Cởi mở hơn trong suy nghĩ

Nằm ở rìa Đông TP New Orleans, bang Louisiana (Mỹ), Village de l’Est là nơi sinh sống của hàng ngàn người Việt. Nhiều thập kỷ qua, cộng đồng người Việt nơi đây, cùng với người Việt ở California và Texas là những cộng đồng người nhập cư lớn nhất tại Mỹ.

 

Một thợ may ở Village de l’Est
Một thợ may ở Village de l’Est
Theo tờ New York Times, siêu bão Katrina với sức tàn phá khủng khiếp tràn vào nước Mỹ năm 2005 đã thay đổi cộng đồng người Việt ở Village de l’Est. Từ chỗ xa tách với phần còn lại của TP New Orleans, cộng đồng người Việt ở Village de l’Est tự khẳng định về mặt chính trị, bắt đầu với những chiến dịch nhằm buộc thành phố khôi phục các chính sách phúc lợi đối với Village de l’Est. Chưa đầy 5 năm sau bão Katrina, thảm họa tràn dầu sau khi dàn khoan Deepwater Horizon bị nổ tiếp tục tác động tiêu cực đến đời sống của nhiều người Việt ở Village de l’Est. Khai Nguyen, 32 tuổi, kể: “Sau vụ tràn dầu, nhiều người mất việc làm chỉ trong 1 đêm”. 1/3 cộng đồng làm trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng như đánh bắt hải sản, nuôi tôm, các chủ nhà hàng, thương lái hải sản… Nhưng cũng có thể nói rằng vụ tràn dầu cũng giúp cộng đồng người Việt năng động hơn khi họ phải kiếm tìm những cơ hội việc làm, kinh doanh khác để thay thế cho khoản thu nhập bị mất từ biển.

Giờ đây, 13 năm sau thảm họa Katrina, những người Việt ở Village de l’Est tiếp tục chứng kiến sự thay đổi với cộng đồng đến từ thế hệ trẻ. Những chàng trai, cô gái Việt rời Village de l’Est để theo đuổi sự nghiệp, cuộc sống khác với thế hệ ông bà, cha mẹ họ. Nhiều người nghĩ rằng cộng đồng người Việt ở đây đang tiến gần đến 1 bước ngoặt mới. Một số sợi dây gắn kết chặt chẽ các mối quan hệ trong cộng đồng, “buộc chặt” mọi người với nhau, trong đó có ngôn ngữ, đang dần trở nên lỏng lẻo ở thế hệ trẻ. Nhiều người Việt trẻ giờ không còn thông thạo tiếng Việt nữa. Bên cạnh đó, những công việc hứa hẹn mang lại cho những thanh niên gốc Việt một tương lai xán lạn thôi thúc họ rời Đông New Orleans, đến những vùng đất khác trên đất Mỹ. 

Lang Le, 49 tuổi, cho hay: “Thế hệ của tôi hầu hết vẫn ở đây. Nhưng các thế hệ trẻ đang tiến ra bên ngoài. Họ sẽ học đại học, lấy bằng, tới Texas và California”. Trong khi đó, Anh Hoang, chủ một cửa hàng tạp hóa, cho biết: “Cách đây không lâu, cửa hàng của người Việt tràn ngập nơi này. Nhưng giờ, nhiều cửa hàng đã đóng cửa”. Người chủ cửa hàng tạp hóa này cho rằng sự suy giảm về kinh tế ở Village de l’Est cũng cho thấy phần nào gắn liền với sự thay đổi của văn hóa cộng đồng. “Chúng tôi thường hướng về gia đình. Người Việt quây quần bên nhau ở đây vì thế. Nhưng giờ mọi thứ đã khác, chúng tôi đang thay đổi”, Anh Hoang nói. Hieu Doan, một người thuộc thế hệ trẻ của cộng đồng người Việt ở Village de l’Est, cho biết quan điểm: “Chúng tôi thừa hưởng nhiều giá trị truyền thống từ bố mẹ, nhưng thế hệ của tôi đam mê kinh doanh và sẵn sàng hòa nhập với văn hóa New Orleans hơn”.

Nói đến văn hóa truyền thống, dễ dàng nhận thấy một điều ở Village de l’Est, đó là người Việt nơi đây vẫn rất gắn bó với nông nghiệp. Thong Phan, làm nghề đánh bắt hải sản, cho hay người Việt ở Village de l’Est nuôi, trồng mọi thứ ở sân sau nhà họ. Do đó, chợ nông sản như ở Việt Nam vẫn đều đặn họp hàng tuần. Đến chợ, người dân có thể mua đủ từ các loại rau thơm, hành lá đến bầu, cà tím, tôm, cá, gia cầm, thậm chí cả gạo nếp, bánh tét mà người dân tự gói, nấu. Nhờ vậy, nét văn hóa Việt vẫn được lưu giữ.

Thế nên, với chuyện người trẻ muốn tìm kiếm các cơ hội bên ngoài, nhiều ý kiến theo hướng rất lạc quan cho rằng đó là sự lan tỏa của văn hóa Việt đến những khu vực khác của TP New Orleans nói riêng và nước Mỹ nói chung. Cộng đồng người Việt tại Village de l’Est không còn thu mình lại mà đã trưởng thành, sẵn sàng khẳng định mình nơi đất khách.

Tin cùng chuyên mục