây giờ. 

Trong số các món ăn vặt hồi đó, anh em tôi mê nhất là món cơm cháy chan mỡ hành. Thường mẹ tôi tranh thủ làm trong lúc “lùa” anh em tôi lên giường ngủ trưa, để tay chân bọn tôi không táy máy hoặc ăn vụng. Nhưng hồi đó muốn có món cơm cháy chan mỡ hành là cả một vấn đề lớn. Nói thật, chỉ tóp mỡ chan nước mắm thôi, mà bọn trẻ con nông thôn tụi tôi hồi đó đã thèm đến “chảy nước miếng”, nói chi đến món “sang trọng” hơn là cơm cháy chan mỡ hành. 

Để có được thịt mỡ, chỉ dịp cha mẹ tôi đi chợ huyện, hoặc láng giềng nuôi heo mà “chú ủn” nào buồn buồn, hay chân yếu thì mới xẻ thịt và “mời” những gia đình cùng thôn xóm đến “chia” về ăn tiếp. Trong một năm thì chuyện những chú heo “không may” đâu phải thường xuyên, và 9km từ nhà tôi đến chợ huyện thật sự là khoảng cách… cực kỳ xa đối với xuồng chèo.

Muốn có món cơm cháy chan mỡ hành ngon, là một sự tỉ mỉ đến kỳ công của mẹ. Sau khi đã “lùa” bọn tôi vào giấc trưa, mẹ vo gạo tẻ nấu cơm bằng lò củi, canh lửa đều, cháy tốt. Khi gạo sôi, vớt lên không còn đục, mẹ tôi chắt nước, cời than thật đều dưới đáy nồi. Mẹ gắp than để lên trên nắp nồi, đến khi lớp cơm cháy dưới đáy nồi đã vàng (theo cảm nhận của mẹ), thì mẹ trở nồi ngược lại, để phần nắp vung xuống phía dưới cho hơi than bén thêm chút nữa. Đến khi cơm đã thật sự chín, có được 2 lớp cơm cháy vàng đều trên và dưới, lúc này mẹ tôi xới cơm trắng ra một nồi khác, còn lại 2 lớp cơm cháy. Mẹ thắng cho ra hết mỡ và giòn tóp mỡ thì vớt tóp mỡ ra, cho xíu muối bọt hoặc muối hột đã đâm nhuyễn vào, cho hành lá đã xắt mịn lên, nhắc chảo mỡ hành xuống và thoa lên 2 lớp cơm cháy đã bày sẵn trên hai cái đĩa lớn. 

Khi mọi việc đã xong, mẹ mới đánh thức chúng tôi dậy thưởng thức. Cái món cơm cháy chan mỡ hành thơm ngon, giòn rụm mà ấu thơ tôi thi thoảng mới được ăn, hôm nay nhắc lại, tôi vẫn còn nghe thơm lừng mùi mỡ hành được thắng từ con heo cỏ buồn buồn hoặc “sụm” chân, nuôi ở quê ngày đó.

Tin cùng chuyên mục