“Cởi trói” chính sách để y học gia đình phát triển

Được kỳ vọng sẽ thúc đẩy hệ thống y tế cơ sở, giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên, tuy nhiên đến nay mô hình phòng khám bác sĩ gia đình (PK BSGĐ) tại TPHCM vẫn chưa phát triển như mong đợi. Nguyên nhân được cho là vẫn còn nhiều bất cập trong chính sách phát triển mô hình này và cần có giải pháp tháo gỡ để đây thực sự trở thành “người gác cổng” trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân ở tuyến cơ sở.

Chưa được như kỳ vọng

Mới đây, vào đầu tháng 3-2021, Trạm Y tế (TYT) xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh chính thức được đổi mới hoạt động theo nguyên lý y học gia đình. Ngoài cơ sở hạ tầng rộng rãi, khang trang sẵn có, TYT xã Vĩnh Lộc A còn được trang bị các trang thiết bị thiết yếu cho hoạt động khám, chữa bệnh ban đầu như máy siêu âm, điện tim… Bệnh nhân đến khám chữa bệnh tại TYT được cấp phát thuốc đầy đủ, lấy mẫu xét nghiệm và trả kết quả ngay tại trạm theo nguyên tắc “một điểm dừng”. TYT xã Vĩnh Lộc A cũng được tăng cường thêm nhân sự có trình độ chuyên môn ở nhiều lĩnh vực như nội tổng quát, sản phụ khoa, đông y, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, dược… Ngoài ra, theo phân công của Sở Y tế, bác sĩ chuyên khoa của các BV Nguyễn Tri Phương, Hùng Vương, Nhi Đồng TPHCM và các bệnh viện chuyên khoa khác sẽ phụ trách hỗ trợ chuyên môn cho hoạt động khám chữa bệnh ban đầu của TYT xã Vĩnh Lộc A, thông qua tư vấn chuyên môn từ xa qua “apps hội chẩn”...

Bác sĩ Trạm Y tế phường 13, quận Bình Thạnh thăm khám cho người dân

Trước đó, hàng loạt TYT xã, phường trên địa bàn TPHCM được chuyển đổi hoạt động theo nguyên lý y học gia đình và đã phát huy hiệu quả tích cực. Đơn cử như TYT phường Tân Quý, quận Tân Phú. Từ một TYT chỉ đơn thuần thực hiện các chương trình mục tiêu y tế - dân số, tiêm chủng, phòng chống dịch... từ năm 201, TYT phường Tân Quý đã bắt đầu đổi mới hoạt động, thu hút bệnh nhân đến khám chữa bệnh. Bác sĩ Lâm Phước Trí, Trưởng TYT phường Tân Quý cho biết, với 2 bác sĩ cơ hữu và 1 bác sĩ tăng cường từ BV quận Tân Phú, hiện đơn vị này đang quản lý hơn 400 hồ sơ bệnh án các bệnh không lây của người dân trên địa bàn. Trung bình mỗi ngày, trạm có khoảng 70 người dân đến khám bệnh, trong đó 50% là bệnh nhân tăng huyết áp và tiểu đường.

Là người nghiên cứu, xây dựng Đề án thí điểm phát triển mô hình PK BSGĐ tại TPHCM, song PGS-TS-BS Nguyễn Thanh Hiệp, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch nhìn nhận, mô hình BSGĐ tại TPHCM đang phát triển đúng hướng, đó là nâng cao chất lượng, phát triển y tế cơ sở. Tuy nhiên đến nay, tiến độ, quy mô lẫn chất lượng của các PK BSGĐ vẫn chưa đạt được như kỳ vọng. “Chúng ta vẫn chưa thực sự có nhiều PK BSGĐ trong khu dân cư, người dân vẫn chưa tin tưởng loại hình phòng khám này và chưa thể lập hồ sơ quản lý sức khỏe cho người dân”, PGS-TS-BS Nguyễn Thanh Hiệp chia sẻ. 

