“Cởi trói” quy định cách ly, thay đổi chiến lược điều trị

Đợt dịch lần thứ 4 bùng phát được coi là nghiêm trọng nhất từ trước đến nay, sau gần 4 tháng, số ca mắc tại TPHCM đã lên đến hơn 140.000 người và dự báo còn tiếp tục tăng trong những ngày tới. Trải qua 4 đợt dịch, vẫn với phương châm “chống dịch như chống giặc” nhưng cách thức thực hiện đã có nhiều thay đổi. Nhiều quy định mới trong cách ly, điều trị được “nâng cấp” trong tình hình mới với mục tiêu ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh đang lan rộng trên địa bàn; giảm tỷ lệ tử vong và đảm bảo mọi người bệnh đều được tiếp cận y tế khi cần thiết.

Nếu như trước kia, tất cả trường hợp mắc, nghi mắc Covid-19 đều được đưa cách ly điều trị tại các khu cách ly y tế tập trung, bệnh viện điều trị Covid-19 thì mới đây, Bộ Y tế đã “nới lỏng” các quy định, phân tầng điều trị theo 3 tầng, trong đó, tầng 1 điều trị F0 không có triệu chứng, triệu chứng nhẹ tại bệnh viện dã chiến hoặc tại nhà. Bộ Y tế sẽ cấp các “túi thuốc an sinh” cho các gia đình tại vùng dịch và tăng cường tư vấn cho gia đình có F0 điều trị tại nhà để hạn chế tối đa tình trạng lây nhiễm chéo với phương châm mỗi gia đình là một “home-care” - phòng y tế. Tầng điều trị thứ 2 là các cơ sở y tế từ tuyến huyện trở lên, điều trị các bệnh nhân có triệu chứng trung bình và phải có đủ oxy, thuốc kháng đông và kháng viêm. Tầng 3 là tầng điều trị hồi sức tích cực. Từ thực tiễn mô hình điều trị 3 tầng của Bộ Y tế, TPHCM đã áp dụng linh hoạt việc phân tầng điều trị phù hợp với diễn biến của dịch bệnh hiện nay; bố trí bệnh nhân theo mức độ nhẹ, trung bình và nặng nhằm tập trung được các nguồn lực về y tế, trang thiết bị đáp ứng được nhu cầu của bệnh nhân một cách phù hợp tại các tầng. 

Bên cạnh việc tiếp tục giảm ca F0, nhiệm vụ quan trọng nhất được lãnh đạo TPHCM xác định là tập trung nâng cao năng lực điều trị và giảm tử vong. Cùng với đó, những mô hình nhằm tiếp cận hỗ trợ nhanh nhất cho những ca F0 theo dõi, điều trị tại nhà luôn được chú trọng. Đây là một trong những giải pháp giảm áp lực cho các bệnh viện, đồng thời để người bệnh yên tâm khi điều trị tại nhà. 

Bộ Y tế đã cập nhật các phác đồ về điều trị, đảm bảo để các trường hợp mắc Covid-19 được tiếp cận, chăm sóc điều trị một cách tốt nhất; đồng ý cho TPHCM thí điểm điều trị có kiểm soát các trường hợp F0 tại nhà và cộng đồng với mô hình “3 tại chỗ”: xét nghiệm tại chỗ, điều trị tại chỗ và an sinh tại chỗ. Người đứng đầu ngành y tế khẳng định: việc điều trị các trường hợp F0 tại nhà, cộng đồng kèm theo chăm sóc dinh dưỡng, thể chất, tinh thần là một trong những ưu tiên hàng đầu, đóng vai trò quyết định trong chiến lược mới phòng chống dịch Covid-19. Điều này sẽ làm giảm nguy cơ xuất hiện triệu chứng, giảm chuyển nặng, tử vong và giảm khả năng lây lan. Hôm qua 16-8, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã ký quyết định thành lập Tổ chuyên gia tư vấn điều trị bệnh Covid-19 của TPHCM nhằm tham mưu Ban Chỉ đạo phòng chống dịch trong việc xây dựng và triển khai kế hoạch chăm sóc và điều trị cho người mắc Covid-19 theo từng giai đoạn, nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất tỷ lệ tử vong. Đây được xem là một quyết định hợp lý, phù hợp, đáp ứng mô hình phòng chống dịch trong từng giai đoạn cụ thể; tổ chức hội chẩn, tư vấn từ xa, chăm sóc cho người mắc Covid-19 tại nhà trước bối cảnh dịch bùng phát mạnh.

Với mục tiêu kiểm soát dịch bệnh trước ngày 15-9, TPHCM đã, đang và sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 với trọng tâm của 30 ngày tới là chiến lược điều trị giảm tử vong. Lãnh đạo TPHCM yêu cầu ngành y tế phải tăng cường công tác điều trị tích cực các ca F0 bệnh nặng, có triệu chứng. Công tác quản lý F0 không triệu chứng, F1 tại nhà phải đồng bộ, thống nhất, liên thông từ khâu phối hợp, đến quy trình điều trị, bảo đảm thông tin kết nối, liên lạc kịp thời với các lực lượng phản ứng nhanh. Bệnh viện tiếp nhận điều trị các ca F0 khi có triệu chứng, trở nặng; tránh tình trạng xử lý chậm các trường hợp được phát hiện, cần chăm sóc kịp thời, nhằm giảm số ca tử vong trong điều trị Covid-19.

Chống dịch là cả một hành trình dài đầy gian nan, buộc người dân không được chủ quan, nhưng cũng không vì thế mà sợ hãi. Dù việc chống dịch Covid-19 còn gặp nhiều khó khăn phía trước, nhưng với sự thay đổi linh hoạt trong các biện pháp chống dịch và thận trọng trước những quyết sách của lãnh đạo thành phố trong việc tìm những phương hướng tốt nhất, hạn chế những tổn thất cho người dân, chúng ta có quyền lạc quan, hy vọng dịch bệnh sớm được đẩy lùi.

Tin cùng chuyên mục