Tận dụng nguồn lực sẵn có

Nêu lên nguyên nhân khiến PK BSGĐ chưa phát triển như mong đợi, PGS-TS-BS Nguyễn Thanh Hiệp cho rằng, tại TPHCM, dịch vụ y tế có sẵn quá nhiều, số lượng các bệnh viện chuyên khoa, đa khoa tuyến trên lên đến hàng trăm. Mặt khác, do thực hiện cơ chế tự chủ tài chính nên các BV tuyến trên dù có quá tải vẫn không muốn giảm tải, họ sử dụng nhiều biện pháp để “chiêu dụ” người bệnh. Do đó, người bệnh vẫn có xu hướng đến thẳng bệnh viện mà không tìm đến các PK BSGĐ. Về chính sách, BS Hiệp cho rằng: “Chúng ta chưa tạo ra được một môi trường để PK BSGĐ phát triển đúng nghĩa. Nhiều PK BSGĐ chưa có đủ cơ sở vật chất, nguồn nhân lực còn thiếu và yếu, thậm chí nhiều nơi chưa được ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT cũng là “điểm trừ” khiến người dân chưa mặn mà với mô hình này”. 

Lấy ví dụ thực tế từ Phòng khám Đa khoa của Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, PGS-TS-BS Nguyễn Thanh Hiệp cho rằng, phòng khám được ra đời theo mô hình kiểu mẫu nhằm hiện thực hóa nguyên lý y học gia đình là chăm sóc sức khỏe tổng quát, toàn diện và liên tục. Tuy nhiên, sau 4 năm thành lập, dù có đầy đủ cơ sở vật chất cùng đội ngũ nhân sự là các chuyên gia đầu ngành nhưng do chưa ký được hợp đồng khám chữa bệnh BHYT nên phòng khám này vẫn chưa thu hút được nhiều người bệnh. 

Theo PGS-TS-BS Nguyễn Thanh Hiệp, cần có cơ chế chính sách phù hợp, “cởi trói” các quy định cứng nhắc để y học gia đình phát triển. Trước khi đầu tư mở rộng các loại hình PK BSGĐ, TPHCM cần tận dụng các TYT phường, xã. Song, để y học gia đình phát triển, cần bổ sung thêm nhân sự để “giải phóng” bác sĩ TYT khỏi những công việc hành chính, giúp họ chuyên tâm khám chữa bệnh. Mạnh dạn cho phép TYT sử dụng tài sản công, hoạt động 24/24h, khoán BHYT theo định suất để họ phục vụ tốt nhất nhu cầu khám chữa bệnh của người dân trên địa bàn. Về đầu tư trang thiết bị cho TYT theo nguyên lý y học gia đình, cần đầu tư theo nhu cầu, mô hình bệnh trên từng địa bàn, không nên đầu tư ồ ạt, cào bằng, trạm nào cũng giống trạm nào như hiện nay gây ra sự lãng phí không đáng có.  

TPHCM hiện có khoảng 15.000 phòng mạch tư - đây thực chất là các PK BSGĐ tồn tại từ rất lâu và họ thực hiện rất tốt việc chăm sóc sức khỏe cho người dân. Nếu những bác sĩ phòng mạch tư này được đào tạo, cấp chứng chỉ BSGĐ, dán nhãn PK BSGĐ và cung cấp dịch vụ BHYT thì chắc chắn sẽ giải quyết được số lượng lớn bệnh nhân phải lên tuyến trên chỉ để khám các “bệnh vặt” như sốt, cảm cúm, nhức đầu, cao huyết áp, đau nhức mỏi... “Nếu được tạo thêm cơ chế hỗ trợ trong chuyển bệnh, hỗ trợ chuyên môn, hội chẩn trực tuyến từ xa của tuyến trên thì đây chắc chắn sẽ là những BSGĐ hoàn chỉnh. Làm được vậy, chúng ta sẽ có một hệ thống PK BSGĐ phủ sóng rộng khắp, trước mắt là điều trị bệnh ban đầu, xa hơn nữa là dự phòng sức khỏe, nâng cao chất lượng sống người dân”, PGS-TS-BS Nguyễn Thanh Hiệp mong mỏi.

Thống kê từ Sở Y tế TPHCM, tính đến tháng 3-2021, TPHCM đã chuyển đổi hoạt động được 30 TYT xã, phường theo nguyên lý y học gia đình. Mục tiêu trước mắt của ngành y tế TP là mỗi quận huyện sẽ có ít nhất 2 TYT được đổi mới theo nguyên lý y học gia đình, đảm bảo chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân trên địa bàn. Ngoài ra, TPHCM cũng có nhiều PK BSGĐ tại bệnh viện quận, huyện hoạt động hiệu quả, tạo được sự tin tưởng với người dân.

Tin cùng chuyên mục